Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Chúa nhậy XXI TN Năm B


Khi Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là bánh từ trời xuống, bánh trường sinh, bánh cứu độ (Ga 6, 51), thịt của Ngài là của ăn đích thực, máu của Ngài là của uống đích thực (Ga 6, 55), thì đã có nhiều người Do Thái chướng tai, gai mắt, ngay cả một số môn đệ của Chúa cũng không chấp nhận nổi, đã bỏ Ngài mà đi. 
Sở dĩ có vô số người và một số môn đệ Chúa Giêsu đã không hiểu được cuộc sống và cái chết của Chúa vì họ vẫn suy nghĩ theo kiểu trần thế, họ chưa vươn cao lên, chưa nhìn mọi sự thuộc về trên cao, chưa hiểu những điều thuộc về Thiên Chúa. 
Chỉ có những ai có con tim trong sạch, ý hướng ngay lành, ưa làm điều thiện, yêu thương kẻ khác mới nhận ra và đón nhận được cuộc sống, và ngay cả cái chết của Chúa Giêsu. Chỉ những ai biết cảm thông, tha thứ, quảng đại với người khác mới hiểu được ý nghĩa cao vời của tình yêu tuyệt đối của Chúa Giêsu và mới không thấy chói tai về câu nói của Chúa Giêsu.
Ngay cả nhóm mười hai, những môn đệ đầu tiên được Chúa yêu thương, tuyển chọn, nhưng Chúa cũng đòi hỏi các ông phải nói lên sự chọn lựa dấn thân và tuyên xưng lòng tin, công khai nói lên sự chọn lựa dấn thân của họ
Lời tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô cũng là lời tuyên tín của Hội Thánh và mọi người Kitô hữu. Một lời tuyên xưng đức tin như thế làm nền tảng cho sự lựa chọn dấn thân vì Tin Mừng và vì phần rỗi của tha nhân và của chính bản thân mình. Tuyên xưng như thế là tin vào: ”Lời của Thầy ban sự sống đời đời” (Ga 6, 68). Tin vào Lời của Chúa có nghĩa là chấp nhận cuộc sống của Chúa, làm theo Chúa, hy sinh bản thân cho phần rỗi và hạnh phúc của con người. Tin nhận Chúa và để cho Chúa xâm chiếm toàn thể cuộc đời là chấp nhận một tình yêu đã trở nên tuyệt đỉnh, tình yêu cao vời, đành mất tất cả, tình yêu đã trở nên cứu độ.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

THỨ BẢY TUẦN 20 THƯỜNG NIÊN

Mt 23,1-12
"Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống;
còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên."
(Mt 23,12)
 Có lẽ hầu hết những Lời Chúa Giêsu kết án các Pharisêu và luật sĩ ngày xưa cũng đều có thể đúng cho cả chúng ta hôm nay:
* Chúng ta thường nói rất nhiều mà làm không được bao nhiêu. Nói rất hay nhưng làm chẳng có gì. Thích "chỉ tay năm ngón", bảo người khác làm còn chính mình thì không!
* Còn rất nhiều người trong chúng ta bên ngoài thì xem rất đẹp, nhưng cái đẹp đó không biết có phù hợp với cuộc sống thực sự đạo đức có chiều sâu bên trong hay không. Điều đó đối với người ta thì khó mà thấy nhưng đối với Chúa thì làm sao chúng ta có thể che giấu được Người. 
* Chúng ta cũng rất thích danh vọng và địa vị.

Cầu nguyện : Lạy Chúa, Xin cho chúng con học Nơi Chúa Chí Thánh biết khiêm nhường  từ tư tưởng đến lời nói, Amen

THỨ SÁU TUẦN 20 THƯỜNG NIÊN

Mt 22,34-40
Đức Giêsu đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa,
Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi

và "Ngươi yêu người thân cận như chính mình."
(Mt 22,37.39)
Trả lời cho một số luật sĩ hỏi "Giới răn nào là trọng nhất?", Chúa Giêsu đưa ra hai giới răn mến Chúa và yêu người.
Đặc biệt, Ngài nói "Giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất", và "Toàn thể lề luật và các sách tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó".(Mt 22,39)
Những luật sĩ Do Thái rất thuộc luật và giữ luật rất kỹ, nhưng họ không biết đến cốt lõi của những khoản luật đã được ban bố: Đó là tình yêu.
Có người nói yêu người khó hơn mến Chúa. Dĩ nhiên, vì con người không dễ thương bằng Chúa. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã coi giới răn thứ hai cũng ngang hàng với giới răn thứ nhất.
Thánh Gioan quả quyết: "Nếu ai nói tôi yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn chúng ta đã nhận được từ Ngài: ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình" (1Ga 4,20-21) .
 "Còn một điều răn thứ hai cũng giống như điều răn ấy là: phải yêu thương người lân cận như chính mình" (Mt 22,39).
Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu được mẹ bề trên giao cho một chị nữ tu lớn tuổi để chị trông coi chăm sóc. Chị này nổi tiếng là khó tính trong nhà dòng. Đến giờ ăn, Têrêsa phải dìu chị xuống nhà ăn. Một thiếu sót nhỏ cũng đủ để cho Têrêsa bị trách móc. Chị ấy bực bội, không bằng lòng, nhưng Têrêsa vẫn luôn tỏ ra vui tươi hồn nhiên và chịu đựng tất cả vì lòng yêu mến Chúa; và vì tình yêu Chúa, thánh nữ yêu mến nữ tu đáng thương này.
Tình yêu đối với Thiên Chúa phải được tỏ hiện ra bên ngoài đó là tình yêu đối với tha nhân. Và chúng ta chứng tỏ tình yêu đối với tha nhân không phải chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng hành động, bằng sự nhẫn nhục, tha thứ và cảm thông nữa.

Cầu nguyện : Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
xin hãy nhắc cho con nhớ rằng chúng con đều là con cái Chúa đừng để con quên Lời Chúa:
"Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất là chúng con làm cho chính Ta." Amen

THỨ NĂM TUẦN 20 THƯỜNG NIÊN

Mt 22,1-14
"Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít."
(Mt 22,14)
Khi nghe dụ ngôn này, người Do Thái cũng như chúng ta hôm nay đều hiểu rằng: Tiệc cưới là Nước Trời, đức vua là Thiên Chúa và hoàng tử chính là Chúa Giêsu.Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này để ám chỉ về những người Do Thái không chấp nhận Ngài, hay không biết tôn trọng Ngài cho phải phép (không mặc áo cưới). Đây cũng là một lời cảnh cáo đối với cả chúng ta hôm nay.
 Trước hết, đối với người Do Thái. Đáng lý ra thì những người Do Thái phải là những người đầu tiên đón nhận Nước Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu cũng muốn như thế:
"Ra khỏi đó, Đức Giêsu lui về miền Tyrô và Siđôn, thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: "Lạy Ngài là con vua Đavid, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!"(Mt 15,22). Nhưng Người không đáp lại một lời. Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: "Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!"(Mt 15,23). Người đáp: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi."(Mt 15,24) nhưnghình như là Chúa đã phải "chào thua" trước thái độ cứng lòng tin của họ.
Chúa Giêsu đã phải "chào thua" nhưng Chúa đâu có để cho chương trình của Chúa phải thất bại. "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông."(Mt 21,3)
Thứ đến là chuyện chiếc áo cưới.

Khi đức vua đưa ra đòi hỏi này, ông muốn cho người ta hiểu rằng, mặc dù được mời vào dự tiệc cưới nhưng người được mời cũng phải hiểu rằng, đây là tiệc cưới của hoàng tử cho nên cũng phải làm sao cho xứng đáng chứ không được phép coi thường. Phải làm sao cho xứng đáng với ân huệ được thụ hưởng.

THỨ TƯ TUẦN 20 THƯỜNG NIÊN

Mt 20, 1-16a
"Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt
về những gì là của tôi sao?

Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?"
(Mt 20,15)

Điểm nhấn mạnh của dụ ngôn này là 2 lối suy nghĩ khác nhau về cách trả lương của ông chủ:
Lối suy nghĩ của một số người thợ làm việc nhiều giờ: làm nhiều thì phải được trả công nhiều.
Lối suy nghĩ của ông chủ: Ông trả công vì thương (nhưng không lỗi đức công bình), cho nên kẻ làm ít giờ cũng được trả nhiều bằng kẻ làm suốt ngày.
Hai cách suy nghĩ trên phản ánh hai quan niệm khác nhau của người Do Thái và của Chúa Giêsu:
Người Do Thái làm việc đạo đức để tính công với Chúa. Họ nghĩ, họ làm nhiều thì Chúa phải ban ơn cho họ nhiều.
Đối với Chúa Giêsu: Thiên Chúa ban ơn cho ta không phải vì công lao của ta mà vì tình thương của Ngài.

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Thứ Ba Tuần XX Thường Niên

Lời Chúa:   Mt 19,23-30
"Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời." (Mt 19,24)

“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời”: Của cải vật chất tuy rất hữu ích cho sự sống đời này, nhưng hoàn toàn vô ích cho sự sống đời đời, có thể còn là một cản trở rất lớn.
 “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”: Hãy trình bày với Chúa điều gì hiện tôi không thể làm được, và xin Chúa giúp ta làm điều đó.
“Tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời.” (Mt 19,29)
Apraham, tổ phụ chúng ta, đã vâng lời Thiên Chúa. Ông đã đem Isaac-con trai độc nhất của mình-mà tế lễ cho Ngài. Còn gì đau khổ hơn bằng chính người cha phải đem giết con trai mình bằng bất cứ lý do gì. Thế nhưng, Abraham đã làm điều đó. Ông đã hy sinh cái quý giá nhất của mình cho Thiên Chúa. Thiên Chúa đã thấu hiểu lòng trung thành của ông và Ngài đã ban cho ông không những một người con mà cả một dòng dõi đông đúc.

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Thứ Hai Tuần XX Thường Niên

Lời Chúa:  Mt 19,16-22
"Bán hết của cải và bố thí cho người nghèo, sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta." (Mt 19,21)

Đối tượng là một thanh niên giàu thiện chí. Vì thiện chí, anh tự tìm đến với Chúa Giêsu để hỏi cách cho được sự sống đời đời. Qua đối thoại với Chúa Giêsu, anh còn cho biết anh đã tuân giữ tất cả các giới răn từ thuở nhỏ.
Thấy thiện chí của anh, Chúa Giêsu mời anh tiến xa hơn một bước nữa: bán tài sản, bố thí cho người nghèo, rồi trở lại theo làm môn đệ Ngài. Điều này đòi hỏi một sự từ bỏ lớn lao. Anh không thể đáp ứng được nên anh buồn rầu bỏ đi.

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Ngày 15/08: Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời


Lời Chúa:  Lc 1,39-56
"Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện" (Lc 1,45)

Đức Mẹ Maria được bà Êlisabét gọi là người có phúc nhất trong tất cả các phụ nữ. Qua đoạn Phúc Âm này, ta có thể thấy được một số lý do khiến Đức Mẹ diễm phúc như thế:
- Vì Mẹ có đức tin vững mạnh: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em”.
- Vì Mẹ luôn có Chúa Giêsu trong mình
- Vì Mẹ biết quan tâm mang hạnh phúc đến cho người khác
- Vì Mẹ biết sống như một “người nghèo của Thiên Chúa”: “Kẻ đói nghèo Ngài ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng”.

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

tin mừng chúa nhật 20 TN Năm B


CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN-B

Lời Chúa : Ga 6,51-58
SỐNG KHÔN NGOAN
“Ai ăn thịt và uống máu tôi
thì được sống muôn đời
và tôi sẽ cho người ấy sống lại
trong ngày sau hết,
vì thịt tôi thật là của ăn
và máu tôi thật là của uống”

(Ga 6,54)

Nếu sống khôn ngoan theo sách Châm Ngôn là đón nhận giáo huấn của Thiên Chúa để được sự sống, thì khôn ngoan theo lời Đức Giêsu trong diễn từ về bánh hằng sống là ăn thịt và uống máu Người để được sự sống đời đời.
Những ai ăn thịt và uống máu Người thì ngay ở đời này được liên kết mật thiết với Chúa Giêsu, được ở lại trong Người, được sự sống từ Người. Và sự sống của Chúa Giêsu không phát xuất từ Người mà là từ Chúa Cha, Đấng đã sai Người. Sự sống thần linh phát xuất từ Thiên Chúa Cha, và qua Chúa Giêsu, sự sống này được thông truyền cho những ai ăn thịt và uống máu Người. Sự sống thần linh này không chỉ là một lời hứa xa xôi mà đã được ban cho người lãnh nhận ngay từ đời này.
Những ai ăn thịt và uống máu Đức Giêsu thì được Người hứa ban sự sống đời đời. Sự sống thần linh phát xuất từ Thiên Chúa không chỉ được ban cho con người cách tạm bợ nơi trần gian này, mà còn là lời hứa chắc chắn cho cuộc sống đời đời. Quả vậy, thịt và máu Đức Giêsu không chỉ là lương thực thiêng liêng cho con người trong cuộc lữ hành trần thế, mà còn là bảo đảm cho con người sự sống viên mãn mai sau.
Thịt và máu Chúa Giêsu còn là bảo đảm cho cuộc phục sinh mai sau: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,54). Sự phục sinh là cuộc chiến thắng và hiển trị của Chúa Giêsu trên sự chết. Một khi đón nhận thịt và máu Chúa Giêsu, con người được thông dự vào cuộc chiến thắng và vinh quang phục sinh với Người.
Chúa Giêsu khẳng định thịt Người thật là của ăn và máu Người thật là của uống. Thứ lương thực thần linh này phát xuất từ Thiên Chúa, và được ban qua Chúa Giêsu để những ai lãnh nhận thì không chỉ được thông dự vào sự sống thần linh ở đời này, được bảo đảm cho cuộc sống mai sau mà còn được hiển trị cùng Chúa Giêsu trong cuộc phục sinh của Người. Đó thật là cách sống khôn ngoan mà Chúa Giêsu muốn mạc khải cho con người.

Cầu nguyện : Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa đã quy tụ và không ngừng nuôi dưỡng chúng con trong Hội Thánh Chúa. Xin nhận lời chúng con tha thiết cầu xin và giúp chúng con luôn biết thể hiện sự khôn ngoan của con cái Chúa ở giữa thế gian. cho mọi thành phần Hội Thánh luôn khao khát kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và biết dọn mình xứng đáng mỗi khi đón rước Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.Amen.

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Lời Chúa Chúa nhật XX




THỨ BẢY TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN

 Lời Chúa : Mt 19,13-15
Đức Giêsu nói:
"Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng,

vì Nước Trời là của những ai giống như chúng."
(Mt 19,14)
Người đời quen phân biệt ai là người mình nên trọng, ai là kẻ mình phải khinh. Ngày xưa người Do Thái khinh thường và khai trừ một số người khỏi sinh hoạt chung của xã hội và Tôn giáo. Đó là phụ nữ, người cùi, người tội lỗi công khai và trẻ nhỏ. Đặc điểm của Kitô giáo và đặc biệt của Công giáo là mở rộng vòng tay tiếp đón mọi người  không khai trừ ai.
Đó là thái độ của Chúa Giêsu. Nhưng đây có phải là thái độ của mọi Kitô hữu chưa?
"Hãy để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng" (Mt 19,14): Chúa Giêsu thương những trẻ nhỏ bởi vì tự chúng, trẻ nhỏ có rất nhiều đức tính rất tốt.

THỨ SÁU TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mt 19,3-12
"Như vậy, họ không còn là hai,
nhưng chỉ là một xương một thịt.
Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp,
loài người không được phân ly."

(Mt 19,6)
Những người Pharisêu đến gần Chúa Giêsu để thử Ngài: "Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?" (Mt 19,3).
Chúa Giêsu trả lời bằng một trích đoạn sách Sáng Thế (St 1,27-2,24). Đó chính là những lời thiết lập định chế đơn hôn và vĩnh hôn. Như thế, dứt khoát là không được ly dị, bởi vì "Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly".(Mt 19,6)
Những người Pharisêu chưa chịu thua. Họ trích một câu trong Đệ nhị luật 24,1: Nội dung cho phép là ly dị với điều kiện phải viết chứng thư đưa cho người vợ bị ly dị.
Chúa Giêsu đã đưa ra một nhận định về câu Đệ Nhị Luật đó: Bản chất của nó không phải là lời thiết lập luật, nhưng chỉ là lời cho phép miễn chuẩn trong hoàn cảnh người dân còn lòng chai dạ đá, nghĩa là chưa nhận rõ ý Thiên Chúa. Như thế, trong quá khứ, nếu cho phép ly dị thì chỉ là miễn chuẩn thôi. Sự miễn chuẩn đó không hủy bỏ được định chế hôn nhân.
Rồi Ngài lại lập nguyên tắc hôn nhân bất khả phân ly: "Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mình mà lấy vợ khác, là phạm tội ngoại tình".(Mt 19,9)

THỨ NĂM TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mt 18,21-19,1
"Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời
cũng sẽ đối xử với anh em như thế,
nếu mỗi người trong anh em

không hết lòng tha thứ cho anh em mình."
(Mt 18,35)

 Cuộc sống cộng đoàn cũng có nhiều va chạm, nên Chúa Giêsu dạy thêm bài học về sự tha thứ:
Muốn thuyết phục chúng ta tha thứ cho nhau, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn hai con nợ để vạch cho chúng ta thấy việc ta tha thứ cho người khác là rất có lợi vì ta sẽ được Thiên Chúa tha thứ cho ta nhiều hơn. Tính ra những lỗi lầm người khác xúc phạm đến ta đâu có là bao so với những lỗi ta xúc phạm đến Chúa.

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

THỨ TƯ TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mt 18,15-20
"Nếu ở dưới đất,
hai người trong anh em
hợp lời cầu xin bất cứ điều gì,
thì Cha Thầy,

Đấng ngự trên trời,
sẽ ban cho"

(Mt 18,19)
Chúa Giêsu dạy thêm hai điều nữa về nếp sống cộng đoàn:
 Để mất một phần tử trong cộng đoàn là một nỗi đau rất lớn. Bởi đó Chúa Giêsu dạy chúng ta phải kiên nhẫn.Chúa dạy những người trong hội đoàn phải "hiệp lời cầu xin" (Mt 18,19). Chúa nói khi chúng ta hiệp lời cầu xin thì có Chúa ở giữa. Như thế, những giây phút cầu nguyện chung là những giây phút rất êm đềm hạnh phúc.

THỨ BA TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mt 18,1-5.10.12-14
Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến,
đặt vào giữa các ông và bảo:
"Thầy bảo thật anh em :
nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ,
thì sẽ chẳng được vào Nước Trời."

(Mt 18,2-3)
Tin Mừng Matthêô hôm nay được trích từ bài gảng dài của Chúa Giêsu. Trong bài giảng này Chúa nói về những đức tính của người môn đệ trong đời sống cộng đoàn.Đức tính đầu tiên mà người môn đệ phải có. Đó là sự đơn sơ của tuổi thơ.
Có lần, mẹ Têrêsa Calcutta nhắc lại Lời Chúa: "Nếu bạn không trở nên như trẻ nhỏ, bạn sẽ không thể vào được Nước Trời".(Mt 18,3) Rồi mẹ tự hỏi: "Vậy thực tế trẻ thơ là gì? Đó là có một trái tim ngây thơ, một tâm hồn vô tội, một tâm hồn chứa đựng Chúa Giêsu."

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

THỨ HAI TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mt 17, 22- 27
"Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu;
 con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra:
 anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy,

nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh."
(Mt 17,27)

 Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến cuộc thương khó của Chúa Giêsu và vấn đề thuế thân.
Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo cuộc tử nạn sắp đến của Ngài với các môn đệ, nhưng với chi tiết rõ ràng hơn lần trước: Con người sẽ bị nộp vào tay người đời…. và Matthêô thêm: "Các môn đệ buồn lắm." (Mt 14,23)
Chúng ta có cảm tưởng Chúa Giêsu đang tập cho các môn đệ làm quen phần nào với cuộc Thương khó sắp đến của Ngài, để tránh cho các ông cú "sốc" quá lớn, có thể đưa đến thất vọng chăng. Đồng thời, việc Chúa loan báo trước như vậy là để cho các môn đệ biết, cuộc thương khó của Ngài nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Tin Mừng ghi: "Các môn đệ buồn lắm!" (Mt 14,23).