Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúa dạy chúng con phải có lòng thương xót như Cha trên trời,
và ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha.
Xin tỏ cho chúng con thấy dung nhan của Chúa
và chúng con sẽ được cứu độ.
Ánh mắt đầy yêu thương của Chúa đã giải thoát ông Zakêu
và thánh Matthêu khỏi ách nô lệ bạc tiền;
làm cho người đàn bà ngoại tình và thánh Mađalêna
không còn tìm hạnh phúc nơi loài thụ tạo;
cho thánh Phêrô khóc lóc ăn năn sau khi chối Chúa,
và hứa ban thiên đàng cho kẻ trộm có lòng hối cải.
Xin cho chúng con được nghe
những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria,
như thể Chúa đang nói với mỗi người chúng con:
“Nếu con nhận ra hồng ân của Thiên Chúa!”
Chúa chính là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình,
Đấng biểu lộ quyền năng của Ngài
trước hết bằng sự tha thứ và lòng thương xót:
Xin làm cho Hội Thánh
phản chiếu gương mặt hữu hình của Chúa trên trái đất này.
Chúa là Đấng phục sinh vinh hiển.
Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa
cũng mặc lấy sự yếu đuối
để có thể cảm thông với những người mê muội lầm lạc,
xin làm cho tất cả những ai tiếp cận với các ngài
đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa
quan tâm, yêu mến và thứ tha.
Xin sai Thần Khí Chúa đến
xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con,
để Năm Thánh Lòng Thương Xót này
trở thành năm hồng ân của Chúa cho chúng con;
và để Hội Thánh Chúa, với lòng hăng say mới,
có thể mang Tin Mừng đến cho người nghèo,
công bố sự tự do cho các tù nhân và những người bị áp bức,
trả lại ánh sáng cho kẻ mù lòa.
Lạy Chúa Giêsu,
nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót,
xin ban cho chúng con những ơn chúng con đang cầu xin.
Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha
và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Chúa nhật 2 Mùa Vọng - Năm C

Lời Chúa : Lc 3,1-6

 1 Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên, 2 Khanan và Caipha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa. 3 Ông liền đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, 4 như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. 5 Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. 6 Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Cầu nguyện : Xin uốn nắn tâm hồn con,xin san bằng cái tôi trong con,xin lắp những hố sâu tội lỗi của con, cho con biết ăn năm sám hối để chờ đón Chúa lại đến trong bình an Amen

THỨ BẢY TUẦN 1 MÙA VỌNG

Lời Chúa : Mt 9,35-10,1.6-8

"Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương." (Mt 9,36)
 Tin Mừng hôm nay ghi lại: "Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố và làng mạc để dạy dỗ và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Khi nhìn đoàn lũ dân chúng, Ngài động lòng thương xót họ” (Mt 9,36).
Chúa nhìn và sau cái nhìn là "Ngài động lòng thương".Tin Mừng đã ghi lại nhiều lần như thế. Rồi từ chỗ động lòng thương Chúa sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng cho họ.
Tại sao Chúa lại động lòng trắc ẩn như thế?
Thưa vì Ngài thấy dân chúng là những con người đang “tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn”.(Mt 9,36)
Chúa nhìn thấy tình trạng đó, nên Chúa động lòng thương dân. Lòng thương của Chúa không dừng lại ở nơi tình cảm chóng qua, mà còn thôi thúc Chúa đi đến chỗ hành động để biểu lộ tình thương. Tin Mừng ghi: Ngài kêu gọi các môn đệ lại và nói với họ: “Các con hãy xin với chủ ruộng sai thợ gặt đi gặt lúa của Ngài”(Mt 9,38).
Rồi cụ thể hơn nữa, Ngài tập hợp các môn đệ lại, ban cho các ông quyền năng trên các thần ô uế, và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền rồi sai các ông đi đến với những con chiên đang bơ vơ lạc lõng ấy.
 Chúa Giêsu đối xử với con người như thế, còn chúng ta thì sao?
Chắc chắn là không phải lúc nào chúng ta cũng có được cái nhìn giống như Chúa. Ngay cả những người được coi là thông minh và khôn ngoan nhất trên trần gian này cũng thế.
“Thấy dân chúng đông đảo, Đức Giêsu chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36).
Đó là cái nhìn được trộn lẫn bằng những dòng máu của con tim.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, xin cho con một con tim rộng mở, luôn biết cảm thông và trân trọng anh em đồng loại, để thế giới tràn đầy niềm hy vọng. (Epphata) Amen

THỨ SÁU TUẦN 1 MÙA VỌNG

Lời Chúa : Mt 9,27-31
"Các anh tin thế nào thì được như vậy." (Mt 9,30)
Chúa Giêsu: Ngài không muốn cho đám đông dân chúng biết phép lạ Ngài làm. Bởi đó khi hai người mù xin Ngài cứu giúp ở chỗ đông người thì Ngài không đáp lại gì cả. Khi về tới nhà, Ngài mới cứu chữa họ. Cứu chữa họ xong, Ngài “nghiêm giọng” bảo họ“đừng cho ai biết”. Lý do: Chúa Giêsu không muốn người ta tin theo Ngài chỉ vì phép lạ.
- Ngài nhấn mạnh tới lòng tin: Trước khi làm phép lạ, Ngài hỏi “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?”. Sau khi làm phép lạ, Ngài nói “Các anh tin thế nào thì được như vậy.”
 Hai người mù: đức tin họ rất mạnh
- Họ gọi Chúa Giêsu là “Con vua Đavid”(Mt 9,27), tức là tước hiệu người ta gọi Đấng Messia.
Ban đầu Chúa Giêsu không đáp ứng, nhưng họ cứ theo Ngài cho tới nhà. Khi Ngài hỏi, họ tuyên xưng đức tin:
- Thưa Ngài, chúng tôi tin.
Chính Chúa Giêsu nói phép lạ họ được là kết quả của lòng tin: “Các anh tin thế nào thì được như vậy”.
 “Chúa Giêsu chính là ánh sáng. Chỉ trong Ngài chúng ta mới thực sự là người được sáng mắt; chỉ trong Ngài chúng ta mới biết chúng ta là ai, sẽ đi về đâu và đâu là ý nghĩa cuộc sống? Nhưng dĩ nhiên, để có thể tiếp nhận được ánh sáng của Chúa Kitô, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải ý thức được sự mù lòa của mình và quyết tâm ra khỏi sự mù lòa ấy” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").
Người ta thuờng nói đến nhiều loại mù: mù chữ, mù nhạc, mù hội họa, mù văn chương, mù vi tính v.v.. nhưng mù không nhận ra Chúa là ánh sáng đời mình có lẽ là loại mù nguy hiểm và tai hại hơn cả.
Đây là một thứ mù nữa. Người ta gọi là mù tâm linh, mù không dám nhận sự thật. Đây là thứ mù thường xảy ra nhất trong đời sống của chúng ta.
Vâng không dám nhận sự thật cũng là một bệnh mù. Bệnh này rất nguy hiểm, nó thường bộc phát và lây lan nhanh. Nguyên nhân của căn bệnh là tính kiêu ngạo, một loại vi trùng rất khó trị và thường gây ra những hậu quả rất tai hại cho những người mắc thứ bệnh này.
Chúng ta lấy một vài thí dụ. Philatô đứng trước mặt Chúa Giêsu nhưng chỉ thấy Chúa như một tên tử tội cần phải loại trừ chứ không thể nhận ra Chúa là cứu Chúa cho đời mình như là Giakêu người thu thuế. Hêrôđê cũng vậy mặc dù được trực diện với Chúa nhưng chỉ thấy Chúa như một người điên.
Ngược lại, hai người mù trong bài Tin Mừng hôm nay mặc dầu họ mù hai con mắt thể xác nhưng họ lại sáng hai con mắt đức tin, hai con mắt tâm hồn, cho nên họ đã nhận ra Chúa. Họ đã tin Chúa và đã được Chúa chữa lành, cho họ được nhìn thấy.
Phần chúng ta, để có thể tiếp nhận được ánh sáng của Chúa, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải ý thức được sự mù lòa của mình và quyết tâm ra khỏi sự mù lòa ấy” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").

Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu là ánh sáng.
Chỉ trong Chúa chúng con mới thực sự là người được sáng mắt.
Chỉ trong Chúa chúng con mới biết chúng con là ai, sẽ đi về đâu và đâu là ý nghĩa cuộc sống cho cuộc đời chúng con.Amen

THỨ NĂM TUẦN 1 MÙA VỌNG

Lời Chúa : Mt 7,21.24-27
"Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành,
thì ví được như người khôn xây nhà trên đá." (Mt 7,24)

 Câu chủ yếu của đoạn này là câu 21: “Không phải bất cứ ai thưa “Lạy Chúa, lạy Chúa” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi”.
Vâng! Biết phải đi đôi với làm. Ta biết là thuốc tốt nhưng không chịu uống thì cũng chẳng ích lợi gì. Người Tây Phương có câu châm ngôn: “Hoả ngục được lát toàn bằng những thiện chí”
Cha Jean Weslay là một nhà giảng thuyết nổi tiếng. Một hôm có một bác nông phu người Anh đến nghe cha giảng. Hôm đó, cha giảng về đề tài dùng của cải. Ông nhà quê này chăm chú nghe.

THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ

Lời Chúa : Mc 16,15-20
I. LỊCH SỬ
* Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại lâu đài Xaviê trong một gia đình quyền quý của Vương quốc Navarre nhỏ bé miền Bắc nước Tây ban Nha ngày nay. Khi Ngài 5 tuổi, nước Tây ban Nha thôn tính và sát nhập Navarre khiến gia đình Ngài lâm cảnh nước mất nhà tan. Muốn tiến thân bằng con đường trí thức, năm 17 tuổi Ngài đến Paris học (1525-1536).
Tại Paris Ngài sống trong cùng một căn phòng với chân phước Favre, và sau đó với Thánh Ingatio. Lần lượt Phêrô Favre rồi Phanxicô Xaviê được thánh Ingatio thu phục. Năm 28 tuổi, ngài cùng với nhóm bạn của Thánh Ingatio khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và làm việc tông đồ. Năm 31 tuổi ngài chịu chức Linh mục tại Venezia miền Bắc nước Ý. Năm 35 tuổi ngài xuống tàu đi truyền giáo ở vùng Đông Á theo lệnh Đức Thánh Cha Phaolô III.
* Tháng 4 năm 1541 ngài xuống tàu tại Lisbon và mãi 14 tháng sau mới đến được Goa bên Ấn Độ. Trong suốt 10 năm truyền giáo (1542-1552) ngài đã đi cả trăm ngàn cây số. Trong 7 năm đầu, ngài truyền giáo ở vùng Mũi Cormorin, sau đó ở Ceylan, Malaisia và từ đó đến Inđônêsia. Là vị Giám mục đầu tiên của Tỉnh Dòng đầu tiên ngoài Châu Âu, ngài yêu mến và gắn bó keo sơn với Chúa Giêsu, tha thiết với Dòng và anh em trong Dòng, kính trọng và tuân phục Thánh Ingatio, nhiệt thành lạ lùng với việc tông đồ. Ngài đã rửa tội cho hàng trăm ngàn tân tòng và gầy dựng nhiều cộng đoàn tín hữu khắp nơi. Thành quả tông đồ của ngài đã tạo nên một đỉnh cao trong lịch sử truyền giáo của Hội Thánh.

THỨ TƯ TUẦN 1 MÙA VỌNG

Lời Chúa : Mt 15,29-37
"Ai nấy đều ăn và được no nê.
Những mẩu bánh còn thừa,
người ta thu lại được bảy thúng đầy."
(Mt 15,37)

Nếu chúng ta đặt câu chuyện này song song với Tin Mừng Lc 9,10-17 thì chúng ta sẽ được biết thêm những chi tiết đặc biệt khác. Luca cho chúng ta biết, đứng trước cùng một hoàn cảnh nhưng phản ứng của những người trong cuộc rất khác nhau:
 Trước hết là phản ứng của những môn đệ. Các môn đệ phản ứng rất tiêu cực:“Xin Thầy cho đám đông về, để họ... kiếm thức ăn”. Đây là phản ứng theo lý (các môn đệ thấy mình chẳng có trách nhiệm gì đối với đám đông này), và họ chọn thái độ thoái thác, mặc kệ (họ đã tự ý đi theo Chúa Giêsu thì họ cũng phải tự lo thức ăn).

THỨ BA TUẦN 1 MÙA VỌNG

Lời Chúa : Lc 10,21-24
"Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy." (Lc 10,23)
 Những người được “thấy”, được “nghe” và được “biết” Tin Mừng là ai? Thưa là những kẻ bé mọn. Còn những người tự cho mình là thông giỏi kiêu ngạo thì Tin Mừng của Chúa khó đến với họ. Họ giống như những chiếc thùng đầy nước cho nên có đổ thêm bao nhiêu nước vào nữa thì cũng vô ích, nước sẽ tràn hết ra ngoài hết.
Vâng chỉ có những người ý thức mình còn thiếu thốn, yếu kém mới có thể vui vẻ đón nhận Tin Mừng. Họ chẳng khác gì những chiếc thùng rỗng nên lúc nào cũng có thể đổ thêm nước vào. Chúa Giêsu vui mừng tạ ơn Chúa Cha vì đã cho những người bé mọn ấy được thấy, được nghe và được biết Tin Mừng.
 Như vậy muốn đón nhận được ơn Chúa, cũng như muốn hiểu được Chúa hơn thì chúng ta cũng phải trở nên những kẻ bé mọn, khiêm nhường. Có như thế thì ơn Chúa mới có thể đến với chúng ta. “Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Lc 10,24).
Lạy Chúa, Chúa đã hứa với những người thành tâm thiện chí cùng Chúa rằng: “Ai xin thì sẽ được. Ai tìm sẽ thấy. Ai gõ cửa sẽ mở cho”(Mt 7,7).

Cầu nguyện : Xin ban cho con được lòng khiêm tốn và bền tâm đi tìm chìa khóa mở cửa tâm hồn con trước, để con biết nhìn mọi người với con mắt đức tin, biết bước đi trong niềm hy vọng và biết thực thi đức bác ái trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống và nhất là với những người bé mọn yếu hèn. Với chìa khóa này trên tay, con tin chắc Chúa sẽ mở cửa Thiên Đàng cho con trong ngày sau hết. Amen.

THỨ HAI TUẦN 1 MÙA VỌNG

Lời Chúa : Mt 8,5-11
"Tôi không thấy một người Israel nào có
lòng tin như thế" (Mt 8,10)

 Chúng ta bước vào Mùa Vọng. Mùa Vọng là mùa mong chờ, mong chờ Chúa đến trong thế gian và đến trong mỗi tâm hồn chúng ta. Chúa đã đến thế gian cách đây hơn 2000 năm, nhưng nhiều vùng nhiều nơi trên hành tinh chúng ta có nhiều người chưa biết Chúa. cũng có nhiều vùng nhiều nơi trong thế giới nhỏ bé của ta chưa được Lời Chúa chiếu soi và thánh hóa. Để giúp ta đi vào tinh thần Mùa Vọng, phụng vụ hôm nay nói cho chúng ta về lòng tốt và đức tin của một viên sĩ quan ngoại giáo.
Chúa Giêsu khen người sĩ quan ngoại giáo có lòng tốt (yêu thương đầy tớ mình), có lòng tin (tôi không thấy ai trong Israel có lòng tin mạnh như thế). Chúa còn nói đến sự kính trọng và lòng khiêm tốn của ông đối với Chúa (tôi chẳng đáng Thầy đến nhà tôi). Và sau đó Chúa Giêsu so sánh cuộc sống của người Do Thái với người ngoại tốt lành này và kết luận: “Tôi nói thật với các ông: Từ phương Đông, phương Tây, nhiều người sẽ tới dự tiệc cùng các Tổ phụ Abraham, Isaac và Giacob trong Nước Trời, nhưng con cái trong nhà thì bị quăng ra chỗ tối tăm và khóc lóc (Mt 8,11).

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

Chúa nhật 1 Mùa Vọng - Năm C

Lời Chúa: Lc 21, 25-28.34-36
Những điềm lạ. Con Người quang lâm (Mt 24,29 -31; Mc 13: 24 -27 ).
25 "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. 26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. 27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc."
Phải tỉnh thức và cầu nguyện

34 "Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người."


Lời Chúa chúng con vừa nghe là những lời thật đáng sợ nhưng chỉ đáng sợ cho những ai không sẵn sàng, với những người đã sẵn sàng thì Lời Chúa thật là một khích lệ - chúng con hãy sẵn sàng vì giờ cứu rỗi chúng con đã gần tới. Nếu quay đi khỏi ánh mặt trời con ngựa sẽ sợ. Chúng con cũng thế quay đi khỏi Chúa, bóng tối sẽ làm chúng con sợ.

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

THỨ BẢY TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 21,34-36
"Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn,
hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến
 và đứng vững trước mặt Con Người." (Lc 21,36)

Chúa Giêsu nói tới những việc sẽ xảy ra vào những ngày cuối cùng. Chúa không dừng lâu ở việc mô tả các dấu chỉ, nhưng chú ý đến thái độ mà môn đệ Đức Giêsu phải có.
• Thái độ quan trọng thứ nhất là phải chú ý tới việc đón Chúa đến: không nên để mình bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn bên ngoài, để rồi lo chè chén say sưa hoặc chỉ lo chuyện sống chết, hay chỉ lo chuyện thế gian mà quên lãng việc quan trọng này.

THỨ SÁU TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 21,29-33
"Trời đất sẽ qua đi,
nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu."
(Lc 21,33)

Vâng, mọi sự rồi sẽ qua đi hết. Chỉ có Thiên Chúa mới đời đời.
Có một sự kiện mà ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy: Đó là ngày hôm nay, con người ít nhạy bén với những giá trị thiêng liêng.
Nhà giảng thuyết Payson nói: "Triệu chứng của sự suy thoái thiêng liêng cũng giống như sự suy thoái thân xác. Nó thường bắt đầu bằng việc không thích ăn và chê chán mọi thứ thực phẩm, như cầu nguyện, đọc Thánh Kinh và sách thiêng liêng. Khi nào có những triệu chứng đó, bạn hãy cẩn thận; sức khỏe thiêng liêng của bạn đang lâm nguy. Cần đến ngay vị Đại Y Sĩ là Thánh Linh để chữa trị".
Lời sách Khôn ngoan:

THỨ NĂM TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 21,20-28
"Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra,
anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên,
vì anh em sắp được cứu chuộc." (Lc 21,28)

Chúa Giêsu lại nói về ngày thành Jêrusalem bị tàn phá. Những Lời Chúa nói đã được ứng nghiệm từng nét không bao lâu sau đó.
"Năm 70 sau công nguyên, tướng Titus của đế quốc Rôma đem quân bình địa Jêrusalem. Đền thờ Jêrusalem biểu trưng của niềm tin tôn giáo, như lời tiên báo của Chúa Giêsu đã "không còn hòn đá nào trên hòn đá nào"...

THỨ TƯ TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 21,12-19
"Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình." (Lc 21,19)
 Chúa Giêsu báo trước cho môn đệ mình biết rằng, có một thời kỳ Giáo Hội sẽ bị bắt bớ. Rồi Ngài cho họ biết, phải sống thế nào trong thời kỳ đó: Đó là đừng sợ khi bị bắt bớ và thù ghét, vì vẫn có Chúa quan phòng trong tất cả những hoàn cảnh éo le đó và phải kiên trì.
 Patric bon Chasteur, người đã bị Đức Quốc xã tra tấn cầm tù vì tội chống lại sự tàn bạo của Hitler hồi thế chiến thứ II, trong tác phẩm thời danh của ông với tựa đề: "Cái giá những người môn đệ Chúa phải trả", đã viết: "Khổ đau là phù hiệu của những người môn đệ Chúa Giêsu".
Luther, một trong những người đã ly khai khỏi Giáo Hội Công giáo, khi định nghĩa về Giáo Hội cũng nói: "Giáo Hội là cộng đoàn của những người chịu đau khổ, chịu chết vì Đức Kitô và vì Tin Mừng".
Người môn đệ Chúa Giêsu không được coi gian nan thử thách như một cực hình, nhưng phải coi đó là những cơ hội để làm chứng.
Ông Jacques Bouroche là một người ngoài công giáo, trước khi được ơn trở lại, ông hằng ước ao chứng kiến đời sống thánh thiện của đức giám mục François Fénelon (1651-1715)
Ngày kia ông đã liên lạc được với vị giám mục thời danh và xin Ngài cho ông được tới thăm Ngài một thời gian.
Vị giám mục đã niềm nở đón tiếp và đối xử ân cần đến nỗi Jacques Bouroche còn thấy thoải mái hơn cả ở nhà mình. Tuy nhiên, chỉ lưu lại được vài ngày, ông đã thu dọn hành lý, chào vị giám mục và ra đi trước thời hạn dự định.
 Khi được hỏi tại sao ông lại vội vàng bỏ đi như vậy, ông Jacques Bouroche đã thú nhận:
"Tôi không thể ở lại lâu hơn. Vì nếu còn ở lại, sớm muộn gì tôi cũng sẽ theo đạo công giáo mất, một điều mà hiện tại bản thân tôi chưa muốn".
Chúng ta hãy nhớ lời của Chúa Giêsu: "Chúng con hãy làm chứng!"(Lc 21,13)
Đó là ơn gọi, là sứ mệnh, là căn tính, là lý do hiện hữu của người Kitô chúng ta.
Và cuối cùng, là phải kiên trì.
Chúa mời gọi chúng ta dấn bước vào con đường hẹp vừa dài vừa xa vạn dặm. Con đường về thiên quốc dài dằng dặc, có khi phải đi bằng cả cuộc đời của mình. Chẳng những dài, mà còn là con đường hẹp nữa, cho nên đòi hỏi họ phải kiên trì.
Không có một phần thưởng nào mà không phải trả giá. Không có một vinh quang nào mà không ướt đẫm mồ hôi.
Đây là những lời trích từ sách Gương Chúa Giêsu:
"Có rất nhiều người muốn lên thiên đàng với Chúa Giêsu, nhưng rất ít người muốn vác khổ giá với Chúa.
Nhiều người muốn ngồi ăn với Chúa, nhưng ít người muốn bắt chước đức nhiệm nhặt của Chúa.
Ai cũng muốn vui hưởng với Chúa mà ít người muốn chịu khó vì Chúa.
Nhiều người theo Chúa đến lúc bẻ bánh, nhưng ít ai chịu được cảnh nhục nhã của Thánh giá.
Nhiều người ca tụng Chúa khi được Chúa ban yên ủi.
Nhưng, nếu Chúa lánh đi và bỏ họ một tí, là y như họ phàn nàn hay nản chí luôn."

Cầu nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết và sống lại, xin dạy chúng con biết chiến đấu trong cuộc chiến mỗi ngày
để được sống dồi dào hơn.
Chúa đã khiêm tốn và kiên trì nhận lấy những thất bại trong cuộc đời cũng như mọi đau khổ của Thập Giá.
Ước gì từ nay, không gì có thể làm cho chúng con xa Chúa. Amen.

THỨ BA TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 21,5-11
"Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó
sẽ có ngày bị tàn phá hết." (Lc 21,11)

Chúa Giêsu nói đến những vấn đề "chung kết" của lịch sử và qua đó Chúa cũng muốn ám chỉ đến ngày tận cùng của một đời người.
Đoạn diễn từ này khó hiểu vì được viết theo văn thể khải huyền. Chúa đã dùng những hình ảnh rất thật nhưng chưa xảy ra để nói một cách úp úp mở mở về ngày chung cuộc và có ý cho mọi người hiểu rằng, ngày chung cuộc chắc chắn rồi cũng sẽ xảy đến như vậy.
Vâng! Mọi công trình do con người xây dựng, dù cho có kiên cố và quý giá đến đâu đi nữa, kể cả Đền thờ Jêrusalem...đều sẽ có ngày sụp đổ. Chẳng có gì bền vững ở thế giới này. "Trăm năm bia đá cũng mòn" ; "Phù hoa nối tiếp phù hoa, trần gian tất cả chỉ là phù hoa. Hoa nào không phai tàn? Trăng nào không khuyết? Ngày nào mà không có đêm? Yến tiệc nào không có lúc tàn?"
Triết lý Á Đông: "sự vật hễ có sinh thì có hoại".
"Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào" (Lc 21,6).
Một lúc nào đó, dù muốn hay không muốn, cái chết cũng đến với chúng ta. Chúng ta sẽ ra đi như chúng ta đã vào đời.

THỨ HAI TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 21,1-4
"Thầy bảo thật anh em:
bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết."
(Lc 21,3)

Trong Tin Mừng Luca, chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn luôn khuyên người ta phải biết cho đi, để đổi lại gia tài trên trời.
Thánh Phanxicô còn cho chúng ta thấy một ý nghĩa cao cả hơn của việc biết cho đi khi Ngài viết: "Chính lúc hiến thân là khi lãnh nhận, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân."
Ở bên Palestine có hai biển hồBiển hồ thứ nhất gọi là biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào có thể sống ở bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Chẳng ai muốn sống gần đó. Còn biển hồ thứ hai là Galilê. Đây là biển hồ thu hút nhiều du khách nhất. Nước ở biển hồ này lúc nào cũng trong xanh mát rượi, con người có thể uống được và cá cũng sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều. Vườn cây xung quanh rất tốt tươi nhờ nguồn nước này...
Nhưng điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều nhận được nguồn nước từ những khe suối ở trong núi chảy ra, rồi qua sông Giodan chảy vào biển Chết. Biển Chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát, nồng độ muối rất cao không sinh vật nào có thể chịu được. Biển hồ Galilê cũng đón nhận những nguồn nước như thế rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người.
Thật bất hạnh cho ai cả cuộc đời chỉ biết giữ riêng cho mình. "Sự sống", trong họ rồi cũng sẽ chết dần, chết mòn không làm nảy sinh được cái gì tốt giống như nước trong lòng biển Chết.
Thông thường mà nói thì khi có dư người ta mới cho: cho người nghèo và cho Giáo Hội cũng vậy. Sự cho đi như thế theo Chúa Giêsu chưa phải là sự cho đi tốt đẹp. Sự cho đi tốt đẹp theo Chúa là sự cho đi chính cái mình đang cần thiết. Sự cho đi như thế mới quý vì là sự cho đi chính bản thân mình.

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Chúa nhật XXXIV Thường niên - Năm B

ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ 
Lời Chúa: Ga 18,33 b-37
33b "Ông có phải là vua dân Do Thái không?"34 Đức Giêsu đáp: "Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?" 35 Ông Philatô trả lời: "Tôi là người Do Thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?" 36 Đức Giêsu trả lời: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra, Nước tôi không thuộc chốn này". 37 Ông Philatô liền hỏi: "Vậy ông là vua sao?" Đức Giêsu đáp: "Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi". 

Như thế Chúa Giêsu là vua, là điểm chót của lịch sử nhân loại. Người là Alpha tức là khởi điểm của mọi loài và Omega, nghĩa là điểm mà mọi người phải tới. Chúa Giêsu là Vua vì mọi người phải lệ thuộc vào Người, cho dù con người có thể không biết hay phủ nhận điều đó. Con người không biết vì có biết bao nhiêu điều bí mật mà con người vẫn còn chưa khám phá ra.
Thế nhưng bài Phúc âm hôm nay  Chúa Giêsu xưng làm vua khi Người tỏ sự yếu đuối trước mặt quan tòa. Yếu đuối vì bị bắt. Sự yếu đuối cũng tỏ lộ ra khi Chúa Giêsu bị tra hỏi. Thế nhưng trong chính cuộc thẩm vấn ấy, Chúa Giêsu chứng tỏ Người là Vua.
Bài Phúc âm  ghi lại Philatô, được mô tả như người đầy quyền lực của thế gian, hỏi Chúa Giêsu : “Ông là vua ư ?” và câu trả lời Chúa Giêsu “Chính ngài nói rằng tôi là vua”. Như thế Chúa Giêsu muốn phân biệt hai thứ vua : Vua trần gian là vua cai trị và mang quyền lực cho mình hay gia đình mình, là vị vua dùng sức mạnh để chế phục muôn dân và coi quyền hành chính là sức mạnh. Đức Giêsu còn cho biết có một thứ vua khác khi Người khẳng định : nước của Người là nước chân lý và ai thuộc về chân lý thì nghe Đức Kitô và thuộc về vương quốc của Người. Đức Kitô là vua, vì Người cai trị các linh hồn trong thế giới linh thiêng và quyền bính Người dựa trên sự thật là Thiên Chúa yêu thương nhân loại và Thiên Chúa muốn nhân loại yêu thương nhau. Quan niệm đó không phải dễ hiểu vì Philatô và cả những người Do thái đều coi Chúa là vua theo nghĩa trần gian, do đó Chúa Giêsu trở nên mối đe dọa cho quyền lực Roma.
Sự thật này đã được tỏ bày nơi Đức Kitô là Ngôi Lời nhập thể Đức Giêsu có quyền trên sự thật này. Người đã đến để làm chứng, nghĩa là mạc khải, xác nhận rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và cho thấy rằng tất cả sẽ đổi thay, khi chúng ta đi vào trong ánh sáng ấy. "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống của anh em" (Ga 14,6).
Muốn ở trong vương quốc sự thật đó thì phải sẵn sàng đón tiếp thực tại thần linh mà Đức Giêsu đem đến cho loài người. Mỗi người chúng ta là con dân của nước Trời có Đức Kitô là Vua, một vị vua khác với các vua khác. Chúng ta chỉ có thể nhận ra Người khi chúng ta luôn đi trong ánh sáng của chân lý và sự thật vì Vua của chúng ta là đường, là sự thật và là sự sống.
Cầu nguyện :  Lạy Chúa Giêsu là vua trên hết các vua, là Chúa trên hết các Chúa. Xin Chúa ban cho chúng ta nhận ra được Vua đích thực là Đức Kitô để chúng ta biết sống trọn vẹn là người tôi trung và là người công dân tốt của vương quốc của Người.Amen

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

THỨ BẢY TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 20,27-40
“Con cái đời này cưới vợ lấy chồng,
chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau
và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.”
(Lc 20,34-35)

Chúa Giêsu vừa xác nhận có cuộc sống đời sau, vừa cho biết ý nghĩa của cuộc sống ấy:
- Đời sau người ta sẽ bất tử, do đó không cần lưu truyền nòi giống, cho nên cũng không cần cưới vợ lấy chồng.
- Hạnh phúc duy nhất và cũng là quan tâm duy nhất của người sống đời sau là được ở gần Chúa để phụng thờ Chúa, như các thiên thần vậy.
Cuộc sống đời sau đối với Chúa không phải chỉ là sự tiếp nối đời này ở mức cao hơn. Con người sẽ vẫn là chính mình, có thể nhận biết nhau, nhưng sẽ không có sự chết nữa, vì vậy nên không cần có sự cưới gả hay sinh con. Kitô hữu chỉ giống các thiên thần chứ không trở thành các thiên thần. Trong Kinh Thánh các thiên sứ xuất hiện như con người, nhưng họ ở thể Thần Linh và không có bản năng giới tính. Về mặt này, chúng ta sẽ giống họ, không cưới gả và sinh con trong cuộc sống mai sau. Về vấn đề này, Thiên Chúa hoàn toàn có quyền làm như thế. Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không đủ quyền năng để khiến kẻ chết sống lại và ban cho họ một thân thể mới phù hợp với môi trường mới sao? Nếu hôm nay Ngài có thể ban cho mọi tạo vật hình dạng khác nhau, vậy thì tại sao Ngài lại không thể ban cho con người thân thể mới khi họ sống lại? (1Cr 15,35-44).
Chúa Giêsu còn vượt quá lý lẽ con người khi nhắc họ nhớ lại lời Thiên Chúa, Thiên Chúa là Chúa của con người toàn vẹn - tâm thần, linh hồn và thân thể. Vì Ngài đã dựng nên con người như thế. Ngài không chỉ cứu linh hồn chúng ta rồi bỏ mặc phần còn lại muốn ra sao thì ra. Bản chất vốn có trong sự sáng tạo của Ngài là quan tâm đến mọi mặt của con người. Vì vậy, Ngài không để chúng ta phải "hồn lìa khỏi xác" mãi mãi, nhưng sẽ ban cho chúng ta một thân thể vinh hiển thích hợp với sự hoàn mỹ ở Thiên Đàng.
Một vấn đề khác, đó là mối liên hệ giữa Thiên Chúa với ba vị thánh tổ này. Ngài hứa ban cho họ và con cháu họ những phước hạnh trên đất, nhưng Ngài không thể làm trọn lời hứa nếu dân Ngài chỉ muốn sống đời đời như những linh hồn không có xác. Chúa Giêsu đã xác nhận những điều mà người Sađuxê chối bỏ: những điều đó là sự tồn tại của các thiên sứ, sự thực hữu của đời sống sau khi chết, sự sống lại ở đời sau
Xin được kết thúc bằng lời tâm sự của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII về cuộc sống mai sau:

"Tám mươi tuổi đã qua nhắc nhủ tôi cũng như anh và bà con chúng ta nhớ: Điều quan hệ hơn hết là lúc nào cũng phải sẵn sàng để ra đi một cách bất ngờ, bởi vì việc tối hệ là bảo đảm đời sống vĩnh cửu trên Thiên Đàng, bằng cách phó thác mình nơi lòng nhân hậu Chúa. Tôi khiêm nhường van xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm và thiếu sót của tôi. Tôi dâng lên Người cái tài sản ít oi mà nhờ ơn Người tôi chiếm hữu, hầu van xin Người tiếp đón tôi như một người cha nhân lành hiền hậu, để tôi được kết đoàn với các thánh trong hạnh phúc trường sinh".

THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 19,45-48
“Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện.” (Lc 19,46)
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa thanh tẩy Đền thờ.
Đền thờ có một chỗ đứng đặc biệt trong lòng mọi người. Truyền thuyết kể lại rằng:
Để tìm một khu đất xây đền thờ dâng kính Thiên Chúa, vua Salômôn đã phải suy nghĩ về vấn đề này rất lâu nhưng tìm không ra. Thế rồi vào một đêm kia vua bèn mặc quần áo như thường dân, không đem theo quân hầu, đi vi hành trong thành phố Jêrusalem, sau đó ra ngoại thành, đến chỗ núi Môria. Gọi là núi, nhưng thực ra không cao gì lắm, phần lớn núi là đất. Sườn núi hầu hết trồng lúa, và lúc này nhằm mùa gặt. Lúa đã gặt xong, còn chất ở ngoài ruộng, chờ ngày đem về nhà.
Salômôn ngồi dựa lưng vào một cây ôlive, nhắm mắt lẩm nhẩm ôn lại những địa điểm xinh đẹp trong xứ. Đồi này, núi nọ, thung lũng kia, so sánh coi nơi nào đẹp hơn nơi nào.
Đang suy nghĩ như thế thì Salômôn chợt nghe có tiếng chân bước, mở mắt ra thì thấy một người đi ngang chỗ mình ngồi. Vì trời tối, người này không thấy Salômôn. Tay y ôm một bó lúa. Salômôn thầm nghĩ: "A! Thằng này đi ăn trộm" và toan ra bắt, nhưng nghĩ lại, để chờ coi cho biết tên trộm làm những gì. Tên trộm này nhanh nhẹn lắm, đem bó lúa từ ruộng này qua đặt nơi ruộng kế bên, tất cả là 50 bóXong rồi nhìn quanh quẩn thấy không có ai, xoa tay và đi khỏi. Salômôn thầm nghĩ: "Sáng mai chủ ruộng này hẳn sẽ ngạc nhiên không hiểu vì sao mất đi 50 bó lúa".
Salômôn còn đang suy nghĩ ngày mai sẽ phạt tên trộm này cách nào, thì lại nghe tiếng chân bước. Người mới tới đi vòng quanh hai thửa ruộng, ngó quanh thấy không có ai, liền mang một bó lúa từ ruộng này qua ruộng kia, y làm đúng như tên trộm trước đây, tuy không nhanh nhẹn bằng. Và y làm ngược lại, tức là y lấy lại 50 bó, sau đó y lại còn lấy thêm 50 bó nữa, tổng số là 100 bó. Xong rồi y cũng rút êm.
Salômôn nghĩ thầm: "Hai tên ăn trộm này có ruộng ở kề bên nhau và đều mưu toan ăn trộm của nhau. Thoạt đầu tưởng là có một anh ăn trộm, dè đâu kẻ trộm bị người ta ăn trộm lại".
Sáng hôm sau, Salômôn cho đòi hai chủ ruộng tới thẩm vấn riêng từng người, bắt đầu từ người trẻ tuổi hơn:
- Tại sao anh dám trộm lúa của ruộng bên cạnh?
Người trẻ tuổi nghe hỏi, nhìn Salômôn cách sững sờ.
- Tâu bệ hạ! Thật tình tôi không có trộm của ai khác, mà là trộm của tôi. Bó lúa tôi lấy đi là lúa của ruộng tôi, tôi đem đặt nơi ruộng của anh tôi. Tôi không muốn ai biết chuyện, nhưng vua đã thấy thì tôi nói thiệt. Cha tôi chết đi, chia ruộng thành hai mảnh đều nhau cho tôi và anh tôi. Tôi thì còn độc thân, mà anh tôi thì có vợ và 3 con, hẳn là cần lúa nhiều hơn tôi. Tôi đem cho thì anh tôi không chịu nhận, thành ra tôi phải cho lén. Tôi chỉ có một mình, in ít đủ rồi.
Salômôn lại hỏi riêng người lớn tuổi. Người này đáp:
- Tâu bệ hạ! Có Thượng Đế biết là tôi không ăn trộm của ai. Và sự thật là trái lại. Cha tôi chết đi, chia đều ruộng cho tôi và em tôi. Khi em tôi trồng lúa, nó phải tốn tiền nhiều lắm, vì nó còn độc thân, phải mướn người làm cỏ, phải mướn thợ gặt, còn tôi đã có vợ con tiếp tay nên chẳng tốn gì. Tôi muốn giúp nó mà nó không chịu, thành ra phải giúp lén, tội nghiệp nó không đủ!
Salômôn kêu người trẻ tuổi tới, ôm hai người trong tay và cảm động nói rằng:
- Ta đã gặp nhiều chuyện ly kỳ trong đời, nhưng chưa hề thấy ai lo lắng cho nhau như hai anh em này. Bấy lâu nay, hai ngươi đã thầm kín lo lắng cho nhau, thật là đáng khen. Ta xin lỗi vì đã nghi ngờ hai ngươi là ăn trộm, và bây giờ ta yêu cầu hai ngươi bán ruộng cho ta, để ta dùng làm nơi dựng Đền thờ cho Thượng Đế, vì hai thửa ruộng này chan chứa tình thương, rất xứng đáng để xây dựng Đền thờ cho Thượng Đế, không nơi nào xứng đáng hơn!
Salômôn đền bù lại cho hai người được ruộng rộng hơn, tốt hơn, và loan báo cho khắp xứ Do Thái biết là đã chọn được địa điểm dựng Đền thờ.
Đền thờ quí giá thánh thiêng như vậy nên phải trả lại cho Đền thờ ý nghĩa đích thực của nó:

Đây là lời cầu nguyện của vua Salomon sau khi Đền thờ được xây dựng xong: "Lạy Chúa, Chúa đã phán rằng: Chúa sẽ ngự trong chốn chan chứa tình thương, nay con đã kiến thiết Đền thờ kính dâng Chúa, ngõ hầu Chúa ngự nơi đây đời đời. Kìa trời và các tầng trời còn chẳng đáng tiếp rước Chúa, huống chi ngôi Đền thờ con vừa xây cất. Dầu vậy, lạy Chúa là Chúa trời con, xin đoái thương đến lời tôi tớ khẩn cầu, hãy nhận lời tôi tớ Chúa van lơn trước tôn nhan. Dám mong con mắt Chúa đêm ngày ngó đến Đền thờ này, vì nơi đây, theo Lời Chúa phán hứa, người ta phải tới mà cầu khấn danh Chúa" (II Sử ký 7,1).

THỨ NĂM TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 19,41-44
"Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi,
và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào,”
(Lc 19,44)

Dưới cái nhìn của các tiên tri, số phận của thành Jêrusalem gắn liền với niềm tin và lòng trung thành đối với Thiên Chúa. Sự trung thành của thành thánh luôn đem lại thịnh vượng và an bình. Trái lại tai họa luôn là hình phạt cho sự phản bội. Ngay từ xa xưa, Giêrêmia đã loan báo về sự sụp đổ của thành thánh vào năm - 587. Trong Tin Mừng, dường như Chúa Giêsu cũng muốn lấy lại ngôn ngữ của Giêrêmia để loan báo về sự sụp đổ của thành thánh vào năm 70. Tiếp theo những biến cố này là một loạt tang thương xảy đến cho dân Do Thái mà cao điểm là cuộc sát tế 6 triệu người Do Thái do Đức quốc xã trong đệ nhị thế chiến.
Như vậy dưới cái nhìn của Luca, sự sụp đổ của Jêrusalem và bao tai họa xảy đến cho dân Do Thái đều là hậu quả của sự khước từ hồng ân của Thiên Chúa.
Hậu quả của những sự khước từ đó thật đáng sợ. Sự khước từ luôn đi đôi với những hình phạt.
Chúa Giêsu là hồng ân, là quà tặng của Thiên Chúa. Khước từ hồng ân và quà tặng của Thiên Chúa thật là một tội khủng khiếp, khôn lường.
 Thế nhưng, Thiên Chúa là Đấng quyền năng. Ngài không đầu hàng trước sự khước từ của con người, bởi vì cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá đã trở thành nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại. Chúng ta có thể nhận thấy bàn tay quan phòng ấy của Chúa ngay trong sự sụp đổ của Jêrusalem vào năm 70. Do biến cố này, các tín hữu tiên khởi đã tản mác đi khắp nơi và nhờ thế Tin Mừng được loan báo cho mọi dân tộc khác. Nhìn lại sự sụp đổ của Jêrusalem và Tin Mừng được loan đi khắp nơi, chúng ta lại càng xác tín hơn vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương con người đến độ ngay cả sự khước từ của con người cũng có thể biến thành khởi điểm cho một hồng ân cao cả hơn.
Chúng ta chẳng thấy Giáo Hội đã gọi tội nguyên tổ là tội hồng phúc sao? Đây phải là xác tín của chúng ta mỗi khi chúng ta nhìn vào các biến cố lịch sử xảy ra.

Vâng! Hãy tin tưởng vào Chúa. Gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện, cùng với thánh Phaolô, chúng ta hãy kiên vững trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng vì xác tín rằng không một sức mạnh trần thế nào có thể cản bước được chương trình của Thiên Chúa, Chúa chúng ta.

THỨ TƯ TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 19,11-28
“Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm;
còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.”
(Lc 19,26)

 Đừng đơn giản nghĩ rằng, ơn Chúa ban chỉ là những tài năng, sức khoẻ và những điều kiện xem ra thuận lợi theo cái nhìn của con người. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng nói "Tất cả là hồng ân". Như thế, ơn Chúa còn là:
a/ thời giờ;
b/ môi trường ta đang sống;
c/ những người ta sống chung;
d/ bệnh tật;
e/ đau khổ v.v....
Chúa Giêsu giảng dụ ngôn này liền sau chuyện ông Giakêu. Khi làm thế, Chúa muốn cho ta hiểu: Giakêu là gương mẫu về cách sử dụng những nén bạc Chúa ban: ông đã sử dụng thật tốt, thật hiệu quả tài sản của ông theo ý Chúa.
 "Hãy làm ăn sinh lợi cho đến khi tôi đến" (Lc 19,13b)
Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã phán: "Ai dìu dắt con trẻ trong đường khôn ngoan đích thực thì đời đời sẽ được sáng láng như sao trên trời".

Lạy Chúa, xin giúp con biết sống nghiêm nghị mà không nghiêm khắc
biết sống nhu mì mà không nhu nhược
biết sống khoan dung mà không dung túng
để nhờ đó con trẻ được thêm ngoan, thêm vui mà khai lòng mở trí ra. Amen.

THỨ BA TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 19,1-10
“Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này.” (Lc 19,3)
Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện của ông Giakêu.
Đây là câu chuyện nói về sự cố gắng của con người và lòng nhân hâu bao dung của Chúa.
Chúng ta không biết ông Giakêu có biết Chúa hay không và biết từ bao giờ, nhưng Tin Mừng Luca cho chúng ta biết: "Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai.” (Lc 19,3)
Rõ ràng là Giakêu có một ước vọng muốn được thấy Chúa. Có lẽ có ai đó đã nói với ông về con người đặc biệt này. Và hôm nay là cơ hội. Ông phải chụp lấy ngay. Cách thức ông thực hiện điều ông mong muốn tuy có vẻ "trẻ con" nhưng nó nói lên một điều: ông thực sự muốn được thấy Chúa. Đứng trước một khó khăn tưởng chừng như khó có thể vượt qua - con người thấp bé của ông lúc này quả là một trở ngại, thế nhưng vì ông khao khát mạnh cho nên ông đã tìm được một phương tiện trời cho và ông đã tận dụng ngay lập tức: Một cây sung bên đường, con đường Chúa sắp đi qua. Cây sung bình thường hằng ngày chẳng có gì đặc biệt, nhưng ở vào hoàn cảnh cấp bách này nó đã trở thành một điều kiện không thể thiếu để bổ túc và cho ông một phương tiện giúp ông có thể nhìn thấy Chúa vì Ngài sắp đi qua đó.
Ông nao nức, nôn nóng chờ đợi. Và rồi những gì ông mong ước đã tới. Chúa đưa mắt nhìn lên và Chúa thấy một Giakêu người mà dân chúng căm ghét đang "tòng teng" trên đó. Hai đôi mắt gặp nhau. Và điều mà Giakêu không thể ngờ là Chúa biết cả tên ông và Chúa gọi ông.
Chúng ta không thể tưởng tượng nổi là ông Giakêu vui như thế nào.
Và sau đó Chúa đã làm cho Giakêu trở thành một con người hoàn toàn đổi mới.
 Với con người thì Giakêu bị liệt vào số những người đáng bị loại trừ nhưng Chúa Giêsu thì khác. Chúa thấy được một Giakêu đang là và một Giakêu sẽ là nên Chúa nói với ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19,5).
Ông Giakêu đứng lên thưa với Chúa rằng: Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo.” (Lc 19,8)
Một sự thay đổi ngoạn mục!

Cầu nguyện : Lạy Chúa , xin cho con biết dấn bước theo Chúa Giêsu và noi gương Ngài sống cuộc đời khó nghèo.Amen

THỨ HAI TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 18,35-43
“Anh muốn tôi làm gì cho anh?”
Anh ta đáp: "Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.”
(Lc 18,41)

 Anh mù đáng làm gương cho chúng ta: anh ý thức mình cần Chúa.
Anh cố gắng hết sức để được đến gần Chúa, bất chấp mọi ngăn cản. Kết quả là anh đã được Chúa đổi mới hoàn toàn; anh còn thay đổi được những lòng dạ hẹp hòi của những người chung quanh.
Chúng ta hãy nhớ lại xem: có một ân huệ nào chúng ta đã nhận lãnh mà không phải do Chúa thương ban, có một điều thiện nào chúng ta thực hiện mà chẳng do Chúa tác thành. Chúng ta hãy xin Chúa tiếp tục đổ đầy vào tâm hồn nhỏ bé, yếu đuối và bất toàn của chúng ta những điều tốt lành mà Chúa đã khởi sự cho chúng ta.
 Khi người mù thành Giêrikhô lên tiếng tỏ ý muốn gặp Chúa Giêsu thì người ta đã quát mắng anh ta phải im đi. Phải chăng đó là tình trạng trong nhiều cộng đoàn Giáo Hội chúng ta:
Có biết bao người không có cơ may gặp gỡ Chúa vì chưa thấy được tình yêu thương của Giáo Hội.
Có biết bao người vẫn tuyệt vọng vì chưa cảm nhận được tình thương từ nơi những môn đệ Chúa. Chúa đã truyền lệnh cho các môn đệ dẫn người mù đến với Ngài. Ngày nay, Ngài cũng tiếp tục đưa ra cùng một mệnh lệnh: Hãy để cho những người đau khổ, những kẻ đang kiếm tìm được đến với Ngài..." ("Mỗi ngày một tin vui")

Cầu nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã đốt lên ngọn lửa nơi tâm hồn anh mù để anh nhận ra Chúa. Xin Chúa cũng nhóm lên ngọn lửa tình yêu nơi trái tim con, để con thấy Chúa và nhận ra Ngài nơi những người quanh con. Amen

LỄ CÁC THÁNH TỬ VÌ ĐẠO TẠI VIỆT NAM

Lời Chúa :
“Vì danh Thầy,
anh em sẽ bị mọi người thù ghét.
Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng,
kẻ ấy sẽ được cứu thoát.”
(Mt 10,22)

Hôm nay chúng ta vui mừng và cảm dộng mừng lễ các anh hùng Tử đạo Việt Nam . Việc mừng lễ hôm nay phải làm bộc phát lên trong lòng chúng ta niềm tự hào chan chứa. Chúng ta tự hào vì trong những trang sử của Giáo Hội Việt Nam chúng ta có những trong sử đầy chất anh hùng. Đây là những biến cố có tầm vóc không phải chỉ với chúng ta mà còn cả với Giáo Hội toàn cầu. Chính Đức Thánh Cha Lêô XIII trong sắc phong 64 vị tử đạo Việt Nam lên hàng chân phước ngày 27.5.1900 đã nói: “Đây là những chiến sĩ trung liệt và kiên cường không kém gì những chiến sĩ ngày xưa trong những thế kỷ khai nguyên của Giáo Hội."
Các thánh Tử đại VN của chúng ta làm cho chúng ta tự hào.
Chúng ta phải tự hào vì chúng ta đã có được những vị tổ tiên anh hùng thật xứng đáng. Các Ngài đã được sinh ra, đã làm việc, đã cùng sống với những người Việt Nam chúng ta ngay trên mảnh đất quê hương thân yêu này. Các Ngài đã sống như biết bao nhiêu những con nguời khác đã sống, nhưng các Ngài đã sống hơn hẳn rất nhiều người khác ở chỗ các Ngài đã biết sống anh hùng, không để cho mình bị mua chuộc, không để cho mình bị khuất phục. Tiền bạc không làm cho các Ngài mù tối. Khổ đau không làm cho các ngài chùn bước, nhục hình không làm cho các ngài ngã qụy, và cả cái chết cũng không uốn cong được lòng trung tín của các Ngài.
Chúa Giêsu.: "Kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì chúng con không vất vả làm ra. Những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng công lao khó nhọc của họ " (Ga 4,36-37).
Châm ngôn Việt Nam có câu rất hay : “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh"
Phải sống xứng đáng để những thế mai sau khi nhìn vào thế hệ này, họ cũng cảm thấy tự hào.
Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Roma. Ngài gửi những lời này "Ai có thế tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bở, gươm giáo ?

Ngài nói tiếp như một xác tín: Trong mọi thử thách, chúng ta sẽ toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta" Và Ngài kết luận: "Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, hiên thần hay ma vương qủy lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều tà hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô Chúa chúng ta.” (Rm 8,35-39). Amen.

Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên

Lời Chúa:  Lc 18,1-8
"Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?" (Lc 18,7)
Thánh Luca cho biết rõ ý nghĩa của dụ ngôn này là dạy "các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí".
 Trong xã hội Do Thái, các bà goá chịu nhiều thiệt thòi và không ai bênh vực. Bà goá này có lẽ bị người ta ức hiếp nhưng vì không ai bênh vực nên chỉ còn biết chạy đến kêu cứu với thẩm phán.
 Thẩm phán: lẽ ra nhiệm vụ của ông là bênh vực những người bị ức hiếp. Nhưng ông thẩm phán này không bênh vực bà goá vì bà chẳng có lợi gì cho ông cả. Dù vậy, nhờ bà cứ kiên trì kêu xin nên cuối cùng ông cũng xử công bình cho bà.
Một người bất công như viên thẩm phán mà còn phải chịu thua lòng kiên trì của bà goá. Huống chi Thiên Chúa tốt lành, Ngài sẽ mau chóng bênh vực kẻ kêu xin Ngài cách kiên trì. Tuy nhiên, có nhiều kẻ không kiên trì nên đã mất lòng tin. Đó là ý nghĩa câu cuối cùng: "Nhưng khi Con Người ngự đến. liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?".
"Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí". Nhiều người chưa thấy giá trị của sự cầu nguyện liên tục. Họ nghĩ chỉ cần cầu nguyện khi có việc cần Chúa giúp, thế là đủ.

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Thứ Sáu Tuần XXXII Thường Niên

Lời Chúa:   Lc 17,26-37
"Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó." (Lc 17,33)

“Ngày của Con Người” tức là ngày quang lâm. Trong đoạn hôm qua, Chúa Giêsu đã bảo đừng mất công tìm hiểu xem khi nào và dấu nào cho biết Ngày ấy đến. Điều quan trọng phải làm là luôn sẵn sàng. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng nhiều hình ảnh để giải thích rõ hơn điều đó:
- Trước hết Ngài dùng 2 truyện Cựu Ước về ông Nôê và ông Lót để khuyến cáo các môn đệ mình: người ta dễ bị cuốn hút trong những lo lắng cho cuộc sống vật chất: “ăn uống, cưới vợ lấy chồng”, “ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất.” Những lo lắng này không có gì là tội lỗi, nhưng có thể khiến người ta quên mất điều quan trọng đã nói ở trên là luôn luôn sống xứng đáng là môn đệ Chúa. Do đó khi Ngày ấy đến một cách nhanh chóng và bất ngờ, thì những kẻ không sẵn sàng sẽ phải hư mất.
Cái quan trọng lúc đó là “sự sống”. Trong câu này chữ “sự sống” có 2 nghĩa: sự sống dựa trên “đồ đạc” chỉ là một giá trị phù du, không đáng tiếc rẻ; sự sống đáng trân trọng chính là sự sống với Chúa. Kẻ khôn ngoan là kẻ đám bỏ sự sống phù du kia để đổi lấy sự sống vĩnh cửu.
 Có những người bề ngoài thì hoàn toàn giống nhau: hai người nằm chung một giường, hai người đàn bà cùng xay một cối bột, hai người đàn ông cùng làm ruộng ngoài đồng; nhưng số phận hoàn toàn khác nhau: kẻ có chuẩn bị sẵn sàng thì được đem đi, đem đi với Thiên Chúa; còn kẻ không chuẩn bị thì bị bỏ lại, bỏ lại trong hư vong.
Kết thúc bài nói chuyện là một câu hỏi ngớ ngẩn của các môn đệ: “Thưa Thầy, ở đâu vậy?” Các ông vẫn còn lẩn quẩn trong những thắc mắc về thời gian và nơi chốn! Do đó Chúa Giêsu trả lời như thể không trả lời “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó”: nghĩa là khỏi cần thắc mắc, vô ích. Hãy lo lúc nào cũng sẵn sàng.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ tính ích kỷ và khép kín, khi con chưa dám hy sinh tính mạng vì anh em con. Chúa cũng mời gọi chúng con tỉnh thức để đón chờ Chúa đến. Tỉnh thức trong bổn phận khi chu toàn trách nhiệm được giao. Tỉnh thức trong tình người khi chúng con sống bác ái và yêu thương nhau. Tỉnh thức để khỏi bị bỏ lại đằng sau anh em khi ngày giờ Chúa đến

Lạy Chúa, có khi nào đó chúng con yếu đuối lãng quên bổn phận, xin Chúa thêm sức và giúp chúng con sửa mình mỗi ngày. Xin ban cho chúng con tinh thần và nghị lực của Chúa để chúng con luôn trung tín theo Chúa đến cùng. Amen.

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Tin Mừng Chúa nhật 33 thường niên

Thứ Năm Tuần XXXII Thường Niên

 Ngày 12/11: Thánh Giôsaphát
Lời Chúa:  Lc 17,20-25
"Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát." (Lc 17,20)

Người Do Thái rất quan tâm đến Ngày mà Thiên Chúa thiết lập triều đại của Ngài. Họ nghĩ rằng đó là một biến cố trọng đại, đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và cho dân tộc họ. Họ rất mong ngày đó mau đến, nhất là khi họ đang phải sống tủi nhục dưới ách đô hộ của Rôma. Họ muốn biết khi nào và ở đâu ngày ấy xảy ra. Bởi thế hôm nay người Pharisêu hỏi Chúa Giêsu: “Khi nào thì Nước Thiên Chúa đến?”
Thực ra Nước Thiên Chúa tuy cũng là một biến cố trọng đại như người Do Thái nghĩ, nhưng không phải trọng đại nhìn theo cặp mắt loài người: vinh quang, chiến thắng…
Với sự xuất hiện của Chúa Giêsu thì Nước Thiên Chúa đã đến trên cơ bản, và triều đại ấy sẽ dần dần đến trong tâm hồn những kẻ tin theo Ngài. Bởi đó Chúa Giêsu nói “Nước Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta không thể nói "ở đây” hay “ở kia”, vì này Nước Thiên Chúa ở giữa các ông.” Nói cách khác, vấn đề không phải là xác định nơi chốn và thời gian để tìm đến, mà là tin và theo Chúa Giêsu.
 Ngày của Con Người: tức là lúc Chúa Giêsu quang lâm, khi đó Nước Thiên Chúa sẽ hoàn thành trọn vẹn. Cũng như bao người khác, các môn đệ cũng mong ngóng Ngày đó. Nhưng Chúa Giêsu cảnh cáo: đừng quan tâm nghiên cứu về địa điểm và thời gian của Ngày đó. Vô ích thôi, vì đặc tính của Ngày ấy là đến một cách nhanh chóng và bất ngờ.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, xin cho chúng con được ơn trở về với Chúa. Xin cho chúng con biết chọn Chúa là gia nghiệp để từ bỏ những quyến luyến của tạo vật phù vân. Xin Chúa luôn ở cùng chúng con để chúc phúc và gìn giữ hồn xác chúng con trong ân nghĩa của Chúa.

Lạy Cha, con hạnh phúc biết bao khi biết rằng Cha đang ở giữa chúng con cùng với triều đại của Ngài. Và con mãi mãi tạ ơn Cha về điều đó. Amen.

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Thứ Tư Tuần XXXII Thường Niên

Lời Chúa:  Lc 17,11-19
"Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa." (Lc 17,15)

Thái độ của 10 người cùi biết phận mình nên khi thấy Chúa Giêsu thì “dừng lại đàng xa” và kêu xin.
Khi của Chúa Giêsu bảo họ “Hãy đi trình diện với các tư tế”, Chúa Giêsu vừa thử đức tin của họ vừa mời họ tin tuyệt đối vào Ngài:
- Thử thách đức tin: vì Ngài không chữa bệnh ngay
- Mời gọi đức tin: nếu họ đi là chứng tỏ họ tin Ngài chữa họ.
 9 người cùi Do Thái không trở lại tạ ơn vì họ đã quen được ơn Chúa nên coi đó là việc bình thường. Một người cùi xứ Samari trở lại tạ ơn vì nghĩ rằng mình không xứng đáng được ơn, thế mà lại được.
 Thánh Luca không ghi lại lời cám ơn của Người Samari cho nên chúng ta không biết anh ta đã nói gì. Nhưng Thánh Luca ghi khá tỉ mỉ thái độ của anh ta: anh “thấy mình được khỏi, liền quay trở lạilớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn Ngài”. Thực ra nói cám ơn Chúa thì chúng ta đã nói nhiều. Nhưng lòng biết ơn thực còn xuất phát từ sựnhận thấy tình thương Chúa, thức đẩy ta quay trở lại với Chúa, thôi thúc ta tôn vinhChúa và sấp mình thờ lạy Chúa nữa.

Cầu nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con nhiều điều. Nhưng xin ban cho chúng con một điều nữa là cho chúng con luôn biết nhận ra những ân huệ Chúa  Và trên hết, xin cho chúng con đừng bao giờ lãng quên tình Chúa, nhưng luôn biết tri ân và cảm tạ tình yêu Chúa trong suốt cuộc đời chúng con. Xin cho cuộc đời chúng con luôn là bài ca dâng hiến để tạ ơn về những ơn lành Chúa ban. Amen.

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

Thứ Ba Tuần XXXII Thường Niên

 Ngày 10/11: Thánh Lê-ô Cả
Lời Chúa:  Lc 17,7-10
"Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm." (Lc 17,10)

Đoạn Phúc Âm này nói đến giáo huấn của Chúa Giêsu về việc phục vụ cách khiêm tốn.
Chúa Giêsu đã dạy: muốn phục vụ trước hết hãy khiêm tốn, khiêm tốn đến mức tự coi mình là đầy tớ. Khi ta đã tự coi mình là đầy tớ rồi thì ta sẽ không ngại phục vụ người khác, hơn nữa ta sẽ coi tất cả những gì ta làm cho người khác đều là bổn phận.
Ta sống tốt chỉ có giá trị nhằm gợi lên lòng thương xót và sự nhân hậu của Chúa, ta không có quyền đòi hỏi gì; hoặc nếu có đòi, thì hãy đòi trong tâm tình của đứa con nhỏ vòi vĩnh trong tình thương. Thân phận ta, về một khía cạnh nào đó, có thể ví như thân phận người đang chờ án tử hình, nay vì tin vào lòng nhân hậu Chúa, ta làm tốt để cố vớt vát lấy lòng Chúa và cố đền bù những thiệt hại tan hoang mình đã gây ra.

Cầu nguyện : Lạy Chúa, xin cho con biết phục vụ một cách vô vị lợi, vì đó là bổn phận của con. (Hosanna)

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Thứ Hai Tuần XXXII Thường Niên

 Ngày 09/11: Cung hiến thánh đường La-tê-ra-nô (Lễ kính)
Lời Chúa:  Ga 2,13-22
"Chúa Giêsu nói: 'Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại'. Người có ý nói đền thờ là thân thể Người." (Ga 2,19.21)

Bài Phúc Âm tường thuật việc Chúa Giêsu đánh đuổi những người buôn bán trong sân đền thờ Giêrusalem. Hành động này được các nhà chú giải gọi là “Thanh tẩy Đền thờ”.
Thanh tẩy như thế nào? Chính Chúa Giêsu giải thích “Đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.
Thực ra những thứ được bày bán trong sân Đền thờ cũng nhằm phục vụ cho việc thờ phượng bên trong Đền thờ thôi (cung cấp các lễ vật, đổi tiền cho người ta nộp thuế Đền thờ).
Nhưng những thứ đó đã làm lệch lạc sự thờ phượng, vì người bán thì chạy theo lợi nhuận, người mua thì nghĩ rằng có thể dùng những lễ vật ấy để mua lòng Thiên Chúa, thậm chí giới tư tế quản lý Đền thờ cũng ăn tiền hối lộ của những người muốn có một chỗ buôn bán trong sân Đền thờ.
Tóm lại, Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ là thanh tẩy một lối thờ phượng lệch lạc,không phải là thờ Thiên Chúa, mà là thờ quyền lợi của mình, dùng lễ vật dâng cho Thiên Chúa để mua chuộc Thiên Chúa để Ngài bảo vệ và củng cố quyền lợi vật chất của mình.
Khi Chúa Giêsu nói với những kẻ chất vấn Ngài “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”. Ngài ngầm cho biết Đền thờ mới chính là thân thể Ngài. Như vậy, qua hành động thanh tẩy đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu còn cho biết thêm: sự thờ phượng đích thực của thời Tân Ước là thờ phượng Thiên Chúa qua Chúa Giêsu.

Cầu nguyện : Xin cho chúng con can đảm đóng góp phần mình vào việc tẩy uế đền thờ bằng mọi phương cách. Nhất là xin cho chúng con biết quan tâm đến đền thờ tâm hồn nơi mỗi con người. Amen.