Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

THỨ BẢY TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 10,17-24
"Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!”
(Lc 10,23)


 Lại một lần nữa, Chúa nói với chúng ta về tâm hồn đơn sơ và Chúa coi sự đơn sơ như là điều kiện thuận lợi để được Chúa dạy bảo và ban ơn"Con xưng tụng Cha vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều ấy, nhưng đã tỏ ra cho những kẻ đơn sơ". (Lc 10,21)
Đây là câu chuyện đã xảy ra ở Lộ Đức.
Một quả phụ đem đứa con trai duy nhất của bà lên 10 tuổi đến hang đá Lộ Ðức. Cậu bé bị bất toại từ lúc vừa mới biết đi vì một tai nạn xe hơi. Dọc đường, bà mẹ không ngừng lập đi lập lại với con là bất cứ điều gì con cầu xin cùng Chúa Giêsu, nhờ lời bầu cử của Ðức Mẹ sẽ không bị từ chối. 
Tới hang Lộ Ðức, bà mẹ đẩy con ngồi trên xe lăn nhập hàng rước kiệu cùng với các bệnh nhân khác, và kiên nhẫn chờ đợi Mình Thánh Chúa đi ngang qua đó, để lãnh nhận phép lành. Vị linh mục cầm Mình Thánh Chúa trên tay và dừng lại ban phép lành trước mỗi bệnh nhân. Khi ngài đến trước mặt cậu bé bất toại, cậu bé lớn tiếng cầu nguyện với tất cả lòng tin tưởng.
- Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa không chữa con lành bệnh con sẽ thưa lại với Mẹ Chúa cho xem. 
Nghe vậy, vị linh mục xúc động mạnh, liền quay trở lại ban phép lành cho cậu một lần nữa. Cậu bé vừa chăm chú nhìn Mình Thánh Chúa, vừa lớn tiếng thân thưa:
- Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa không chữa lành bệnh cho con, con nhất định sẽ thưa lại với Mẹ Chúa cho xem.
Mình Thánh Chúa vừa được vẽ xong hình Thánh Giá trên người em thì như có một sức mạnh nào đó thúc đẩy, cậu bé đứng thẳng dậy bước khỏi xe lăn, quì gối thờ lạy tạ ơn Chúa trước sự ngạc nhiên của mọi người, nhất là trước sự xúc động của mẹ em.
 "Các con hãy vui mừng vì tên các con được ghi trên trời". (Lc 10,20)
Sau những thành công trong công tác mục vụ hoặc truyền giáo, thường chúng ta rất vui. Chúng ta vui vì được người ta khen ngợi - vui vì đã phục vụ. Chúa Giêsu nhắc chúng ta về một niềm vui lớn hơn gấp bội: vui vì được kể là công dân Nước Chúa, vui vì được làm cộng sự viên của Chúa, vui vì hạnh phúc vĩnh viễn mai sau.Đây mới là niềm vui thánh thiện, niềm vui của những con người đã vươn lên tới đỉnh trọn lành.

Vâng, tất cả những niềm vui của trần thế đều rất mau qua. Tiền bạc rồi cũng qua. Địa vị cao trọng rồi cũng qua…

THỨ SÁU TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 10,13-16
"Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi
mà được làm tại Tyro và Siđon,
thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô,
ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi.”
(Lc 10,13)

Tội lỗi của thành Corazin, Bethsaida, Capharnaum là gì mà Chúa bảo là xấu xa hơn tội của thành Tyrô và Siđôn, của Sôđôma và Gômôra? Đó chắc phải là tội rất trọng. Nhưng đó là tội gì?
 Đó là tội của những người quên trách nhiệm về đặc ân mà mình được hưởng.Những thành phố ở Galilê đã hưởng một đặc ân, một cơ hội mà thành Tyrô, Siđôn, Sôđôma và Gômôra không hề được. Họ được tận mắt chứng kiến những công việc Chúa làm và nghe những Lời Chúa dạy nhưng họ chẳng đáp lại gì.
 Đó là tội thờ ơ. Những thành phố này đã không công kích Chúa Giêsu, đã không đuổi Ngài ra khỏi cửa nhà họ, họ cũng không tìm cách đóng đinh Ngài. Họ chỉ không quan tâm đến Ngài.
Không quan tâm cũng là một tội. Ngày nay, việc quan tâm đến những nhu cầu chính đáng của loài người đã được nhiều tổ chức trên thế giới lưu ý.
 Dù muốn hay không, cuộc sống do kinh tế thị trường chi phối, không thể không ảnh hưởng đến cuộc sống đức tin của người Kitô hữu. Chúng ta là Kitô hữu trong mọi nơi, mọi lúc, mọi sinh hoạt, mọi hoàn cảnh.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước nguy cơ có thể tách biệt niềm tin với những sinh hoạt hàng ngày và dần dà đẩy niềm tin ra bên lề cuộc sống.
Chúng ta xin Chúa cho chúng ta luôn biết gắn bó với Chúa, vì chỉ có Chúa mới có thể làm thoả mãn được khát vọng thầm kín nhất của cuộc đời chúng ta và đem lại cho chúng ta một ý nghĩa đích thực về cuộc sống

THỨ NĂM TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 10,1-12
"Anh em hãy ra đi.
Này Thầy sai anh em đi
như chiên con đi vào giữa bầy sói.”
(Lc 10,3)

 Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng. Theo tường thuật của Thánh Luca, Chúa Giêsu đã sai đi rao giảng không phải chỉ có nhóm tông đồ mà còn có cả nhóm môn đệ nữa. Chủ ý của Luca trong bài tường thuật này là muốn cho mọi người hiểu rằng, không riêng gì các tông đồ, mà là tất cả mọi người. Tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng của Chúa. Ở đây, chúng ta thấy Luca đã hữu ý nhấn mạnh đến con số 72 để làm rõ hơn ý tưởng trên. Con số 72 là số dân của loài người mà Sáng Thế đoạn 10 đã liệt kê.
Như vậy, truyền giáo phải là bổn phận của tất cả mọi tín hữu không trừ ai.
Sách Giáo Lý Công giáo nhấn mạnh: "Được tái sinh làm con Thiên Chúa, những người đã được rửa tội có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Hội Thánh" (LG 10), bằng việc tham dự vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của Dân Thiên Chúa (LG 17; AG 7,23).
 Việc tham dự như thế sẽ nói lên tấm lòng của họ với lệnh truyền của Chúa Giêsu "Vậy anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em để muôn dân trở nên môn đệ của Thầy." (Mt 28,l9-20). Nhưng thử hỏi khi chúng ta phụng sự Chúa thì Chúa có lo lắng cho chúng ta không?
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa nói thật rõ: "Làm thợ thì đáng được trả công" (Lc 10,7). Đây không phải là một lời hứa hão. Chỉ có những ai dám sống theo Lời Chúa mới có thể cảm nghiệm được ý Chúa muốn nói: "Anh em hãy ra đi. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép" (Lc 10,4).Sách Đường Hy Vọng số 219:"Trước trở ngại, con hãy đứng vững như một tên khổng lồ. Ơn Chúa không thiếu. Nếu con phải hạn chế hoạt động một thời gian, có cần gì đâu! Việc con làm là việc của Chúa, hơn là việc của con."

THỨ TƯ TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 9,57-62
"Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau,
thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” (Lc 9,62)
 Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy, Chúa đã kêu gọi rất nhiều người. Khi gọi những môn đệ đầu tiên, Chúa nói: "Hãy theo tôi” (Mt 4,19). Đứng trước bàn thu thuế của Lêvi-Matthêô Chúa cũng bảo: "Hãy theo tôi” (Mt 9,9). Hôm nay với một người Chúa cũng nói: "Hãy theo tôi". (Lc 9,59)
Được Chúa gọi, đó là một hồng ơn vô cùng cao quí. Vấn đề là con người có đáp lại lời mời gọi của Chúa hay không. Nếu biết đáp trả, cuộc sống chắc chắn sẽ thành công. Bằng không như cuộc đời của chàng thanh niên giàu có thì… thật là đáng tiếc.

 Nhưng để được theo Chúa thì thái độ của con người phải như thế nào? - Thưa là phải hy sinh và dứt khoát. "Con chim có tổ, con chồn có hang nhưng Con Người không có nơi gối đầu” (Lc 9,58) - "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết” (Lc 9,60) - "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” (Lc 9,62)

THỨ BA TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 9,51-56
"Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con
khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?”
(Lc 9,54)
Một lần nữa, Gioan và Giacôbê biểu lộ những thói xấu rất thông thường của con người:
 Tính nóng nảy: hễ gặp chuyện không vừa ý là lập tức muốn trừng phạt.
Thích sử dụng quyền hành: ỷ mình là môn đệ Chúa Giêsu nên muốn dùng lửa trời để thỏa mãn tính nóng giận cá nhân.
Theo Chúa, quyền hành không phải để trừng trị nhưng để phục vụ. Chính vì thế mà ta phải biết kiềm chế cơn nóng giận của mình.

Thánh Giacôbê khuyên mọi người: “Phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi được đường lối công chính của Thiên Chúa.” (Gc 1,20-21). Và đây là Lời Sách Châm ngôn: "Ðừng bè bạn với người hay nóng giận, chớ giao du với kẻ dễ nổi xung, kẻo con lại học đòi lối sống của chúng" (Cn 22,24-25).

THỨ HAI TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 9,46-50
"Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy,
là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy,
là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” (Lc 9,48)


Chúa Giêsu dạy các môn đệ ba điều. 
Lớn và nhỏ: mọi người, trong đó có các môn đệ và có cả chúng ta nữa, đều muốn làm người lớn, người cao trọng nhất, nghĩa là có địa vị, có uy thế, có quyền lợi. Các môn đệ của Chúa Giêsu ngày xưa cũng như thế. Chúa Giêsu biết ý nghĩ của các ông, nên Ngài bảo các ông đừng nghĩ tới vấn đề đó nữa, mà hãy nghĩ ngược lại: hãy trở thành kẻ bé nhỏ nhất, nghĩa là đừng nhắm địa vị, uy thế và quyền lợi mà hãy sống khiêm tốn phục vụ mọi người.
 Vấn đề đón nhận người khác: Thường thì chúng ta thấy người ta dễ dàng niềm nở với những ai có lợi cho mình, chẳng hạn người có thế giá, có địa vị, có quyền hành, có của cải .v.v... Chúa Giêsu lại dạy khác: hãy có thái độ rộng mở đón tiếp mọi người, dù đó là một đứa trẻ chẳng có địa vị quyền hành gì cả.
 Vấn đề thuận và nghịch: Trong cuộc sống, người ta thường dùng cái khung phe nhóm để định hướng thái độ của mình. Ai thuộc phe nhóm mình thì là bạn mình và mình hợp tác. Ngược lại, ai không thuộc phe nhóm mình thì là kẻ thù của mình và mình phải chống lại. Chúa Giêsu lại dạy ngược lại: "Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!” (Lc 9,50).
 Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, Chúa không gọi chúng con là tôi tớ,
Chúa cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ, Chúa còn coi chúng con như bạn hữu của Chúa.
Hơn nữa, sau Phục Sinh, Chúa đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên, Chúa đã tự nhận mình là Anh Trưởng Đứng đầu một đoàn em đông đúc.

Xin cho chúng con luôn thi hành ý muốn của Cha Để trở nên những người em Cùng huyết nhục với Chúa. Amen.

CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN - NĂM B

Lời Chúa : Mc 9,37-42,46-47
"Quả thật, ai không chống lại chúng ta
là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9,40)

Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta hai bài học:
 Trước hết là bài học về lòng bao dung và hợp tác:
Người đời, nhất là ngày hôm nay, thường có óc bè phái, ích kỷ chỉ lo bảo vệ quyền lợi của nhóm mình, đồng thời chèn ép, đố kỵ ganh ghét với những người không thuộc nhóm mình. Phương châm của họ là “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”
Còn Chúa Giêsu Ngài dạy các môn đệ chớ nhìn ai bằng cặp mắt thành kiến đố kỵ. Hãy sẵn sàng hợp tác với những mọi người nhất là những người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai không chống đối ta tức là ủng hộ ta”. (Mc 9,40)
Tại sao Chúa Giêsu lại dạy như thế? Thưa vì mọi người sinh ra đều là con Thiên Chúa và mọi người đều có quyền sống và phục vụ theo đúng ơn gọi Chúa dành cho mình. Dưới con mắt của Chúa thì không có người nào xấu đến nỗi phải loại trừ. Đã là người thì ai mà không muốn sống tốt và sống có ích cho mọi người. Thế nhưng thực tế chưa được như thế không phải vì họ mà vì những nguyên nhân khác. Tự bản chất con người là “Nhân chi sơ tính bản thiện” như cổ nhân vẫn nói. Sở dĩ có người hư hỏng là vì họ đã không nhận được sự quan tâm, yêu thương, giáo dục tốttừ xã hội, từ nhà trường nhất là từ gia đình.

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

THỨ BẢY TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 9,43b-45
"Phần anh em,
hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây:

Con Người sắp bị nộp vào tay người đời."
(Lc 9,44)
Đang lúc các môn đệ phấn khởi về quyền phép Chúa Giêsu thể hiện qua những phép lạ Ngài làm, thì đùng một cái Ngài cho các ông biết là Ngài sẽ bị bắt, bị hành hạ và bị giết chết. Phải chăng, Chúa làm thế là muốn làm các ông mất hứng? Không, Chúa không muốn làm cho các ông mất hứng mà chỉ muốn dẫn các ông trở lại đúng con đường mà Ngài đang đi, đồng thời Ngài cũng muốn cho cả các ông cùng đi trên con đường đó với Ngài. Trong vườn Giêthsêmani, có lúc Chúa cũng cảm thấy choáng váng khi thấy đau khổ gần kề, nhưng ngay sau khi biết được đó là thánh ý của Chúa Cha thì Ngài đã can đảm chấp nhận.
Chúa đón nhận khổ đau không phải vì khổ đau tự nó là điều đáng ước mong, nhưng Ngài đón nhận khổ đau vì lòng yêu mến Thiên Chúa Cha và Ngài đã biến khổ đau thành phương tiện cứu rỗi.

THỨ SÁU TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 9,18-22
Ông Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa."
(Lc 9,20)
 Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục nói đến những dư luận về Chúa Giêsu: Chúa Giêsu là ai? Hêrôđê thắc mắc như thế. Đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời.
Tại tu viện nổi tiếng nhất vùng Galaria, người ta chỉ mở cửa thu nhận một thỉnh sinh duy nhất và một lần trong năm mà thôi. Mỗi lần mở cửa thu nhận một thỉnh sinh, cha bề trên thường đích thân phỏng vấn ứng sinh. Năm nào ngài cũng chỉ hỏi một câu duy nhất, nhưng không ai biết đó là câu gì, bởi vì tất cả các ứng sinh rớt cuộc thi đều phải uống một viên thuốc có công dụng làm cho họ quên mất câu hỏi đã được đặt ra. Chính vì thế, thói quen chiêu sinh của tu viện đã trải qua nhiều năm mà chưa có ai có thể biết câu hỏi đó là gì. Trong số những thanh niên chuẩn bị cuộc thi của tu viện, có anh Ramin tỏ ra quyết chí hơn cả. Để chuẩn bị bước vào cuộc thi sắp tới, anh đã dành ra một thời gian dài 5 năm để tôi luyện với nhiều bộ môn khác nhau, như lịch sử, địa lý, văn chương, triết lý, nghệ thuật, tâm lý, xã hội học… Đến ngày thi, Ramin nhận được câu hỏi duy nhất từ cha Bề Trên: "Con hãy tự hỏi: tôi là ai?". Ramin lặp lại câu hỏi, nhưng không biết phải trả lời như thế nào cho đúng, liền rút lui không bao giờ trở lại tu viện nữa.

THỨ NĂM TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 9,7-9
"Vậy thì ông này là ai
mà ta nghe đồn những chuyện như thế?"

Rồi vua tìm cách gặp Đức Giêsu."
(Lc 9,9)
Trước những dấu lạ Chúa Giêsu làm, Tiểu vương Hêrôđê thắc mắc về Ngài: Ông ấy là ai? Ít ra Hêrôđê cũng đang biết thắc mắc về Chúa.
Nhìn vào cuộc sống của rất nhiều người trên thế giới hôm nay kể cả những người có đạo, chúng ta nhận thấy có nhiều người tỏ ra dửng dưng trước những vấn đề có liên hệ đến vận mạng cuối cùng của cuộc đời. Đối với họ thì cái cần thiết bây giờ là những gì đang có ở trước mắt như cơm áo gạo tiền. Ngoài ra không có gì đáng kể.
2. Khi người ta không còn lưu tâm, không còn thắc mắc về Thiên Chúa nữa thì điều gì sẽ xảy ra? Hãy nhìn vào phần lớn cuộc sống hôm nay, chúng ta sẽ có câu trả lời.
Đó là một cuộc sống không có, không cần Thiên Chúa. Con người tự cho mình quyền làm chủ cuộc đời mình và một khi con người tự cho mình có quyền như thế thì mọi sự kể cả những gì là ghê tởm nhất, độc ác nhất đều có thể xảy ra.

THỨ TƯ TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 9,1-6
"Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc
loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi."
(Lc 9,6)

 Chúa Giêsu sai nhóm 12 đi loan Tin Mừng. Nói một cách cụ thể, Chúa sai các môn đệ đi truyền giáo. Và từ đó trở đi, việc truyền giáo đã trở thành sứ mạng của mọi người trong Giáo Hội. Đây là lời của Công Đồng chung Vaticanô II trong Hiến Chế Truyền Giáo: "Như Chúa Cha sai Người thế nào, Chúa Con cũng sai các Tông Đồ như vậy (Ga 20, 21) khi Người phán: "Vậy các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, thanh tẩy họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, hãy dạy dỗ họ vâng giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây, Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,19-20). Lệnh ấy, Chúa Kitô long trọng truyền lại, Giáo Hội đã nhận lãnh từ các Tông Đồ để chu toàn khắp cõi đất (Cv 1,8). Vì thế, Giáo Hội xem lời sau đây của Thánh Tông đồ như lời của mình: "Khốn thân tôi nếu tôi không giao giảng Tin Mừng" (1Cor 9, 16), và vì thế, Giáo Hội không ngừng gửi sứ giả Tin Mừng cho đến khi các Giáo Hội trẻ được trưởng thành hoàn toàn và tự mình tiếp tục việc rao giảng Tin Mừng. Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội cộng tác với Ngài để hoàn tất trọn vẹn ý định của Thiên Chúa là Đấng đã đặt Chúa Kitô làm nguyên lý cứu độ cho tất cả thế giới. Bằng việc rao giảng Tin Mừng, Giáo Hội sửa soạn cho người nghe đón nhận và tuyên xưng đức tin, và chuẩn bị cho họ lãnh phép Rửa, đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ của sự lầm lạc, tháp nhập họ vào thân.
Lý do của việc truyền giáo. Hội Thánh luôn nhận lấy bổn phận và nhiệt tình truyền giáo từ chính tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả mọi người: "Vì tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi" (2Cr 5,l4). Quả thế, "Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và đạt tới sự nhận biết chân lý" (1Tm 2,4). Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ nhờ nhận biết chân lý. Trong chân lý có ơn cứu độ. Những ai để cho Thần Chân Lý thúc đẩy thì đã ở trên đường cứu độ. Vì đã được ủy thác chân lý, Hội Thánh phải nắm bắt khát vọng của con người để mang chân lý đến cho họ. Vì tin vào ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, nên Hội Thánh phải truyền giáo.

THỨ BA TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 8,19-21
 Người đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi,
 chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."
(Lc 8,21)

 Bài tường thuật cho thấy rõ có hai nhóm người khác nhau:
 Những kẻ đang nghe Chúa Giêsu giảng thì ở bên trong, gần Ngài. Họ còn được Chúa Giêsu mô tả như là những kẻ "nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".
 Nhóm kia thì "đứng" ở ngoài và"không thể đến gần Ngài được". Ý muốn của họ chỉ là muốn "thấy" Ngài chứ không phải để "nghe" và "thực hành" những Lời Ngài dạy.
Nếu như không có Đức Maria hiện diện thì đoạn này rất dễ hiểu. Nhưng vì có Đức Maria cho nên ta cảm thấy hơi khó chịu khi thấy Chúa Giêsu không coi nhóm này là gia đình thật của Ngài.

THỨ HAI TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 8,16-18
"Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe.
Vì ai đã có, thì được cho thêm;
còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất."
(Lc 8,18)

Dụ ngôn cái đèn và những lời tiếp theo trong đoạn Tin Mừng hôm nay triển khai thêm chủ đề về việc nghe Lời Chúa.
Người nào càng biết nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa thì càng được ban thêm ơn. Giàu thì được giàu thêm mãi. Trái lại kẻ chỉ nghe mà không sống thì không được ban thêm ơn gì, mà cả những ơn họ đang có cũng bị lấy đi mất. Nghèo lại phải nghèo thêm.
Lý do hiện hữu của cây đèn là để soi sáng. Cũng thế, lý do hiện hữu của người Kitô hữu là phải tỏa sáng niềm tin của mình. Việc làm chứng cho đức tin trong cuộc sống hằng ngày của những người Kitô hữu chúng ta, không phải là một việc làm có tính cách nhiệm ý, nghĩa là muốn làm hay không tùy ý, mà trái lại đó là một đòi hỏi tất yếu, bao trùm tất cả cuộc sống Kitô hữu của chúng ta.

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

THỨ BẢY TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 8,4-15
"Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời
 với tấm lòng cao thượng và quảng đại,
 rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.”
(Lc 8,15)

1. Một lần nữa chúng ta đọc dụ ngôn người gieo giống:
Người gieo giống trong dụ ngôn hôm nay là một người hết sức hào phóng, hào phóng đến mức độ có thể coi là hoang phí. Ông gieo hạt giống cả trên những vệ đường, vào những nơi mà hy vọng nảy mầm rất ít.
Và chúng ta cũng hãy để ý đến những loại đất người gieo giống gieo vãi hạt giống trên đó. Rõ ràng là có cả đất xấu lẫn đất tốt.
 Đất vệ đường ám chỉ loại người quá hời hợt, vừa nghe là quên ngay;
 Đất đá sỏi là người không kiên trì trong gian nan thử thách;
 Đất đầy gai là người chất chứa trong lòng nhiều lo toan việc đời.

THỨ SÁU TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 8,1-3
 "Các bà này đã lấy của cải mình
 mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ.”
(Lc 8,3)
 Chúa Giêsu đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng. Tin Mừng Ngài loan báo là sự giải phóng con người khỏi mọi thứ nô lệ. Nguyên việc có một số phụ nữ được đi theo để chia sẻ sứ mạng với Chúa cũng là một dấu chỉ của Tin Mừng giải phóng ấy, vì thời đó phụ nữ bị người ta coi khinh, không cho phụ nữ tham gia bất cứ sinh hoạt công khai nào của xã hội.
Như vậy, nam và nữ, mỗi phái đều có sự phong phú riêng để đóng góp vào việc xây dựng Giáo Hội và xã hội.
Chúng ta hãy nghe sứ điệp của Công Đồng Vaticanô II gửi giới phụ nữ. Sứ điệp này do Đức Hồng Y P. Zoungrana tuyên đọc ngày 8/12/1965: "Giờ đây chúng tôi xin ngỏ lời với nữ giới thuộc hết mọi thành phần: Bây giờ đã đến lúc sứ mệnh người phụ nữ được thể hiện hoàn toàn. Đây là lúc người phụ nữ có một ảnh hưởng, một sự phát huy và một quyền lực từ trước đến nay chưa từng có trong xã hội."

THỨ NĂM TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 7,36-50
"Còn ai được tha ít, thì yêu mến ít.” (Lc 7,47)
 Câu chuyện chúng ta vừa nghe thật hết sức sống động.
Những việc Luca ghi lại diễn ra trong sân nhà ông Simon, một đạo sĩ của người Do Thái. Chúng ta nên biết: Nhà cửa của giới giàu có thời đó thường có khu sân rộng, có khi rộng như một công viên. Trong sân thường có vườn cây và giếng nước. Vào mùa nóng nực người ta thường bày bàn ăn tại đây.
Ở xứ Palestine mỗi khi có một Rabbit đến nhà nào đó dự tiệc, thì mọi người đều được tự do đến nghe những lời khôn ngoan do Rabbit ấy dạy. Thói quen đó giải thích cho chúng ta biết sự có mặt của người đàn bà này trong nhà Simon là một việc bình thường.

THỨ TƯ TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 7,31-35
"Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được
tất cả con cái mình biện minh cho.”
(Lc 7,34)
Chúa Giêsu trách thế hệ của Ngài:
- Không chịu nghe lời của Gioan Tẩy Giả và của Ngài mà hoán cải.
- Lại còn viện cớ đổ thừa là vì Gioan là người bị quỷ ám, còn Ngài là tay ăn nhậu, tội lỗi.
Viện cớ đổ thừa là điều người ta thường làm, để tự biện hộ cho những việc làm xấu xa của mình:
Chúa nhật không đi lễ: tại vì trời mưa.
Đi ngủ không đọc kinh tối: tại quên, tại bệnh.
Không giúp đỡ người khác: tại vì nó không nói.
 Lắm khi, để biện hộ cho mình, người ta không ngại đổ tội cho người khác:
"Gioan là người bị quỷ ám".
"Giêsu là tay ăn nhậu".

THỨ BA TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 7,11-17
Đức Giêsu nói:
"Này người thanh niên,
tôi bảo anh: hãy chỗi dậy!”
(Lc 7,14)

 Khác hẳn với phép lạ Chúa Giêsu chữa lành người đầy tớ viên bách quản trong bài Tin Mừng hôm qua, hôm nay chúng ta thấy Chúa làm phép lạ không phải do người ta xin và người được thụ hưởng phép lạ cũng chẳng hề biết gì về việc này vì anh đã chết.
Hoàn cảnh hôm đó rất đặc biệt. Có hai đoàn người gặp nhau ở gần cổng thành: một đoàn người có Đấng ban sự sống dẫn đầu và một đoàn người khác cùng với một người mẹ goá tiễn đưa đứa con trai duy nhất của bà tới nơi an nghỉ cuối cùng. Tình trạng còn đau khổ hơn nữa khi người mẹ góa này không còn người đàn ông nào đứng ra bảo lãnh tài sản mình trước pháp luật và bảo vệ danh dự cho mình trong một xã hội trọng nam khinh nữ nhiều bất công này.
Đức Giêsu đã xúc động và cảm thông với nỗi đau buồn lớn lao ấy. Người là Con Thiên Chúa cho nên Người thấy rõ những khốn cực của loài người và Người là con người nên lại càng nhạy bén hơn trước những nỗi bất hạnh và đau khổ của họ. Người dừng lại trước bà mẹ đang tuyệt vọng và an ủi bà. "Bà đừng khóc nữa!” (Lc 7,13). Việc đó nói lên sự quan tâm của Chúa.
Vâng, chúng ta hãy tập cho mình một thói quen biết cảm thông và chia sẻ. Một trái tim biết cảm thông và chia sẻ là trái tim của con người.
Các nhà đạo đức ngày nay đã nói nhiều về sự dửng dưng và vô cảm của người thời đại. Hình như cuộc sống càng cao, càng sung túc thì con người lại càng ích kỷ thêm. Nhiều người đã biến trái tim của mình trở thành vô cảm trước những nỗi khổ đau của người khác, nhất là những người nghèo khó đau khổ.
Là những người con của Chúa, chúng ta đừng bao giờ làm như thế. Hãy nhớ: Niềm vui biết chia sẻ là niềm vui sẽ được nhân đôi và nỗi buồn được chia sẻ là nỗi buồn sẽ vơi đi một nửa.
Tin Mừng còn ghi tiếp: "Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ” (Lc 7,15).

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

THỨ HAI TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

Lời chúa :Lc 7,1-10
"Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israel,
tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.”
(Lc 7,10)

Nhân vật chính trong câu chuyện này là một viên sĩ quan người Rôma. Ông là một người tốt.
 Trước hết, là sĩ quan - ông coi 100 binh sĩ: Một con người có quyền, có chức nhưng ông vẫn thương những người dưới quyền ông."Họ là những người chỉ huy rất hoạt động, rất đáng tin cậy. Họ không tự tìm nguy hiểm, không quá say mê chiến đấu, nhưng nếu được thúc bách thì họ sẵn sàng kháng cự và chết tại chỗ". Trong Tân Ước, cứ mỗi lần có một viên bách quân đội trưởng nào được đề cập đến thì chúng ta thấy họ đều là những người tốt.
 Ông đã có một thái độ phi thường đối với đầy tớ mình. Ông thương bằng cách sẵn lòng chịu cực đủ thứ để mong cứu nó.

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

THỨ BẢY TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 6,43-49
"Thật vậy, xem quả thì biết cây.
Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả,
trong bụi rậm, làm gì hái được nho!"
(Lc 6,44)

 Chúa Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ về cách ứng xử. Đoạn này gồm 3 lời dạy:
1) Qua Dụ ngôn Cây và Trái (cc 43,44): Chúa muốn nói đến những hành động của ta. Bên ngoài phải phù hợp với bên trong. Đối với những người biệt phái và luật sỹ thì một hành động được coi là tốt khi nó phù hợp với luật.
Còn đối với Chúa Giêsu thì một hành động đuợc coi là tốt, khi nó hợp với một tâm hồn tốt. Một tâm hồn tốt sẽ sinh ra những hành động tốt.
2) Kho tàng trong lòng (c 45): Chúa Giêsu coi cõi lòng con người như một kho tàng, nơi xuất phát ra những lời nói và việc làm hoặc tốt hoặc xấu. Kho tàng tốt thì sẽ phát sinh ra những lời nói và việc làm tốt. Bởi thế, người môn đệ phải liệu làm sao cho kho tàng lòng mình chứa đầy những điều tốt.

THỨ SÁU TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 6,39-42
"Anh em đừng xét đoán,
thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán.
Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án.
Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha."
(Lc 6,32)

Những lời trong Bài Tin Mừng hôm nay dường như Chúa muốn nhắm tới các  thầy dạy trong đạo DoThái thời Ngài, tuy nhiên chúng ta cũng có thể tìm ra được một vài áp dụng cho chính chúng ta.
 Chúa muốn nói rằng muốn hướng đẫn, muốn dạy dỗ người khác thì trước hết phải "biết" điều mình hướng dẫn, mình dạy trước. Vì "mù dắt mù, thì cả hai sẽ lăn cù xuống hố"(Lc 6,39).  Mình có biết, có sáng mắt thì mới thấy đường mà hướng dẫn anh em mình. 
Bởi thế, điều kiện để được trở thành người hướng dẫn kẻ khác là phải biết mình. Và cách để giúp mình biết mình trước, tốt nhất là phải học và biết lắng nghe, nhất là lắng nghe những người không ưa mình nói về mình.

THỨ NĂM TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 6,27-38
"Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em,
hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em
và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em".
(Lc 6,27-28)



 Lời Chúa hôm nay dễ hiểu nhưng khó thực hành.
Luật yêu thương không phải thời Chúa Giêsu mới có. Luật này đã được nói tới từ lâu nhưng nó mới chỉ có tính cách tiêu cực.
Nhưng tới thời Chúa Giêsu thì luật yêu thương đã có một khuôn mặt mới. Nó có tính cách tích cực hơn: "Hãy làm cho kẻ khác những điều như chúng ta muốn kẻ khác làm cho chúng ta." (Lc 6,31)

THỨ TƯ TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 6,20-26
"Phúc cho anh em
là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
   vì anh em sẽ được vui cười."
(Lc 6,21)

 Tin Mừng hôm nay nói về hạnh phúc. Trong khi Thánh Mátthêô ghi lại 8 lời chúc phúc của Chúa Giêsu, thì thánh Luca chỉ ghi lại có 4 lời và điều đáng chúng ta lưu ý là ngài còn kèm theo 4 lời quở trách.
Những kẻ được chúc phúc là những người nghèo, đói khát, đang phải khóc lóc, bị bách hại.
Những người bị chúc dữ là những người đang giàu có, no đầy, vui cười, được tâng bốc.
Điều nên chú ý là: không phải tự thân, sự nghèo nàn khổ sở là hạnh phúc, nhưng chúng mang lại hạnh phúc vì chúng giúp người ta không dính bén với trần gian để hướng lòng về Chúa. Cũng không phải tự thân, sự giàu có sung sướng là xấu, nhưng chúng có thể trở thành nguồn bất hạnh khi chúng trói buộc lòng con người vào thế giới vật chất đời này.
Vâng, hạnh phúc là mối bận tâm sâu thẳm nhất của con người. Nhưng làm sao để có hạnh phúc thì điều đó không phải dễ trả lời.

THỨ BA TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc 6,12-19
"Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại,
chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ."
(Lc 6,13)

Lịch sử ơn cứu rỗi đã khởi đầu và tiếp diễn bằng những cuộc tuyển chọn.
Ở khởi đầu, từ trong đám dân du mục vô danh tại miền Lưỡng hà, Thiên Chúa đã chọn Ap-bram; và trong những người con của ông, Ngài chỉ chọn Isaac; trong những người con của Isaac, Ngài chỉ chọn Giacob làm người cha của mười hai chi tộc Israel.
Ðể thực hiện cuộc giải phóng con cái Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, Ngài đã chọn Môisen làm thủ lãnh. Sau khi Israel đã được Ngài chọn làm dân riêng và qua đó thực thi chương trình cứu rỗi, Thiên Chúa cũng tiếp tục đường hướng đó: Ngài chọn lựa một số người và trao cho họ một trách vụ đặc biệt: Ngài đã chọn Ðavid làm vua, thay thế cho Saulô; Ngài cũng đã chọn một số người làm ngôn sứ cho Ngài.

THỨ HAI TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Lc  6,6-11
"Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabat,
được phép làm điều lành hay điều dữ,
cứu mạng người hay huỷ diệt?"
(Lc 6,9)

 Chúa Giêsu, các luật sĩ và Pharisêu lại tranh luận với nhau về luật nghỉ không làm việc trong ngày Sabat.
Theo những người luật sĩ và Pharisêu thì nghỉ là nghỉ, "không làm gì cả". Ngày Sabat là ngày nghỉ. Tuy họ có chấp thuận một số việc được làm trong ngày Sabat nhưng phải tuỳ từng trường hợp rất cụ thể mới được làm. Thí dụ như cứu người nguy tử trong ngày đó (Mishna Yoma VIII,6). 
 Còn Chúa Giêsu, thì thái độ của Ngài có khác. Luật nào cũng vậy, trong mọi trường hợp phải lệ thuộc vào tình yêu thương. Không có tình yêu thương thì lề luật chỉ còn là cái xác không hồn. Không vì yêu thương thì luật trở thành vô đạo đức. Luật ngày Sabat cũng thế…. vì ngày Sabat theo ý nghĩa từ ban đầu là ngày giải phóng con người.