Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

THỨ BẢY TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 6,30-34
"Ra khỏi thuyền,
Đức Giêsu thấy một đám người rất đông
thì chạnh lòng thương,
vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.
Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều." 
Bài Tin Mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu rất quan tâm đến những người khác.
 Trước hết, Chúa Giêsu quan tâm đến các môn đệ của Ngài.
 Thứ đến là Chúa Giêsu quan tâm đến đám đông.
"Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương vì họ như bầy chiên không người chăn dắt"(Mc 6,34).
 Trước hết, Chúa Giêsu quan tâm đến các môn đệ của Ngài. Có thể nói: Môn đệ là ưu tiên số một đối với Chúa. Chính vì thế mà sau những ngày làm việc mệt nhọc, Chúa đã bảo các môn đệ hãy tìm một chỗ yên tĩnh để nghỉ ngơi.
Nghỉ ngơi để lấy lại sức, để có giờ trở lại với chính lòng mình, để kiểm điểm lại xem mình có đi đúng đường hay không.

THỨ SÁU TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 6,14-29
Cô gái đi ra hỏi mẹ: "Con nên xin gì đây?"
Mẹ cô nói: "Đầu Gioan Tẩy Giả."
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Gioan Tẩy giả bị trảm quyết.
 Gioan Tẩy Giả tượng trưng cho những người công chính
Vâng! Đúng như thế. Ông là hình ảnh của lớp người công chính. Người công chính là người luôn thi hành ý Chúa, bất chấp mọi khó khăn. Ông đã thi hành trách nhiệm của một vị ngôn sứ một cách can đảm, không sợ vua chúa quan quyền. Và cũng như các ngôn sứ trong Cựu ước, Gioan đã bị bắt bớ vì Lời Chúa và đã bị lên án tử. Ông là người được Chúa Giêsu khen ngợi là người cao trọng nhất trong các con cái loài người do người nữ sinh ra, nhưng ông lại chết cách nhục nhã, về tay một người phụ nữ lăng loàn. Cũng như bao người công chính khác, ông là hình ảnh của Đức Kitô, Đấng Công Chính sẽ bị bắt bớ và cuối cùng bị chết nhục nhã trên Thánh Giá.

THỨ NĂM TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 6,7-13
"Các ông đi rao giảng,
kêu gọi người ta ăn năn sám hối." 
Chúa Giêsu đã chọn 12 tông đồ, mục đích là "để họ ở với Ngài và để Ngài sai họ đi rao giảng".
Họ phải giảng điều gì và giảng thế nào?
Về nội dung lời giảng, Thánh Marcô tóm lược trong công thức rất gọn: "Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối"(Mc 6,12).
Về cách giảng: họ không chỉ giảng bằng lời kêu gọi, mà còn bằng những việc làm cụ thể.
Tác phong của người rao giảng: Biết sống nghèo và tin tưởng vào Chúa quan phòng.
Cách giảng hữu hiệu nhất là làm chứng, và cách làm chứng hữu hiệu nhất là một cuộc sống nghèo, không cần gì khác ngoài ơn Chúa.
Đức Thánh cha Phaolô VI: "Con người thời đại chúng ta thích nghe các chứng nhân hơn là các bậc thầy, hoặc nếu có nghe các bậc thầy thì vì những vị thầy này là những chứng nhân".
Người rao giảng Tin Mừng phải thực sự là người cảm nghiệm được một cách sâu xa niềm vui của một cuộc sống siêu thoát. Có như vậy, họ mới có thể thanh thản sống cuộc đời làm chứng cho Tin Mừng.

THỨ TƯ TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 6,1-6
"Ngôn sứ có bị rẻ rúng,
thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình."
 Thông thường ta dễ ngưỡng mộ tài năng và đức độ của những "người dưng" và coi thường những "người nhà". Thánh Gioan Tiền Hô nói với dân Do Thái "Có một vị giữa các ông mà các ông không biết" (Ga 1,26).
Tin vào một Chúa Giêsu đang làm những phép lạ hiển hách ở Capharnaum thì dễ hơn là tin vào một Chúa Giêsu là con bác thợ mộc, là anh chị em với mình.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã phải đau xót mà nhắc lại một câu ngạn ngữ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình hay giữa đám bà con thân thuộc trong gia đình mình mà thôi." (Mc 6,4)
Đi đâu Chúa Giêsu cũng được ca tụng tôn vinh, nhưng khi trở về quê hương mình thì lại bị coi thường.
Tại sao thế?

ĐỨC MẸ DÂNG CON VÀO ĐỀN THÁNH

Lời Chúa : Lc 2,22-40
"Mọi con trai đầu lòng
phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa."

Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay là một trong những câu chuyện rất đẹp về cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu Kitô. Qua câu chuyện này, một lần nữa, chúng ta lại có dịp hiểu thêm về một vài khía cạnh đặc biệt trong cuộc đời của Ngài.
 Qua câu chuyện hôm nay rõ ràng chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn được trở nên một con người hoàn toàn giống chúng ta. Trong thư gửi Tín hữu Do Thái, Thánh Phaolô đã viết rất hay về vấn đề này. Ngài viết như sau: "Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các Thiên Thần, nhưng là con cháu Apraham. Bởi thế Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện để trở thành một vị Thương Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa để đền tội cho dân." (Dt 2,16-17)

THỨ BA TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 5,21-43
"'Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi!'
Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được,
vì nó đã mười hai tuổi." 
Chúa Giêsu tỏ uy quyền trên sự sống và sự chết:
Sống, nhất là sống đời đời là một điều vô cùng quí giá, không có một giá trị nào trên trần gian này có thể mua được. Chúng ta vẫn tin rằng, đằng sau cuộc sống này là cuộc sống vĩnh cửu nhưng không biết niềm tin của chúng ta như thế nào?
Có lẽ chúng ta cũng như thế. Chúng ta mới chỉ tin vào sự sống thật mai sau trên môi miệng nhưng trong thực tế có lẽ chúng ta còn coi trọng sự sống đời này hơn.
Đối với Chúa, chết chỉ là một giấc ngủ, mở mắt thức dậy là một cuộc sống thật, cuộc sống vĩnh cửu.
Khi Lazarô chết, Chúa Giêsu nói: "Lazarô, bạn của Ta đang yên giấc. Thầy đi đánh thức anh ấy dậy" (Ga 11,11).
Hôm nay, khi đứng trước một đứa bé đã chết, Chúa Giêsu nói:
- Đứa bé có chết đâu. Nó ngủ đấy thôi (Mc 5,39).
Vậy có hai việc phải làm.

THỨ HAI TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 5,1-20
Thật vậy, Đức Giêsu đã bảo nó:
"Thần ô uế kia, xuất khỏi người này

Phép lạ trong Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy uy quyền của Chúa Giêsu trên ma quỉ: Chúa chiến thắng ma quỷ. Khi được Chúa giải thoát thì kết quả hết sức tốt đẹp:
 Chúa Giêsu đã bày tỏ quyền năng của Người. Sức mạnh của Người là sức mạnh vô địch. Chẳng những Người trừ thần ô uế, mà còn tiêu diệt chúng để giải thoát con người khỏi tình trạng tha hóa thiêng liêng và tâm tình sợ hãi.
Để chứng tỏ Chúa Giêsu có một sức mạnh vô song, trước tiên Marcô nhấn mạnh đến tính cách trầm trọng của cơn bệnh mà người bị quỷ ám đã phải chịu. Rõ ràng là bệnh tật, sự ác càng trầm trọng thì người chữa trị càng phải cao tay. Tên quỉ đã bẻ cong được gông cùm và xiềng xích, thì Đấng chế ngự được nó nhất định là phải mạnh hơn. Chúa đã trừ khử được tên quỉ đó, chứng tỏ sức mạnh của Chúa là sức mạnh vô địch.

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN C

Lời Chúa : Lc 4,21-30
"Họ kéo Người lên tận đỉnh núi,
để xô Người xuống vực.
Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi."
Tin Mừng cho chúng ta thấy tất cả những người có mặt trong hội đường hôm đó đều cảm thấy tràn ngập sự thán phục trước những lời đầy vẻ duyên dáng của Chúa. Họ ngỡ ngàng trước con người mà họ đã từng quen biết từ bao nhiêu năm nay… ngỡ ngàng đến nỗi họ phải thốt lên: "Người này không phải là con của ông Giuse đó sao? (Mc 6,2-4). Bởi đâu ông ấy được như thế? - Tại sao mà ông ta được khôn ngoan như vậy? - Ông ấy không phải là con bác thợ mộc, mẹ của ông ta không phải là bà Maria và anh em của ông ta không phải là Giacôbê, Giuđa và Simon đó sao.v.v... và .v.v...

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

THỨ BẢY TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 4,35-41
Các ông hoảng sợ và nói với nhau:
"Vậy người này là ai, mà cả gió
và biển cũng tuân lệnh?" (Mc 4,41)

Các nhà tu đức thường ví đời sống của Giáo Hội cũng như đời sống của mỗi Kitô hữu chúng ta như một con thuyền ở giữa biển khơi. Mặc dầu ở giữa biển khơi, nhưng con thuyền Giáo Hội cũng như con thuyền của những người tin luôn có Chúa hiện diện.
 Đối với Giáo Hội chúng ta đã thấy quá rõ. Từ khi được Chúa thành lập đến nay, con thuyền Giáo Hội đã phải trải qua không biết bao nhiêu là những cơn sóng gió, bão táp phũ phàng nhưng Giáo Hội vẫn luôn được Chúa che chở giữ gìn. Xin được trích ra đây một ít sự kiện:
* Saladin là một ông vua Hồi Giáo. Có lần ông vua này đã gởi cho Đức Giáo Hoàng một lá thư trong đó vỏn vẹn có một dòng.

THỨ SÁU TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 4,26-34
"Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên
lớn hơn mọi thứ rau cỏ,
cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời
có thể làm tổ dưới bóng."
(Mc 4,32)

Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai dụ ngôn nhỏ. Qua hai dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta về sức sống và sức lớn lên của Nước Thiên Chúa. Lời của Chúa có một sức mạnh nội tại - không ai, không gì có thể cản trở được sự nảy mầm, bén rễ, lớn lên rồi đơm bông kết trái theo trình tự của thời gian.
Trước hết, Chúa Giêsu cho biết Lời của Chúa có sức phát triển ngay từ bên trong, tuy âm thầm nhưng liên lỉ và rất mạnh mẽ.

THỨ NĂM TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 4,21-25
"Vì ai đã có, thì được cho thêm;
còn ai không có, thì ngay cái đang có
cũng sẽ bị lấy mất." (Mc 4,25)

Hai dụ ngôn nhỏ này tiếp liền những đoạn Tin Mừng của mấy ngày hôm nay, triển khai thêm chủ đề về việc nghe Lời Chúa.
 Dụ ngôn chiếc đèn: kẻ nghe Tin Mừng giống như chiếc đèn: Họ phải sống những gì đã nghe, có như thế cuộc sống họ mới chiếu tỏa ánh sáng ra những người chung quanh.
 Dụ ngôn cái đấu: càng biết nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa thì càng được ban thêm ơn; trái lại kẻ chỉ nghe mà không sống thì không được ban thêm ơn gì, mà cả những ơn họ đang có cũng bị lấy đi mất.

THỨ TƯ TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 4,1-20
 "Còn những người khác nữa
là những người được gieo vào đất tốt:
đó là những người nghe lời và đón nhận,
rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi,
kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm." (Mc 4,20)

Trong đoạn hôm nay, Ngài dùng dụ ngôn về người gieo giống để khuyến cáo mọi người: không phải chỉ nghe thôi là đủ, mà còn phải "nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả" nữa (câu 20).
Ngài cũng vạch cho thấy những trở ngại khiến cho việc nghe Lời Chúa không sinh hoa kết quả, đó là:
 Bị Satan phá (hạt rơi bên vệ đường); Tính nông nổi nhất thời, không kiên trì thực hiện Lời Chúa trong lúc gian nan hay bị ngược đãi (hạt rơi trên đá sỏi);
 Những lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác (hạt rơi trong bụi gai).
 Có lẽ đa số chúng ta thuộc loại đất có gai, Lời Chúa gieo vào bị làm chết ngạt bởi "những lo lắng việc đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác". Thực vậy, kinh nghiệm cho thấy khi nào ta có được sự "thinh lặng nội tâm" thì Lời Chúa dễ thấm nhập tâm hồn ta hơn. Ngược lại, khi tâm hồn bị giao động bởi những thứ kể trên thì Lời Chúa vừa vào tai bên này đã lọt ra khỏi tai bên kia.

THÁNH TITÔ VÀ TIMÔTHÊ

1. Đôi hàng tiểu sử
Timôthê và Titô là hai môn đệ thân thiết và nổi tiếng của Phaolô nên Giáo Hội mừng lễ các ngài ngay sau khi mừng lễ thánh Phaolô trở lại. Thánh Timôthê sinh tại Lystra, đã được thánh Phaolô dạy cho biết Chúa và rửa tội cho. Sau khi được rửa tội Timôthê luôn theo bên cạnh thánh Phaolô và cộng tác với ngài trong việc truyền giáo. Mặc dầu còn trẻ ngài sẵn sàng hy sinh từ bỏ tất cả danh vọng ở đời hiến thân phục vụ Chúa, đem ơn cứu rỗi đến mọi người.
Thánh Titô là con một gia đình ngoại giáo, được thánh Phaolô dạy đạo, rửa tội và được gọi là “người con chân thành” và trao cho nhiều trách nhiệm quan trọng. Theo truyền thuyết thánh tông đồ đã đặt ngài làm Giám Mục giáo đoàn Kêta và luôn khuyên bảo ngài sống xứng đáng làm người đứng đầu trong cộng đoàn, đồng thời đối xử thế nào cho thích hợp với mỗi hạng người.
2. Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng:
- Theo tường thuật của Thánh Luca, Chúa Giêsu đã sai đi rao giảng không phải chỉ nhóm tông đồ mà còn cả nhóm môn đệ nữa. Luca muốn nhấn mạnh rằng không riêng gì các tông đồ, mà tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Ý này lại được làm rõ thêm với con số 72. Đây là số dân của loài người mà St 10 đã liệt kê.
Sách Giáo Lý mới nói: “Được tái sinh làm con Thiên Chúa, những người đã được rửa tội có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Hội Thánh” (x.LG 10), tham dự vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của Dân Thiên Chúa (x.LG 17; AG 7,23).

THỨ BA TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 3,31-35
"Đây là mẹ Tôi, đây là anh em Tôi.
Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa,
người ấy là anh em chị em Tôi, là mẹ Tôi."
(Mc 3,34-35)

Chúng ta tự hỏi: Tại sao Mẹ Chúa Giêsu và anh em Chúa lại muốn gặp Chúa đang lúc Chúa giảng dạy cho dân chúng như vậy?
Theo Marcô thì chúng ta thấy, trước khi có chuyện mẹ và anh em muốn gặp Chúa thì đã có thân nhân của Chúa, nghe tin Chúa say mê giảng dạy và chữa bệnh cho dân chúng đến nỗi không có thời giờ ăn uống, thậm chí họ còn cho rằng, Ngài đã mất trí cho nên họ muốn bắt Ngài về (Mc 3,21). Không hiểu vì lý do gì mà chuyện đó không thành công. Họ không "bắt" (nghĩa là không ngăn cản) được Chúa Giêsu, cho nên hôm nay, họ mời thêm Đức Maria nữa. Chắc hẳn khi Đức Mẹ đến, mẹ chẳng hề có ý cản trở sứ mạng Chúa Giêsu mà chỉ đến để xem sự thể ra sao.

THÁNH PHAOLÔ TRỞ LẠI


Hôm nay tôi chỉ xin được nói ít lời về Phaolô một con người đối với tôi thật là vĩ đại và kỳ diệu.
Thú thực tôi rất sợ phải nói về những con người như thế này vì tôi cảm thấy mình quá yếu kém. Nhưng thái độ tránh né hoàn toàn thì tôi tưởng sẽ không phải là tốt nhất... nhất là đối với một người ở trong một cương vị như tôi. Tôi sẽ cố gắng để nói một chút về con người đặc biệt này.
 PHAOLÔ! ÔNG LÀ AI VẬY?
Thật khó mà có được một bài trình bày đầy đủ và vắn tắt về con người của Phaolô. Vì ở nơi con người này có quá nhiều vấn đề và quá nhiều điều phải nói. Ở đây tôi chỉ xin được nói về một ít điểm nổi bật trong cuộc đời của Ông: trước - sau khi được Chúa gọi và cuộc đời truyền giáo của Ông.
 Trước khi được Chúa kêu gọi.
Chúng ta chỉ được biết về ông sau khi Chúa Giêsu đã về trời.
+ Ông là người say mê với niềm tin vào Giavê Thiên Chúa và Đạo của Người
+ Khác hẳn với những tông đồ được Chúa chọn trong cuộc đời công khai của Chúa, Ông là một con người có học thức. Ông đã từng học Kinh Thánh với Giáo sư Gamaliel, một vị giáo sư về Kinh Thánh nổi tiếng thời đó.

THỨ HAI TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 3,22-30
"Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần,
 thì chẳng đời nào được tha,
 mà còn mắc tội muôn đời". (Mc 3,29)
 Tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội nào?
Trước hết, theo lời của Thánh Sử Marcô, trong đoạn Tin Mừng được trích đọc trong thánh lễ hôm nay, thì tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội qui về cho ma quỉ những việc của Thiên Chúa, hay nói khác đi là việc dám đồng hoá Chúa, nguồn mạch của mọi sự nhân lành, với Satan, nguồn mạch của mọi sự dữ.
Cũng phải liệt kê vào tội phạm đến Chúa Thánh Thần, việc cho điều thiện là ác và cho ác là thiện. Sở dĩ phải liệt kê như thế, bởi vì những người như thế không thể ăn năn thống hối được, do đó không thể được tha thứ.
Cũng kể vào số những người đã phạm đến Chúa Thánh Thần, là những người mất lòng cậy trông vào Chúa.
Chúa Giêsu tuyên bố, những kẻ phạm đến Chúa Thánh Thần thì không được tha. Bởi vì điều kiện để một tội được tha là người phạm tội phải thực lòng ăn năn thống hối. Người phạm đến Chúa Thánh Thần thì không còn tin tưởng và cậy trông nữa, nên không ăn năn thống hối, vì thế không được tha.

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Chúa Nhật Tuần III TN năm C

Lạy Chúa Thánh Thần,
Xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Người giữa lòng thế giới, trong lòng mọi người.
Thế giới hôm nay còn nhiều điểm tối, nhưng vẫn có những đóm sáng rực rỡ: khi con người ngồi lại gần nhau để giải quyết tranh chấp, tìm kiếm hòa bình;
khi cả thế giới lo chung một mối lo: bảo vệ trái đất, ngăn chận sida, tận diệt ma tuý;
khi có những người nghèo quan tâm đến những người nghèo hơn;
khi trẻ thơ và người già được chăm sóc;
khi hàng rào ngăn cách các nước được tháo gỡ;
khi không còn nạn kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, màu da;
khi những tiến bộ của khoa học kỹ thuật làm cho con người sống hạnh phúc;
khi mọi người nhận ra mình là anh em của nhau, liên đới với nhau và chịu trách nhiệm về nhau, sống trên cùng một hành tinh, dưới mái nhà bầu trời.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin cho chúng con thấy Người nơi nụ cười người ta trao cho nhau trên đường phố, nơi những hy sinh vô vị lợi, và cả nơi những thao thức của ai đó, muốn xây dựng một thế giới huynh đệ hơn.Amen

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

THỨ BẢY TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 3,20-21
"Thân nhân của Người hay tin ấy,
liền đi bắt Người, vì họ nói rằng
Người đã mất trí." (Mc 3,21)

 Bài Tin Mừng hôm nay thật ngắn gọn. Chỉ có hai câu nhưng qua hai câu này chúng ta cũng có rất nhiều điều để nói về Chúa Giêsu.
Tin Mừng kể lại lúc Chúa Giêsu đang giảng thì thân nhân của Ngài tìm đến, đến để bắt Ngài, không cho Ngài giảng nữa vì nghe người ta nói là Ngài đã mất trí.
Đây không phải là lần duy nhất mà người ta cho là như thế.  Chúng ta còn nhớ có lần người ta đã cho Ngài là người bỉ quỉ ám, là khùng điên, là một người nổi loạn.
Thực ra, Chúa cũng chẳng phải là một nhân vật dễ hiểu. Các tông đồ của Chúa ngày xưa dù đã được sống với Chúa cả mấy năm trời, vậy mà các ông ấy cũng chẳng hiểu được Chúa là ai.
Vậy thì vấn đề còn lại hôm nay là chúng ta hãy xem xem, trong những trường hợp Chúa bị người ta hiểu lầm hay bị người ta nghĩ xấu về mình như thế, Chúa đã có thái độ như thế nào?
Phải nói rằng, Chúa đã có một thái độ rất cao thượng. Không những Ngài không buồn, không trách móc mà còn coi những chuyện đó chẳng đáng để Ngài phải bận tâm. Đàng khác như chúng ta thấy, ngay cả như việc Chúa bị người ta vu oan cáo vạ rồi đưa Ngài lên đồi Golgotha để đóng đinh, lúc sắp chết Ngài cũng còn ngửa mặt lên trời cầu xin Thiên Chúa Cha tha cho những kẻ đã hành hạ và giết Ngài một cách dã man như vậy. Lý do Chúa đưa ra là vì họ không biết Ngài.
Cuộc đời của Chúa là như thế. Cuộc đời của mỗi người chúng ta chắc nhiều khi cũng như vậy.
Trong cuộc sống, chẳng thiếu gì những lúc chúng ta bị hiểu lầm. Cũng chẳng thiếu gì những lúc chúng ta bị người ta ghét bỏ.
Những lúc như thế, chúng ta phản ứng lại thế nào? Cách tốt nhất tôi tưởng chúng ta hãy nhớ lại cuộc đời của Chúa Giêsu và bắt chước cách hành xử của Ngài.

Cầu nguyện : Lạy Chúa, Xin ban cho chúng con một trái tim quảng đại để chúng con biết sống yêu thương như Chúa. Amen.

THỨ SÁU TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 3,13-19
"Người lập Nhóm Mười Hai,
để các ông ở với Người
và để Người sai các ông đi rao giảng."
(Mc 3,14)

 Chúa không muốn một mình đích thân đi rao giảng Tin Mừng mãi mãi, mặc dù cách này hữu hiệu hơn, nhưng Ngài đã chọn một số người để làm việc ấy.
Thế chiến thứ II kết thúc nhưng Hoa Kỳ còn để lại một số binh sĩ tại một số miền được giải phóng ở Đức. Họ giúp dân chúng thu dọn và sửa chữa những ngôi nhà đổ nát, nhất là những nhà thờ bị hư hại vì bom đạn... Tại một ngôi nhà thờ bị đổ nát kia, sau khi thu dọn, sửa chữa, sắp đặt, các binh sĩ đã phải khựng lại trước một bức tượng Đức Kitô bị bể nát trên bàn thờ. Họ cố gắng hết sức để tân trang lại bức tượng. Với tất cả cố gắng, họ đã tân trang lại gần như cũ chỉ trừ đôi tay của Chúa. Lý do là vì họ có cố gắng mấy cũng không làm sao thu nhặt được những mảnh vụn bể nát từ đôi tay ấy. Bất lực đứng nhìn pho tượng của Đức Kitô không có đôi cánh tay, các binh sĩ Hoa Kỳ đành phải lấy sơn viết vào tấm bảng và đặt dưới chân Ngài hàng chữ: "Ta không có đôi tay nào khác hơn là đôi tay của các ngươi." (Trích "Mỗi ngày một tin vui").
Vâng! Rõ ràng là qua Tin Mừng chúng ta thấy, Chúa muốn con người chia sẻ sứ mạng của Ngài. Sách Giáo Lý mới đã giải thích việc làm đó của Chúa như sau:  "Để cho tiếng gọi ấy vang lên trong toàn cõi địa cầu, Đức Kitô đã sai phái các tông đồ do Người tuyển chọn, trao cho các ông nhiệm vụ loan báo Tin Mừng: "Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,19-20)
Cám ơn Chúa đã cho con người được tham dự vào công việc mà Chúa Cha đã trao ban cho Người
 Nhưng, để cho công việc tham dự vào sứ mạng của Chúa có kết quả tốt đẹp, những người được Chúa tuyển chọn phải làm gì? Thưa, trước tiên là phải "ở với"Ngài. Việc ở với Chúa là một việc rất quan trọng.
Chúng ta vẫn thường nói: "Gần mực thì đen gần đèn thì sáng". Hai môn đệ của Gioan mới ở với Chúa có một buổi chiều và một đêm, hôm sau khi gặp lại những người quen họ đã tuyên bố: "Chúng tôi đã gặp thấy Đấng Messia." (Ga 1,41)
Sử sách ghi lại rằng: Dù có phải mải mê rao giảng Tin Mừng cho lương dân như thế nào đi nữa, nhưng mỗi khi đêm về, thánh Phanxicô Xavie luôn giữ thói quen quỳ gối trước chúa Giêsu Thánh Thể để cầu nguyện. Có lần vì quá mệt, Ngài đã ngủ gục trước bàn thờ. Nhiều lần Ngài đã phải cầu nguyện: "Lạy Chúa, nếu linh hồn con không tỉnh thức được với Chúa, thì ít nữa thân xác con đây cũng muốn được ở gần Ngài"
Ở với ai thì sẽ thấm nhuần nếp sống của người đó. Kẻ được sai phải "ở với" Đấng sai phái mình để thấm nhuần tinh thần của Ngài, và có như thế họ mới có thể trở thành những sứ giả đích thực và làm việc đúng như ý Chúa muốn.
Các tông đồ đã đóng xong vai trò của mình. Thế còn mỗi người  chúng ta thì sao? Thưa, mỗi người cũng phải là một tông đồ cho Chúa.
Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,
Làm chân tay cho người què cụt,
Làm lỗ tai cho người bị điếc,
Làm miệng lưỡi cho người không nói được,
Làm tiếng kêu cho người chịu bất công.
Lạy Chúa, xin cứ gửi con ra đồng lúa,
Để đưa cơm cho người đói đang chờ,
Đem thuốc thang cho người đang đau ốm,
Đem áo quần cho người đang trần trụi,
Đem mền đắp cho người rét đang run.
Lạy Chúa, xin cứ gửi con vào thôn xóm,
Đem an hòa cho những ai bất thuận,
Đem yên bình cho kẻ sống âu lo,
Đem ủi an cho người đang sầu khổ,
Đem niềm vui cho những ai bất hạnh,
Lạy Chúa, xin cứ dùng con làm tất cả,
Cho mọi người được hạnh phúc an vui.
Còn phần con, xin gửi hết nơi Ngài,
Là Thiên Chúa, là tình yêu, là lẽ sống
Ngài cho con tất cả niềm hy vọng,
Để tin yêu mà vui sống trọn đời.

(Một linh mục DÒNG TÊN)

THỨ NĂM TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 3,7-12
"Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân,
khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người."
(Mc 3,10)

 Đoạn Tin Mừng cho thấy ảnh hưởng của Chúa Giêsu lúc bấy giờ rất lớn: Từ miền Giuđê, từ Jêrusalem, từ xứ Iđumê, từ vùng bên kia sông Giođan và vùng phụ cận hai thành Tia và Siđôn, người ta lũ lượt đến với Người.
Người ta đến từ mọi miền, các thành Do Thái cũng như các thành ngoại giáo, không biết bao nhiêu ngàn người mà kể.
Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là động cơ nào đã khiến người ta đến với Chúa đông như thế. Có nhiều động cơ nhưng theo như cách Chúa hành xử trong bài Tin Mừng hôm nay, thì có lẽ đa số người ta đến với Chúa vì động cơ vụ lợi và vật chất. Chính vì thế, nên khi ma quỷ muốn làm cho người ta hiểu Chúa Giêsu là một nguồn lợi vật chất, thì chính Chúa Giêsu đã phải tìm cách lánh xa và ngăn cấm.
Kinh nghiệm dạy cho chúng ta biết rằng, khi chúng ta đến với Chúa mà lòng còn đầy dẫy những toan tính vụ lợi thì chắc là Chúa sẽ không vui, nhưng khi chúng ta thực tâm đến với Chúa với lòng tin tưởng và yêu mến, thì chẳng bao giờ Chúa để cho chúng ta phải ra về với hai bàn tay trắng.(Phophecy Monthly). Thế nhưng, thử hỏi có được mấy khi chúng ta đến với Chúa chỉ vì lòng tin tưởng và yêu mến Ngài như thế.
Phải nhận rằng, trong cuộc sống, việc con người đến với Chúa thường bị chi phối bởi rất nhiều động lực có tính cách trần thế. Tại sao như vậy? Thưa, vì bản tính con người chúng ta vốn ích kỷ. Lòng ích kỷ đã biến chúng ta thành những con người chỉ biết nghĩ đến mình mà không cần biết đến những người khác. Tệ hơn nữa là nhiều khi chúng ta còn coi Thiên Chúa thành một nguồn lợi –
 Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được hiểu Chúa rõ hơn, để từ đó chúng ta biết đến với Chúa và sẵn sàng theo Chúa bằng tất cả tấm lòng thành của chúng ta.
Vâng! Giêsu là Đấng quí giá nhất cho mỗi người chúng ta. Chúa phải là tất cả cho mỗi người chúng ta. 
Hiểu được như thế, chúng ta sẽ đến với Chúa bằng những động lực khác. Sẽ không còn những tính toán ích kỷ và những lý do hoàn toàn trần thế, nhưng sẽ là với lòng tin kính, mến yêu và tha thiết gắn bó với Chúa để rồi sau đó chúng ta sẽ thấy: Cuộc đời tất cả là hồng ân Chúa ban và chúng ta sẽ dùng những hồng ân đó để cảm tạ và làm vinh danh Chúa.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, khi đến với Chúa,chúng con thường mang mặt nạ để che giấu cái trống rỗng bên trong.

Xin Chúa giúp chúng con biết nhìn vào cuộc sống của Chúa để xây dựng cuộc đời của chúng con
để mỗi ngày được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa. Amen.

THỨ TƯ TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 3,1-6
Người bảo anh bại tay:
"Anh giơ tay ra!" Người ấy giơ ra,
và tay liền trở lại bình thường." (Mc 3,5)

 Đứng trước cùng một sự kiện mà cái nhìn của Chúa Giêsu và cái nhìn của những người Pharisêu khác nhau.
Những người Pharisêu thì chỉ thấy những khoản luật về ngày Sabat. Còn Chúa Giêsu thì khác, Ngài thấy rõ trong hội đường ngày hôm ấy có một người bị khô bại một tay. Ngài thấy những đau khổ của anh. Ngài rất thương anh nên muốn cứu anh.
Hai lối nhìn đưa đến hai cách hành động khác nhau.
 "Ngày Sabat, được phép làm điều lành hay điều dữ" (Mc 3,4).

Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, Xin biến đổi cái nhìn của chúng con nên giống như cái nhìn của Chúa.
Xin biến đổi trái tim chúng con thành trái tim biết yêu thương như Chúa. Amen.

THỨ BA TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 2,23-28
Người nói tiếp: "Ngày Sabat được tạo nên cho con người,
chứ không phải con người cho ngày Sabát." (Mc 2,27)

 Cuộc sống con người ở trên đời, muốn tốt đẹp thì phải có luật pháp.
Tự nó, luật pháp khi phục vụ ích chung thì tốt đẹp. Nhưng trong thực tế luật đã bị lạm dụng vì nhiều mục đích, nhiều khi rất tầm thường.
Chính vì thế mà chúng ta thấy có một sự khác biệt rất lớn giữa cái nhìn của Chúa Giêsu và cái nhìn của những người luật sĩ và Pharisêu về vấn đề này.Cái nhìn của Chúa Giêsu thì  khoan dung quảng đại, còn cái nhìn của những người luật sĩ và Pharisêu thì hẹp hòi và nhiều lúc nhỏ nhen đến ti tiện.
Xã hội nào mà chẳng phải có luật pháp.
Khi muốn thành lập dân Israel dưới chân núi Sinai, lúc đầu Chúa đã ban cho họ một bộ luật gồm 10 điều răn, được khắc trên hai bia đá và rồi với thời gian, cùng với sự tiếp xúc với các nền văn hóa chung quanh, người Do Thái đã từ từ hình thành một bộ luật rất chi tiết, chi phối cả cuộc sống và mọi hành động của người dân. Bộ sách luật ấy người Do Thái gọi là Torah. Sách gồm 5 quyển, dầy 250 trang, chứa 613 khoản luật chia ra 365 khoản cấm (tương đương số ngày trong một năm) và 248 khoản buộc (tương đương số lượng các khúc xương trong cơ thể con người).

THỨ HAI TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 2,18-22
"Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ,
Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!" (Mc 2,22)


Ăn chay cầu nguyện
 Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta thấy ăn chay có một tầm quan trọng đối với người xưa. Ăn chay sám hối có thể làm xiêu lòng Thiên Chúa. Trường hợp của vua Đavid là một ví dụ: Sau khi phạm tội, nhờ ông biết hối lỗi, ăn chay sám hối mà Chúa đã tha cho ông; nhờ ăn chay đền tội mà Ninivê được Chúa tha thứ.
Trong Kinh Thánh Do Thái, chúng ta thấy người xứ Palestine ngày xưa ăn chay bằng cách nhịn ăn từ sáng cho đến chiều (Ge 3,7-8;1Sm 14,24 ).
Với người Công giáo, trước thập niên 50, chúng ta vẫn còn giữ chay bằng cách không ăn gì từ nửa đêm hôm trước cho tới khi rước lễ. Hiện nay, chúng ta chỉ còn buộc ăn chay cùng với việc kiêng thịt mỗi năm có 2 lần theo quy định chung: thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh. Còn các ngày Thứ Sáu luật vẫn buộc kiêng thịt, nhưng nếu có nhu cầu chính đáng thì không buộc nhưng phải làm một việc đạo đức nào đó để thay thế.
Ngày nay, các nhà khoa học cũng kêu gọi ăn chay! Thật thế, mỗi khi bác sĩ muốn xét nghiệm máu để kiểm tra sức khỏe, họ buộc bệnh nhân phải nhịn ăn kiêng uống ít nhất là 4 giờ đồng hồ trước khi lấy một ít máu đem thử. Và người bệnh thì chấp nhận ngay, không một chút cật vấn phàn nàn.
"Ăn chay nhà đạo" của chúng ta cũng thế, cũng có mục đích chữa trị và chăm lo sức khỏe phần hồn của mỗi Kitô hữu, nhưng nhất là để kéo chúng ta ra khỏi bản thân chúng ta, mà sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của mình với người khác.
 Nhưng vấn đề ở đây là ăn chay lúc nào, với tinh thần nào? Rượu mới phải đổ vào bầu da mới. Trong bữa tiệc cưới, chẳng ai lại bắt người dự tiệc ăn chay.
Hai người biệt phái và thu thuế lên Đền thờ cầu nguyện. Người biệt phái "khoe" với Chúa là ông ăn chay mỗi tuần tới hai lần. Còn người thu thuế chỉ cúi đầu xuống thành khẩn xin Chúa tha thứ. Chúa khen ai thì hẳn mỗi người chúng ta đều nhớ.
Như vậy, ăn chay đâu phải chỉ là mặc áo nhặm, đánh tội, đeo xiềng xích, ăn cơm với tro, nằm đất, nhịn ăn nhịn uống mà còn phải là biết dấn thân chia sẻ với người nghèo, biết sống tha thứ nhịn nhục, sống khoan dung với những người không làm vừa ý mình, sống can đảm, sống xứng đáng với ơn gọi của một người theo Chúa dù có phải trải qua những thử thách hay gian nan khốn khó.
Hơn nữa sống tha thứ, sống từ bỏ ý riêng, sống khoan dung, cách sống như trên nhiều khi còn khó hơn là nhịn ăn một vài bữa; thông cảm và chia sẻ với người nghèo, người yếu đuối nhiều khi còn khó hơn cả đánh tội. Chúa Giêsu cũng như Hội Thánh mời gọi chúng ta đi vào con đường ăn chay đó.

Lạy Chúa, xin tha thứ tội lỗi cho chúng con. Amen.

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Chúa Nhật Tuần 2 TN Năm C


Khung cảnh Chúa chọn để biểu lộ uy quyền của Người ra hôm nay là một khung cảnh có tính cách xã hội loài người: Một bữa tiệc cưới. Đám cưới mà Tin Mừng ghi lại hôm nay xẩy ra tại Cana, cách quê hương Nagiareth của Chúa khoảng 14 cây số.
Chúa Giêsu và Đức Mẹ đều có mặt trong tiệc cưới này.
Đám cưới của người Do Thái thường kéo dài 3-4 ngày. Có khi kéo dài cả một tuần.
Vì là một xứ trồng nho nên người Do thái có nhiều rượu nho. Trong các bữa tiệc và đặc biệt là trong những bữa tiệc có tính cách quan trọng như tiệc cưới thì rượu là một thứ bắt buộc phải có và có một cách dồi dào.
Chúng ta không biết đám cưới bài Tin Mừng hôm nay kể lại đã chuẩn bị như thế nào nhưng chỉ biết là bữa tiệc vui đang nửa chừng thì hết rượu. Mà hết rượu giữa một bữa tiệc vui như thế đối với người Do thái là một điều ô nhục không thể tha thứ được.
Tin Mừng không cho chúng ta biết cô dâu và chú dể có biết sự việc này hay không nhưng Tin Mừng cho chúng ta biết thật rõ sự can thiệp của Đức Mẹ.
Khi khám phá ra sự việc có thể gây nên sự ô nhục cho đôi tân hôn giữa ngày vui của họ như thế, Đức Mẹ đã đến ngay với Chúa Giêsu. Chỉ bằng một vài lời Đức Mẹ đã cho Chúa biết sự việc đang diễn ra rất xấu cho đôi tân hôn.
Thoạt đầu thái độ của Chúa xem ra có vẻ thật lạnh nhạt. Thế nhưng hình như Đức Mẹ không để ý đến điều đó.
Thời giờ không cho phép trần chừ. Đức Mẹ ra lệnh cho những người giúp việc: "Người bảo gì thỉ phải làm theo"
Và quả thực Chúa đã ra lệnh. Nước được đổ đầy các chum - và khi múc nước đưa cho người quản tiệc - nước đã hóa thành rượu. Thật là tuyệt vời.
Và thánh Gioan tác giả của bài Tin mừng hôm nay không quên ghi chú cho chúng ta biết một chi tiết rất nhỏ nhưng cũng rất đặc biệt này: Đây là Pháp lạ đầu tiên Chúa Giêsu đã làm tại Cana xứ Galilêa và các môn đệ Người đã tin Người. Đây không phải là một ghi chú có tính cách ngẫu nhiên nhưng là một ghi chú có dụng ý như tôi sẽ trình bày cùng anh chị em sau đây.

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

THỨ BẢY TUẦN I THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 2,13-17
Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi!"
Ông đứng dậy đi theo Người."
(Mc 2,14)

 Chúa Giêsu kêu gọi Lêvi làm môn đệ Ngài:
Chúa kêu gọi ông đang lúc ông ngồi ở bàn thu thuế. Tất cả những người thu thuế như ông đều bị liệt vào hạng những người tội lỗi công khai. Lêvi biết rất rõ điều đó. Ông bị mọi người khinh dể, khai trừ và tránh xa.
Với mọi người thì là như thế nhưng với Chúa Giêsu thì khác. Chúa đã không chê ông mà còn chọn ông làm môn đệ Ngài. Tin mừng cho chúng ta thấy:
 Chính Chúa Giêsu đến với ông để chọn ông, chứ không phải ông đến với Chúa. Ngài gọi ông "Hãy theo Ta". Ông liền đứng dậy theo Ngài.
Việc Chúa Giêsu chọn một người thu thuế như Lêvi làm môn đệ đã đem lại sự vui mừng sung sướng chẳng những cho chính Lêvi mà còn cho cả những người thu thuế khác. Chính vì thế mà họ đã dọn một bữa tiệc để ăn mừng.
Đứng trước sự việc đó, một số luật sĩ và biệt phái đã chỉ trích Chúa,nhân dịp này Chúa đã cho mọi người biết Ngài chính là "Thầy thuốc" đến trần gian để cứu chữa những người tội lỗi.
Thử hỏi qua câu chuyện này chúng ta rút ra được bài học gì cho chúng ta?
Trước hết, câu chuyện cho chúng ta thấy, cái nhìn của Chúa Giêsu đối với một con người, khác với cái nhìn của con người với nhau.
Chúa Giêsu  Ngài có một cái nhìn đặc biệt về Lêvi mà những người khác không có. Chúa đã nhìn thấy trong Lêvi có một thiện chí. Ngài đã gọi ông và quả thực Ngài đã không lầm. Cuộc đời sau này của Lêvi  Mathêo cho chúng ta thấy điều đó.
Rõ ràng là Chúa biết rất rõ về con người của Lêvi, nhưng Chúa không chấp.

Vâng! Có những lúc, bạn cần phải biết rằng mình chỉ là một hạt cát bình thường, chứ chưa phải là một viên ngọc trai quý hiếm. Nếu bạn muốn trở nên xuất sắc và nổi trội, thì cần phải nỗ lực làm cho bản thân biến thành viên ngọc trai đã.

THỨ SÁU TUẦN I THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 2,1-12
"Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy,
vác lấy chõng của con mà đi về nhà!"
(Mc 2,11)

 Nghe câu chuyện Tin Mừng kể hôm nay, hầu hết chúng ta chỉ để ý đến người bất toại, mà ít người nghĩ đến 4 người đã khênh người bất toại đến với Chúa Giêsu.
Bốn người này, tuy là những nhân vật phụ, nhưng lại là những nhân vật không kém phần quan trọng. Vì nếu thiếu họ, chắc chắn người bất toại đã không có cách nào để đến được với Chúa.
Qua việc khiêng người bất toại, ta thấy những người này, vừa bày tỏ một niềm tin sáng chói vừa biểu lộ một đức ái nhiệt thành. Thực vậy, nếu không tin vào quyền năng của Chúa, thì những người này đâu có phải vất vả khiêng người bất toại đến với Chúa như thế. Hơn nữa, họ lại phải làm một việc xem ra không được lịch sự cho lắm. Đó là khi thấy đám đông cản lối của họ, họ đã phải khiêng người bất toại lên mái nhà. Những ngôi nhà tại Do Thái thời đó đều có mái bằng có thể leo lên được bằng một cầu thang ở phía ngoài. Việc dời ngói, gỗ, và lá lợp trên mái để tạo một khoảng đủ rộng để thả người bất toại xuống không khó khăn gì lắm. Ở đây, chúng ta phải khâm phục những người này. Họ đã quan tâm sâu sắc đến bạn mình và mong muốn nhìn thấy người ấy được cứu giúp. Họ không chỉ "cầu nguyện về điều này", nhưng còn hành động song song với những lời cầu nguyện đó.

THỨ NĂM TUẦN I THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 1,40-45
Người chạnh lòng thương
giơ tay đụng vào anh và bảo:
"Tôi muốn, anh sạch đi!"
(Mc 1,41)

 Ngày xưa cũng như ngày nay, số phận của những người mắc căn bệnh này rất đáng thương.
Người cùi trong bài Tin Mừng hôm nay sống nhưng kể như đã chết. Rất may anh đã gặp được Chúa. Và anh đã tin chỉ có Chúa mới có thể cứu anh. Anh tin thật mãnh liệt nên anh đã nói lên lời van xin của anh với Chúa một cách rất mạnh mẽ. "Lạy Thầy, nếu thấy muốn, thầy có thể chữa tôi nên sạch"(Mc 1,40). Chỉ cần Chúa muốn là được tất cả. Và Chúa đã trả lời. Chúa muốn và lập tức bệnh cùi biến mất. Một kết quả hết sức tuyệt vời.
Vâng, đức tin là như thế. Đức tin đem lại những thành tựu thật lớn cho con người tin.
Một bà già kia đã có tuổi đi từ Buffalo đến thăm con gái tại Cleveland trên một chiếc tàu chở khách.
Khi tàu đang chạy giữa biển thì bão tố xảy đến. Ai nấy đều hốt hoảng, lo sợ. Chỉ duy có bà vẫn tỏ ra rất bình tĩnh. Bà vẫn ngồi, cúi đầu cầu nguyện.
Lúc trận bão qua rồi, nhiều người đến hỏi vì sao bà giữ được sự bình tĩnh trong cơn nguy biến như vậy. Bà đáp:
- Tôi có hai người con gái. Một đứa đã qua đời đang ở với Chúa trên Thiên Đàng, còn một đứa ở Cleveland. Trong cơn bão tố, tôi không biết mình sắp gặp đứa nào, nếu phải qua đời, tôi sẽ gặp đứa ở thiên thượng, còn nếu bình yên vô sự, tôi sẽ gặp đứa đang ở đó. Cả hai đều là con yêu dấu của tôi, dù gặp con nào tôi cũng vui mừng sung sướng cả. Vì vậy, trong cơn nguy biến, tôi chỉ chờ đợi mà không lo sợ chút nào.
Chúng ta còn nhớ đã có lần Chúa chữa cho 10 người mắc bệnh cùi. Chúa bảo họ đi trình diện với thầy tư tế. Đang khi đi dọc đường thì họ được sạch. Trong 10 người đó chỉ có một người trở lại tạ ơn Chúa. Người cùi trong bài Tin Mừng hôm nay cũng vậy. Mặc dầu đã bị Chúa nghiêm cấm, thế nhưng, anh ta cảm thấy mình không thể không nói lên lời cám ơn. Thế là anh đã cất cao lời tôn vinh Chúa và loan báo về Chúa cho mọi người.

Cầu nguyện : Xin mở miệng lưỡi con, để con luôn Tôn Vinh Chúa Trong mọi hoàn cảnh Đời on Amen

THỨ TƯ TUẦN I THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 1,29-39
"Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy,
đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó."
(Mc 1,35)

 Nhìn lại một ngày làm việc của Chúa Giêsu, ta thấy Ngài rất bận: giảng ở Hội đường (câu 21) ; giảng xong, chữa một người bị quỷ ám (cc 23-28); rời hội đường, Ngài đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon Phêrô (cc 29-32) ; chiều đến chưa kịp nghỉ ngơi người ta lại đem các bệnh nhân tới và Ngài lại cứu chữa (cc 32-34) ; Sáng sớm hôm sau, khi trời còn tối mịt, Ngài thức dậy sớm đi đến một nơi hoang vắng để cầu nguyện (c 35), rồi lại bắt đầu một ngày mới cũng hết sức bận rộn. Dù rất bận rộn, nhưng Chúa Giêsu vẫn dành thời giờ để cầu nguyện; dù bị đám đông ồn ào bao vây suốt ngày, Chúa Giêsu vẫn có cách tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện. Tại sao Chúa làm thế? Thưa, vì cầu nguyện là việc hết sức cần thiết.
 Tác giả cuốn "Đường Hy Vọng" viết: "Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa" (ĐHV 118).

THỨ BA TUẦN I THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 1,21b-28
"Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền,
chứ không như các luật sĩ." (Mc 1.22)

 Vâng, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai của Chúa bằng việc giảng dạy. Và Tin Mừng bảo, Chúa giảng dạy như một Đấng có uy quyền chứ không như các luật sĩ. Tại sao lại có sự khác biệt như thế?
Thưa, vì khi giảng dạy, các Rabbit Do Thái phải dựa theo truyền thống cha ông chứ không dám có ý kiến riêng; còn Chúa Giêsu thì Ngài lấy chính sứ điệp của mình ra để giảng dạy. Lời của Ngài chính là cuộc sống. Ngài dạy những gì Ngài sống. Ngài dạy một cách xác tín vì Ngài đang sống như thế, chính vì vậy mà Lời dạy của Ngài có hấp lực mạnh mẽ và đầy uy quyền.
Ngoài việc giảng dạy như một Đấng có uy quyền chúng ta còn thấy Chúa mang trong mình một sức mạnh lạ lùng. Dân chúng khi thấy uy quyền của Chúa như vậy đã phải kinh ngạc thốt lên: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh" (Mc 1,27).
Cầu nguyện : Lạy Chúa là Chúa toàn năng, mọi sự đều qui phục uy quyền Chúa và không ai có thể chống lại ý Chúa.

Xin Chúa đừng chê chúng con là gia nghiệp Chúa, xin dùng uy quyền của Chúa mà thánh hoá chúng con, để đời đời chúng con ca ngợi danh Chúa. Amen.

THỨ HAI TUẦN I THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa : Mc 1,14-20
"Thời kỳ đã mãn,
và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.
Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."
(Mc 1,15)


Sứ điệp Chúa muốn rao giảng: "Nước Thiên Chúa đã đến gần" (Mc 1,15). Vâng, đó là sứ điệp của Chúa Giêsu. Nước Trời hay Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng không phải là cuộc cách mạng chính trị như phần lớn người Do Thái bấy giờ nghĩ đến, nhưng đó là sự ngự trị của Ngài trong đời sống của những ai tin nhận Ngài. Sứ điệp của Chúa nhằm kêu gọi mọi người ăn nănđặt niềm tin nơi Ngài, và bước đi theo Ngài.
Sứ điệp ấy ngày nay vẫn còn phải được tiếp tục rao truyền cho mỗi người chúng ta, cho đến khi chúng ta để cho Ngài chiếm hữu trọn vẹn mọi khía cạnh của đời sống, hầu chúng ta có thể thấy, có thể cảm nghiệm được Nước Trời ngay trên trần thế này. chúng ta cũng phải biết nói tiếng "Vâng" như Mẹ Maria.

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016

CHÚA CHỊU PHÉP RỬA



“Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.” (Lc 3,16)
Phúc âm hôm nay nhắc tới ba dạng Phép rửa khác nhau:
 Phép Rửa thứ nhất là Phép Rửa bằng nước. Đây là Phép Rửa của Gioan. Phép rửa của Gioan là Phép Rửa sám hối.
Phép rửa này là bước đầu tiên trong một cuộc hành trình dài. Nó chỉ là một dấu hiệu, một khởi điểm.
Gioan đã làm sáng tỏ điều này khi ông nói: "Tôi làm phép rửa bằng nước để làm dấu hiệu cho thấy anh em đã ăn năn sám hối - Nhưng có một Đấng đến sau tôi sẽ rửa anh em bằng Thánh Linh và bằng Lửa. Ngài cao trọng hơn tôi. Tôi chẳng xứng đáng cúi xuống cởi dây dép cho Người.” (Mt 3,11)
Nói một cách khác, theo Gioan thì Phép rửa của ông chỉ là chuẩn bị cho Phép rửa bằng Thánh Linh của Đức Giêsu. Vào cuối đời Chúa đã nói với các môn đệ như thế này: "Các con hãy đi đến với mọi người trên khắp thế gian, rao giảng cho họ về Nước Trời, rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19).

THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH

Lời Chúa : Ga 3,22-30
"Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,30)
 Một lần nữa chúng ta lại gặp ông Gioan. Ngày mai Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu Phép Rửa chúng ta gặp lại ông một lần nữa. Có thể nói mỗi lần ông xuất hiện là mỗi lần ông để lại những dấu ấn rất đậm đà và đẹp đẽ nơi những người đến với ông. Ông quả là người xứng đáng với vai trò Tiền Hô của Chúa Cứu Thế.
Thực vậy, đang lúc mà tiếng tăm của ông lẫy lừng, người ta lũ lượt đến với ông, để xin ông làm Phép Rửa cho họ, rồi lại còn muốn suy tôn ông lên làm Đấng Messia, thì chính lúc đó ông đã không ngần ngại tuyên bố: "Tôi là tiếng kêu trong sa mạc, hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối Người đi" (Mt 3,3).
Gioan cũng không quên xác định thật rõ chỗ đứng của mình bên cạnh Đấng Messia: “Có một Đấng đến sau tôi, nhưng Ngài có trước tôi và tôi không đáng cởi dây giầy cho Ngài”. (Lc 3,16)
Ông làm tất cả những điều ấy với một mục đích duy nhất đó là để cho "Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,30)

THỨ SÁU SAU LỂ HIỂN LINH

Lời Chúa : Lc 5,12-16
Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo:
"Tôi muốn, anh sạch đi.” (Lc 5,13)

Thánh Luca đã ghi lại việc Chúa tỏ mình ra ở đây qua câu chuyện Chúa chữa một người phong cùi.
Thánh sử ghi: “Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: Ta muốn - hãy nên sạch. Lập tức người ấy khỏi phong cùi.” (Lc 5,12)
Rõ ràng là ở đây, Chúa Giêsu đã tỏ ra cho con người thấy quyền năng của Chúa. Bởi chỉ bằng một ý muốn, một lời nói, Ngài đã chữa lành người phong cùi.
 Chúa Giêsu của chúng ta ngoài việc tỏ mình ra là một Thiên Chúa quyền năng, Chúa còn tỏ ra cho ta thấy, Ngài là một Thiên Chúa giầu lòng thương xót. Lòng thương xót này còn được chứng tỏ qua việc Ngài lấy máu của mình để chuộc tội cho những ai biết tin vào Ngài.
Hơn nữa, Đấng quyền năng ấy, còn là một Thiên Chúa luôn biết cảm thông. Bản chất yêu thương của Chúa đã khiến Ngài muốn cảm thông với thân phận con người.
Phần chúng ta, là những người được hưởng lòng thương xót một cách nhưng không của Chúa, chúng ta cũng phải biết đem tình thương của mình mà ban phát cho những anh chị em chung quanh chúng ta, bằng cách chia sẻ và gánh lấy những gánh nặng cho nhau.

Vâng! Bầu trời bé nhỏ của chúng ta đã về trời! Ôi đẹp biết chừng nào tình yêu biết chia sẻ cho nhau.

THỨ NĂM SAU LỄ HIỂN LINH

Lời Chúa : Lc 4,14-22a
"Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 14,22)
 Trong bầu khí của lễ Hiển Linh, phụng vụ Lời Chúa trong tuần lễ sau lễ Hiển Linh lần lượt cho chúng ta thấy những lần Chúa Giêsu tỏ mình ra.
Thực vậy, trong ngày thứ hai, qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã cho thấy chính con người của Ngài. Ngài là hiện thân cho Nước Trời. Bởi đó, khi rao giảng Ngài đã tuyên bố: “Hãy ăn năn thống hối vì Nước Trời đã đến gần”. (Mt 3,2)
Bước qua ngày thứ ba, Chúa Giêsu tỏ mình ra là người mục tử nhân lành. Người mục tử nhân lành này đã quan tâm đến đời sống của đoàn chiên. Bởi đó, Ngài đã dậy dỗ họ nhiều điều và làm phép lạ bánh hoá nhiều để nuôi đoàn chiên.
Rồi qua ngày thứ tư, với bài Tin Mừng, Thánh sử Marcô đã tỏ cho chúng ta thấy, lối sống của Chúa Giêsu, một lối sống hoàn toàn quên mình. Chả thế mà, suốt ngày đã bận rộn với việc giảng dạy, thậm chí có những ngày không có thời giờ để ăn uống, nghỉ ngơi, vậy mà chiều đến, Chúa Giêsu vẫn tìm những nơi vắng vẻ để được kết hợp với Thiên Chúa Cha bằng sự cầu nguyện.

THỨ TƯ SAU LỄ HIỂN LINH

Lời Chúa : Mc 6,45-52
"Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6.51)
 Sứ mạng của các môn đệ là loan Tin Mừng khắp nơi. Bởi đó sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, mặc dù dân chúng có quyến luyến, mến phục các môn đệ, Chúa cũng “bắt” họ “lập tức” phải rời nơi đó để đi đến các nơi khác. Vâng! Nếu tình cảm nhân loại tự nhiên mà cản trở sứ mạng của chúng ta, thì dù nó có chính đáng đi nữa, ta cũng không nên quá quyến luyến để nó trở thành bận vướng.
Cuộc hành trình của các môn đệ (và cả của chúng ta) đôi khi cũng có những khó khăn nguy hiểm như đang đi trong bão táp. Cảm giác tự nhiên là chúng ta hoảng sợ. Sợ hãi như vậy không phải là một điều khó hiểu. Khi con người cảm thấy mình bất lực trước một biến cố hay một thách đố nào đó mà tự mình khó có thể đương đầu nổi hay khó có thể vượt qua thì tự nhiên là họ cảm thấy sợ. Nếu chỉ là một sự sợ hãi chóng qua thì chẳng có điều gì phải nói. Nhưng nếu cứ phải sống mãi trong sự sợ hãi triền miên, hay sự sợ hãi lên đến mức quá độ, thì chắc chắn cuộc sống con người sẽ bị ảnh hưởng.

THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH

Lời Chúa : Mc 6,34-44
"Ai nấy đều ăn và được no nê.” (Mc 6,41)
 Mở đầu bài tưởng thuật hôm nay, thánh Marcô viết: “Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì chạnh lòng thương xót họ, vì họ bơ vơ như chiên không có người chăn giữ” (Mc 6,34)
Vâng chính vì lòng thương xót đối với những đàn chiên không có người chăn giữ này, mà Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành, đã dấn thân phục vụ. Tin Mừng cho biết “Ngài đã giảng dạy họ nhiều điều.” (Mc 6,34)
Chúa Giêsu giảng dạy. Đây là công việc chính yếu trong cuộc đời công khai của Chúa.
Vâng! Nói về một Thiên Chúa gần gũi với con người đó là nhiệm vụ hàng đầu của những người rao giảng Tin Mừng.
 Thế nhưng giảng dạy mới chỉ là thoả mãn được một mặt của những nhu cầu mà những con chiên không người chăn giữ đang khao khát. Ngoài nhu cầu tinh thần đó ra, những chiên này còn cần đến cả những nhu cầu vật chất nữa. Vì thế, để tỏ ra là một mục tử nhân lành, Chúa Giêsu đã làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi những người đã đi theo Chúa và nghe Ngài giảng dạy.
Lòng thương xót của vị mục tử nhân lành ở đây là lòng thương xót phát xuất tự bản chất của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa, chính là “TÌNH YÊU”.
 Vâng! Thiên Chúa là Tình yêu. Tình yêu ấy được thể hiện qua sự quan tâm, chăm sóc, quan phòng và xếp đặt cho mọi sự trở nên tốt đẹp cho mọi người. Hãy mở rộng lòng để đón nhận tình yêu đó, chúng ta sẽ cảm nhận được sự kỳ diệu của Tình yêu Chúa dành cho chúng ta.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, Xin hãy dẫn dắt con đi từ cõi chết đến sự sống, từ lầm lạc đến chân lý.

Xin hãy dẫn dắt con đi từ ghen ghét đến yêu thương, từ chiến tranh đến hòa bình. Amen. (Mẹ Têrêsa)

THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH

Lới Chúa : Mt 4,12-17.23-25
"Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4,17)
Chúa Giêsu bắt đầu thi hành sứ mạng:
 Chúa Giêsu bắt đầu sứ mạng của Ngài lúc Gioan chấm dứt sứ mạng của ông. Chúa Giêsu đã chọn Galilê làm cứ điểm đầu tiên hoạt động truyền giáo. Chúa Giêsu đã không chọn Jêrusalem là thành thánh, là Đền thờ, là nơi các tiên tri lui tới, là nơi Đavid cũng đã dựng ngai tòa ở đây (1Sm 5,9), và cũng ở chính nơi đây tay Hêrôđê đã tái thiết lập đền thánh này. Chúa Giêsu chỉ trở lại Jêrusalem sau khi đụng đầu với Galilê từ chối không tin Ngài (Mc 6,1-6. 9-30). Và Chúa lên Jêrusalem để hoàn tất hy tế Thập Giá tại đó (Mc 10,32) như lời Thánh Kinh (Mc 11,1-11).
Tại Galilê này, Chúa Giêsu đã chọn cứ điểm truyền giáo đầu tiên là Capharnaum. Capharnaum là một thành phố miền duyên hải gần biển hồ Tiberia. Capharnaum cách Nazareth, quê mẹ Chúa, chừng 30 cây số đường dài. Capharnaum là trung tâm hoạt động của Chúa. Chúa đến đây để kêu gọi sự thống hối. Nơi đây Chúa đã làm rất nhiều phép lạ: trừ quỉ ám (Mc 1,23-28), chữa bệnh sốt rét cho bà nhạc của Phêrô (Mc 1,29-31), cho con ông Giairô sống lại (Mc 5,21-43). Marcô còn ghi chú thêm là Chúa làm phép lạ chữa đủ mọi thứ bệnh: quỉ ám, kinh phong, bất toại đều được lành.