Lời Chúa : Mt 8,28-34
"Bấy giờ, cả thành ra đón Đức
Giêsu,
và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ."
(Mt 8,34)
và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ."
(Mt 8,34)
Câu chuyện Chúa Giêsu cho quỉ nhập vào đàn heo, đã gây nên
nhiều thắc mắc: tại sao Chúa lại để cho người ta thiệt hại cả đàn heo như thế?
Các thánh Giáo phụ đã phải bàn cãi rất nhiều về vấn đề này. Sở dĩ người ta đặt
ra vấn đề này là vì người ta nhìn sự việc dưới lăng kính vật chất. Còn nếu nhìn
theo góc nhìn giá
trị thì sự việc sẽ
khác hoàn toàn. Sự việc giải thoát cho hai con người bất hạnh cũng như giải
thoát cho cả vùng khỏi nỗi khiếp sợ triền miên do ma quỉ gây ra, so với sự
thiệt hại vật chất thì có đáng là bao.
Nói vậy, không có nghĩa là chúng ta khuyến khích hoặc dung thứ
cho những hành vi đối xử tàn ác với thú vật, nhưng chỉ có nghĩa là chúng ta
phải bảo tồn ý thức về giá trị quân bình trong cuộc sống.
Bài Tin Mừng hôm nay còn một điểm mà chúng ta phải lưu ý:
Đó là lời tuyên xưng của ma quỉ và phản ứng của dân thành Garada.
Rõ ràng là ma quỉ đã
tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, trong khi người Do Thái lại cho Chúa
nói phạm thượng khi Ngài tự xưng mình như thế. Đây không phải là lần duy nhất
ma quỉ tuyên xưng như vậy. Một câu hỏi có thể đặt ra tại đây: Tại sao họ lại từ
chối không chịu tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa như vậy? Có nhiều lý do, nhưng
xét cho cùng thì cũng chỉ vì quyền lợi vật chất riêng tư của họ mà thôi. Thường
có quyền thì có lợi. Nếu dân chúng bỏ họ mà theo Chúa hết thì điều mà họ lo là
họ sẽ mất quyền và cũng như mất lợi (mất uy tín, mất danh vọng ăn trên ngồi
trước). Họ tiêu diệt Chúa Giêsu vì niềm tin độc thần thì ít mà vì quyền lợi thì
nhiều.
Dân chúng xin Người rời
khỏi vùng đất của họ.
Khi những kẻ chăn heo chạy về thành phố thuật lại sự việc đã xảy
ra, thì dân thành đã xin Chúa Giêsu rời khỏi xứ họ tức khắc. Thánh Matthêô
không nêu lên lý do tại sao họ làm như thế, tuy nhiên cứ theo phản ứng đầu tiên
ấy, thì có lẽ bởi vì họ nghĩ: nếu ông ta tiếp tục làm các phép lạ như thế giữa
họ, thì chắc họ sẽ còn phải hấng chịu nhiều thiệt hại hơn nữa. Họ từ chối Chúa
vì quyền lợi vật chất. Rõ ràng ở đây tính vị kỷ của con người được biểu lộ thật
rõ ràng. Đối với họ, hai người được phục hồi lý trí chẳng có gì quan trọng,
điều quan trọng đối với họ là bầy heo đã chết. Thường thường người ta nói rằng:
"Tôi chẳng cần bận tâm đến chuyện gì xảy ra cho người khác chừng nào quyền
lợi, tiện nghi và sự thoải mái của tôi vẫn được bảo toàn".
Người Do thái cũng như dân ngoại từ chối Chúa Giêsu chỉ vì quyền
lợi vật chất. Còn chúng ta hôm nay thì sao? Có khi nào vì quyền lợi vật chất mà
ta từ chối Chúa hay từ chối Lời Chúa không? Có khi nào ta chọn quyền lợi vật
chất hơn chọn Chúa không?
Một anh thợ mộc nọ đã có bốn con, nhà nghèo, đến nói với tôi
rằng: con muốn chuyển gia đình đến một nơi khác làm ăn, hy vọng sẽ khá hơn.
Nhưng con cứ do dự hoài. Bởi vì chỗ con định đến lại xa nhà thờ, ở giữa dân
ngoại. Nếu con ra đi, thì con cái con sẽ không có chỗ học giáo lý và cả gia
đình cũng sẽ khó mà đến nhà thờ ngày Chúa nhật được.
Một chọn lựa khó khăn, mà ai trong chúng ta cũng có thể gặp hàng
ngày. Chọn tham dự thánh lễ hay coi một cuốn phim hay. Chọn giữa sự tha thứ và
hận thù. Chọn giữa một buổi đi chơi với bạn bè hay đi học giáo lý. Trong cuộc
sống, tôi thường chọn Chúa hay chọn quyền lợi riêng tư của tôi?
Đức Gioan Phaolô II thường khuyên những người đến với
Ngài rằng: "Chúng con phải lựa chọn". Chọn là một quyết định lớn và
quan trọng của đời người. Chúng ta đã chọn. Và chúng ta còn phải tiếp tục chọn,
vì đời là một tiến trình, đời là một cuộc đổi mới không ngừng nghỉ. Thành công
hay thất bại là tùy ở những chọn lựa mỗi ngày của ta.
Cầu nguyện : Lạy Chúa,
Chúa là tất cả đời con. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét