Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh

LỄ CHÚA HIỂN LINH
Mt 2,1-12
1 Ðức Yêsu đã sinh ra tại Bêlem xứ Yuddê, thời vua Hêrôđê, thì này: những đạo sĩ tự phương Ðông đến Yêrusalem 2 nói rằng: "Vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài bên trời Ðông và chúng tôi đến yết bái Ngài." 3 Nghe vậy, vua Hêrôđê hoảng hốt người lên và cả thành Yêsusalem làm một với ông. 4 Ông cho triệu tập các thượng tế và ký lục của dân mà hỏi họ cho biết: Ðức Kitô phải sinh ra ở đâu. 5 Họ thưa: "Tại Bêlem xứ Yuddê, vì đã được tiên tri chép thế này:
6 "Và ngươi, Bêlem, đất thuộc Yudda,
hẳn ngươi không phải là nhỏ nhất
trong hàng bộ lạc Yudda,
vì tự ngươi: sẽ xuất hiện vị thủ lĩnh,
kẻ sẽ chăn dắt Israel dân Ta".
7 Bấy giờ Hêrôđê bí mật cho mời các đạo sĩ mà hỏi kỹ về thời ngôi sao xuất hiện, 8 rồi sai họ đi Bêlem và bảo: "Các ông hãy đi dò hỏi tường tận về Hài nhi; vàkhi đã tìm thấy, thì hãy báo lại cho trẫm, để trẫm cùng đi yết bái Ngài". 9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi, và này ngôi sao họ đã thấy bên trời Ðông đi trước họ cho đến khi dừng lại trên nơi có Hài nhi. 10 Thấy ngôi sao, họ hớn hở vui mừng quá đỗi. 11Và vào nhà, họ thấy Hài nhi cùng Maria mẹ Ngài, và họ phục mình xuống yết bái Ngài; đoạn mở tráp báu họ dâng Ngài lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. 12 Và được mộng báo: đừng trở lại với Hêrôđê, thì họ đã theo đường khác mà về quê.

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

NGÀY MỒNG 02 THÁNG GIÊNG

Lời Chúa : Ga 1,19-28
Ông nói:
"Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi,
như ngôn sứ Isaia đã nói." (Ga 1,23)

Qua cuộc đối thoại giữa Gioan Tẩy Giả và những người hỏi ông, chúng ta học được ở nơi Gioan những đức tính gì?
 Trước hết ta thấy ông là một người rất thành thật.
Người thành thật là người có thì nhận, không thì nhất định không nhận. Có nói có, không nói không. Đức tính thành thật là một trong những đức tính căn bản làm nên tư cách của con người. Đức tính này ngày nay cũng rất cần cho cuộc sống của chúng ta. 
Thứ đến ông là người rất khiêm nhường.
Khiêm nhường là một trong những đức tính quí hiếm trong xã hội hôm nay. Xã hội hôm nay, con người thích phô trương.
Đức cố Giáo Hoàng Gioan 23 kể lại một kinh nghiệm độc đáo của đời mình như sau: “Lúc tôi mới được bầu làm Giáo hoàng để lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng và sợ hãi trước một trách nhiệm quá lớn lao và nặng nề. Nhưng một đêm kia, trong giấc ngủ chập chờn không yên, tôi nghe có một tiếng nói phán bảo tôi: “Kìa Gioan, đừng tự xem mình là quan trọng!”
Tôi choàng tỉnh dậy, ngẫm nghĩ thấm thía về ý nghĩa giấc chiêm bao. Và kể từ dạo ấy, tôi đã cố gắng áp dụng câu nói này trong đời tôi, trong mọi công việc của Giáo Hội mà tôi phải giải quyết mỗi ngày. Đừng tự xem mình là quan trọng! Và thật sự, tôi đã ăn ngon ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo hoàng.

NGÀY MỒNG 1 THÁNG GIÊNG

Đức Maria Là Mẹ Thiên Chúa.
Lời Chúa : Lc 2,16-21
"Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi,
họ gặp bà Maria, ông Giuse,
cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ."
(Lc 2,16)

Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Đây là một trong những hồng ân mà Thiên Chúa dành cho Đức Maria, Mẹ của chúng ta.
 Đây là việc của Thiên Chúa, là sáng kiến của Thiên Chúa chứ không phải do công nghiệp gì của Đức Mẹ,
- Ngay từ những trang đầu của sách Sáng Thế Ký: Thiên Chúa đã báo trước cho chúng ta thấy về hình ảnh của một người phụ nữ. "Ta sẽ gây một mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó."(St 3,15)
- Trong  Isaia 7,10-14 Giavê lại nói với Akhar lần nữa rằng: "Hãy xin với Giavê, Thiên Chúa của ngươi một dấu, sâu nơi đáy thẳm âm phủ hay là cao vời vợi bên trên" - Nhưng Akhar nói:"Tôi đâu dám xin thế, Tôi không muốn thử sức Chúa tôi". Ngài mới nói: "Hỡi nhà Đavid, hãy nghe đây. Phải chăng làm mệt người ta, các ngươi còn cho là quá ít hay sao, mà các ngươi lại còn muốn làm mệt cả Thiên Chúa nữa? Cho nên chính Ta là Đức Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: Này một cô nương sẽ thụ thai và sinh con và bà sẽ gọi tên Con là Emmanuel".
Tuy là sáng kiến của Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa lại muốn con người cộng tác với Người. Đức Maria đã được Thiên Chúa đoái thương đến.
Mẹ đã nói lên lời: "Xin Vâng" và từ lời "Xin vâng" đó, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người và trở thành con-của-loài-người (Deus – Homo).
Đức Mẹ Maria là mẹ của Chúa Giêsu Thiên Chúa làm người cho nên Đức Mẹ trở thành Mẹ của Thiên Chúa.
Rồi trên cây Thánh Giá Chúa đã trối Đức Mẹ cho Thánh Gioan để Đức Mẹ trở thành Mẹ của cả loài người.
Cuộc đời có mẹ hạnh phúc lắm.
Tình thương của mẹ lạ lùng lắm
Cầu nguyện : Lạy Mẹ Maria, khi đọc Phúc Âm, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Ðường-Giêsu để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.Amen

NGÀY VII TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Lời Chúa : Ga 1,1-18
"Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta." (Ga 1,14)

  Tin Mừng hôm nay, xin dừng lại hai ý: Ngôi Lời là sự sống và Ánh sáng.
 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành. Điều được tạo thành nơi Người là sự sống. (Ga 1,3-4)
Sự sống là một mầu nhiệm. Sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Vâng! Sự sống của con người là do Thiên Chúa ban cho. Và khi tạo dựng nên vũ trụ, Thiên Chúa đã nhắm đến sự sống, và khi tạo dựng sự sống, Thiên Chúa nhắm đến việc tạo dựng con người, một con người giống hình ảnh Thiên Chúa.
Khi phạm tội, con người đã đánh mất đi sự sống thần linh của mình, và Ngôi Lời lại xuống thế làm người, để những ai đến với Người tìm lại được sự sống ấy. Chính trong Ngôi Lời mà ta có sự sống, vì thế muốn có sự sống thì ta phải đến với Lời của Thiên Chúa, tiếp xúc với Lời Chúa. Lời Chúa đã làm cho kẻ bệnh tật được lành, kẻ chết sống lại, và chỉ có Lời Chúa mới làm cho ta có sự sống thật mà thôi.

NGÀY VI TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Lời Chúa : Lc 2,36-40
"Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh,
đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa."

(Lc 2,40)

 Bà Anna đã đến tuổi “tri thiên mệnh” nên bà biết phải theo đuổi những gì cần thiết cho cuộc sống của mình. Đó là việc cầu nguyện, tu thân tích đức và mong chờ ơn cứu độ. Đây quả là một thái độ rất khôn ngoan trước mặt Chúa.
Vâng! Chúng ta vừa mừng kính mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Sinh làm người, lấy tên là Giêsu.
Qua biến cố Giáng Sinh, Thiên Chúa đã trao cho nhân loại một viên ngọc vô cùng quí giá, là Chúa Giêsu, để nhờ đó mà nhân loại được sống.
Thế nhưng thử hỏi có được bao nhiêu người trong nhân loại đã giơ tay ra để đón nhận lấy viên ngọc quí đó. Thánh Sử Gioan, trong bài tiền ngôn Tin Mừng của Ngài, Ngài đã đau xót nói lên rằng: “Người ở giữa thế gian, nhưng thế gian lại không nhận biết Ngài" (Ga 1,10). Và còn hơn thế nữa: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận Người" (Ga 1,11).
Chính vì thế “Ngài đã đến, nhưng Ngài lại phải ra đi".

NGÀY V TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Lời Chúa : Lc 2,22-35
"Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Israel Dân Ngài." (Lc 31-32)

 Qua câu chuyện trên đây chúng ta thấy muốn gặp Chúa thì người ta phải có điều kiện nào. Phải nói điều kiện đầu tiên là phải có lòng khao khát.
Cả cuộc đời cụ Simêon chỉ mong ước khao khát có một điều: Được gặp Chúa. Đây là một khát vọng rất lớn và hôm nay thì cụ đã được mãn nguyện. Chúng ta thấy cụ sung sướng đến mức độ như thế nào! Sung sướng đến mức độ không còn tha thiết gì với cuộc sống trên đời nữa. Lý do, bởi vì cụ đã được thấy Đấng Cứu Thế và biết rằng, thời đại Cứu Thế đã khai mở.
"Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân :
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Israel dân Ngài." (Lc 2,29-32)

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

CÁC THÁNH ANH HÀI

28 THÁNG 12
Lời Chúa : Mt 2,13-18
“Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ:
tiếng bà Rakhen khóc thương con mình.”

(Mt 2,18)

 Lịch sử cho chúng ta biết rằng, Hêrôđê là một bậc thày trong nghệ thuật ám sát. Vừa lên ngôi ông đã thủ tiêu các thành viên trong Tòa Án Tối Cao của người Do Thái. Sau đó ông tàn sát các nhân viên trong tòa án mà không cần suy tính trước. Về sau ông lại giết vợ là Mariamne và mẹ nàng là Alexandra. Ông giết luôn con trưởng là Antipater, hai con trai thứ là Alexandre và Aristobolus. Ông cũng đã sắp đặt trước để khi ông lâm chung thì cuộc tàn sát các nhân sĩ tại thành Jêrusalem sẽ được thực hiện. Vì thế Hêrôđê không thể nào lặng lẽ chấp nhận một ấu vương nào đó mới ra đời.

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Chúa Nhật LỄ THÁNH GIA THẤT 2015 NĂM C



Ngày 26/12: THÁNH STÊPHANÔ

Mt 10,17-22
"Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.
Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát."
(Mt 10,22)

 Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dặn dò các môn đệ ba điều: 
 Số phận những người theo Chúa là chịu bắt bớ như Ngài: Họ sẽ nộp anh em cho Hội Đồng. Nhưng trong những thử thách đó, người môn đệ cảm thấy được an ủi, vì đó là dịp làm chứng cho Thầy. Sau này sách Công vụ còn nói: Các Tông đồ hân hoan vì cảm thấy xứng đáng chịu khổ vì Chúa Kitô.
 Chúa Thánh Thần sẽ đồng hành với họ trong những cuộc bắt bớ và sẽ dạy họ phải nói gì trước những kẻ bắt bớ. Lý lẽ hùng hồn của Stêphanô đã minh chứng điều đó.
 Lời dặn thứ ba là nhiều khi chính những người thân thuộc sẽ bắt bớ họ, cũng như Chúa Giêsu đã chịu đồng bào mình lên án chết:  Anh sẽ nộp emcha nộp con cho ngươi ta giết.
 suy gẫm những lời dặn đò của Chúa hôm nay,  có cảm tưởng Chúa cũng đang dặn dò chúng ta như vậy:

GIÁNG SINH

(Lễ Ban Ngày)

Ga 1,1-18
"Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời,
và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa,
và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa." (Ga 1,1)
Lời nói thật quan trọng trong đời sống. Nhờ lời nói, ta có thể bộc bạch nỗi lòng. Nhờ lời nói, ta hiểu được người khác. Chúa Giêsu chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa đã thành xác phàm, trở nên một con người. Qua Hài nhi Giêsu trong hang đá Bêlem, ta hiểu được phần nào tâm tình của Thiên Chúa muốn ngỏ với loài người.
Lời của Thiên Chúa là Lời Yêu Thương. Một trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ. Đó là gì nếu không phải là tình yêu. Vì yêu thương Thiên Chúa đã muốn nói với nhân loại bằng chính ngôn ngữ của con người. Không phải chỉ nói bằng lời nói nhưng còn bằng cả thân xác. Lời Thiên Chúa trong thân xác trẻ thơ. Thật gần gũi. Thật yêu thương. Vì yêu thương Thiên Chúa đã vượt ngàn trùng để đến chia sẻ kiếp người. Nếu yêu thương là muốn ở gần và muốn hi sinh cho người mình yêu thì Chúa Giêsu bé thơ trong hang đá Bêlem chính là một lời yêu thương bằng xương bằng thịt. Một lời yêu thương có thể chạm tới được. Thân xác bé bỏng hôm nay rét run trong làn gió lạnh, mai sau sẽ run rẩy dưới những ngọn roi, co giật vì những nhát búa, tả tơi trên thánh giá. Tất cả đều là lời ngỏ của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại.

GIÁNG SINH

(Lễ Rạng Đông)

Kính thưa anh chị em,
Chúa Giêsu đã giáng sinh cho chúng ta. Trong giờ phút linh thiêng này , chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa những tâm tình của chúng ta.
Chúng ta cảm tạ Chúa vì Chúa đã thương chúng ta. Vì thương Ngài đã xuống thế làm người để cứu chuộc chúng ta và để dạy cho chúng ta biết sống một cuộc sống cao cả hơn. 
 Vâng Chúa đến để cứu chuộc chúng ta.
Thánh Augustinô đã diễn tả về vấn đề này thật hay:
"Tôi nói với anh em là Thiên Chúa đã làm người vì anh em
Nếu như Ngài không sinh ra, sự chết muôn đời vẫn rình chực anh em.
Nếu như Ngài, chính Ngài đã không trở nên giống như xác thịt tội lỗi,anh em sẽ không bao giờ được thoát khỏi xác phàm tội lụy này.
Nếu như Ngài không thi thố lòng thương xót, nỗi buồn khốn cùng của anh em sẽ không bao giơ nguôi.
Nếu như Ngài không đến để tận diệt sự chết, anh em sẽ không  được tái sinh.
Nếu như Ngài không đến để nâng đỡ, anh em sẽ sụp đổ.
Nếu hư Ngài không đến, anh em sẽ bị tiêu ma hủy hoại"
Đêm Giáng sinh Hài nhi Giêsu hiện ra với một vị ẩn tu: Thánh Giêrônimô.

Lễ GIÁNG SINH 2015

(Lễ Đêm)

Trong giờ phút linh thiêng thánh thiện này, chúng ta hãy trút bỏ mọi tâm tư trần tục để chú tâm vào màu nhiệm vừa được mạc khải cho chúng ta qua lời thiên thần: "Hôm nay, Chúa Kitô, Đấng Cứu thế đã giáng sinh cho anh em".
 Ngài giáng sinh một cách lạ lùng ư?
Không, Ngài sinh ra như mọi người. Ngài xuất hiện nhẹ nhàng trong đêm đông cô tịch. Ngài không tìm được một chỗ trong hàng quán. Phúc âm viết rõ như vậy. Thân mẫu Ngài đã hạ sinh Ngài trong nơi hang súc vật ngoài đồng vắng. Ngài đã khởi sự cuộc đời trong tinh thần từ bỏ, khó nghèo và đơn sơ và Ngài sẽ lớn lên trong tinh thần ấy. Với tấm thân đã chịu đựng được những thiếu thốn, khổ sở ngay từ khi được sinh ra, Ngài sẽ chẳng bao giờ coi tiện nghi vật chất làm quan trọng. Thiên Chúa giáng sinh làm người. Ngài không xuống trần để tìm kiếm của cải thế gian. Ngài không màng đến vàng bạc và phô trương giầu có. Ngài kêu gọi trước hết đám mục đồng đang thức canh đàn vật trong đêm tối.
Khi vào hang đá đúng như lời chỉ dẫn của thiên thần, họ chỉ thấy một hài nhi mới sinh bọc trong khăn vải và nằm trong máng cỏ. Thiên Chúa giáng sinh vẫn giữ một cung cách khiêm tốn, thanh bần và bình dị.

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

NGÀY 24 THÁNG 12

Lời Chúa : Lc 1,67-79
"Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel
đã viếng thăm cứu chuộc dân Người." (Lc 1,68)
 Bài ca của Giacaria gồm những ý lớn sau đây:
* Thiên Chúa đã thực hiện Lời hứa Cứu độ mà Ngài đã hứa từ ngàn xưa với các tổ phụ và qua miệng các ngôn sứ.
* Hôm nay Con Thiên Chúa là “Vầng Đông” đã xuất hiện, mở màn một kỷ nguyên mới.
* Gioan sẽ là Tiền Hô cho Ngài: mở lối cho Ngài đi, và báo tin vui cứu độ cho nhân loại.
Trong lời kinh trên đây, Giacaria như đại diện gia tộc và dân Israel tán tụng lòng từ bi của Thiên Chúa bắt đầu từ việc cứu rỗi muôn dân. Đối với dân Do Thái đã hơn ngàn năm trông đợi qua các tiên tri, giờ đây họ cảm thấy nỗi khát mong tột độ đã chín mùi. Đối với nhân loại phải trải qua những chuỗi thế kỷ dài đằng đẵng đến tuyệt vọng vì tội lỗi, thì lòng họ như những thửa đất ruộng nứt nẻ hạn hán chờ mùa mưa, họ như bệnh nhân ung thư chờ ngày được giải phẫu. Và đã tới thời gian viên mãn (Ga 14,4), Thiên Chúa đã biểu lộ lòng yêu thương bao la hải hà của Ngài.

NGÀY 23 THÁNG 12

Lời Chúa : Lc 1,57-66
"Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?
Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em." (Lc 1,66)

 Sau những tháng ngày tối tăm trong lòng mẹ, Gioan Tiền Hô đã chào đời giữa niềm vui chào đón của gia đình, của gia tộc và của làng xóm. Có lẽ niềm vui của họ đầu tiên chỉ vỏn vẹn trong việc có được một cậu con trai nối dõi tông đường, một cây gậy để chống lúc tuổi già. Nhưng Thiên Chúa đã ban cho họ những điều còn hơn lòng họ mong ước: không những họ được thoát khỏi những điều sỉ nhục không còn son sẻ mà con của họ còn trở thành “vị Tiền Hô của Đấng Tối Cao”.
Đọc lại tiểu sử của Gioan, chúng ta thấy Ngài đã được sinh ra cho một sứ mệnh đặc biệt: con sẽ là tiên tri của Đấng Tối Cao. Gioan đã hết lòng hết dạ với sứ mệnh của mình. Ông đã sống thật can đảm, không sợ quan quyền, vua chúa, được mọi người kính nể, đến nỗi có người đã lầm tưởng ông chính là Đấng Cứu Thế.

NGÀY 22 THÁNG 12

Lời Chúa : Lc 1,46-56
"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi."
(Lc 1,47)

Bài Ca Magnificat
 Chúng ta noi gương Đức Maria để biết cám ơn Chúa, vì Chúa hơn là vì những ơn ta được. Hãy tập cho mình có tâm tình cảm tạ tri ân mỗi khi chúng ta được thụ ơn.
 Bài ca Magnificat là những lời bộc phát tâm tình hân hoan hiếu thảo chan chứa của kẻ chịu ơn đối với Đấng ban ơn.
Mỗi lần đến với Chúa qua những việc đạo đức, chúng ta cũng cần phải nhận ra những ơn Chúa ban để khơi dậy niềm tin cậy mến và tâm tình hân hoan hiếu thảo đối với Thiên Chúa là Đấng đầy lòng nhân lành và luôn yêu thương chúng ta.

NGÀY 21 THÁNG 12

Lời Chúa : Lc 1,39-45
"Em thật có phúc, vì đã tin rằng
Chúa sẽ thực hiện
những gì Người đã nói với em."
(Lc 1,45)

Sau khi đã đón nhận Chúa vào lòng, giờ đây Mẹ Maria đem Chúa đến cho người khác. Khi Chúa đến trong tâm hồn ai thì thường Chúa cũng mở rộng tâm hồn của người ấy, để họ cũng nghĩ đến những người chung quanh. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy khi Chúa đến với ông Giakêu thì tâm hồn của ông được mở rộng ra để hướng về những người khác ngay. "Tôi sẽ lấy một nửa gia tài tôi mà giúp kẻ nghèo và nếu tôi làm thiệt hại ai, thì tôi sẽ đền gấp bốn". (Lc 19,8)
Nghĩ đến kẻ khác, đến với kẻ khác, đó là dấu chỉ có Chúa hiện diện ở trong tâm hồn. Chính vì thế mà sau khi được thụ thai Chúa Giêsu và khi biết bà chị họ của mình đang cần một sự giúp đỡ, thì mẹ đã lên đường ngay, không một chút chần trừ do dự. Biết tìm đến với những người khác nhất là những người ở trong những hoàn cảnh khó khăn đó là dấu chỉ của một tâm hồn có Chúa.
Mỗi khi lần chuỗi thứ hai của năm sự vui chúng ta ngắm “thứ hai, Đức Bà đi viếng bà thánh Isave, ta hãy xin cho được lòng yêu người”.
Đức Bà đi viếng bà thánh Isave, để biểu lộ lòng yêu người cho chúng ta bắt chước.
Hồi đó, -Mẹ Têrêsa Calcutta kể- nhằm lúc thành phố Calcutta thiếu đường ăn thì có một em bé chừng bốn tuổi đem đến cho tôi một chén đường và bảo tôi:
- Thưa mẹ, con đã nhịn ăn đường suốt một tuần nay, xin mẹ hãy dùng ít đường này cho trẻ mồ côi của mẹ.
Một em bé mới có bốn tuổi mà có được cử chỉ như thế thì thật anh hùng biết bao! Em đã học được bài học yêu thương đến độ dám hi sinh cả những gì mình cần thiết cho các em nhỏ khác.
Rồi một dịp khác, em bắt tôi đem rá gạo ra vo để nấu cơm cho cả nhà ăn. Nhưng rồi bất chợt có một người đàn ông đến gặp tôi và nói:
- Thưa mẹ, gần đây có gia đình người Hinđu có tám đứa con, mà cả tuần nay họ không có gì ăn cả.
Lập tức tôi bưng rá gạo đi theo người đàn ông ấy và tìm đến nhà người Hinđu kia. Bước vào túp lều lụp xụp, tôi bắt gặp những khuôn mặt xanh xao và cơn đói lúc đó đang hành hạ họ. Không cầm lòng được, tôi trao hết rá gạo cho bà ta. Bà này cảm động đón lấy rá gạo, rồi lập tức ngồi xuống chia làm hai phần. Sau đó, bà bưng một nửa ra đi… và một lúc sau, bà trở lại, tôi ngạc nhiên hỏi bà:
- Bà đi đâu vậy? Đem gạo cho ai?
- Họ cũng đói lắm!
- Nhưng họ là ai?
- Họ là những gia đình Hồi giáo. Họ cũng có những đứa con đói khổ như con. Họ ở bên kia đường, và cả tuần nay, họ cũng không có gì ăn cả.
Đọc lại câu chuyện này sao nhiều lúc tôi cảm thấy buồn cho mình. Mình là người có đạo mà nhiều khi còn thua những người không có đạo nhiều quá.
 Có một câu châm ngôn mà người ta hay nói cho nhau nghe mỗi khi hội họp “Niềm vui nếu biết đem chia sẻ sẽ tăng lên gấp đôi và nỗi buồn nếu được chia sẻ sẽ vơi đi một nửa”.
Vâng! “Niềm vui nếu biết đem chia sẻ sẽ tăng lên gấp đôi và nỗi buồn nếu được chia sẻ sẽ vơi đi một nửa”.
 Ta phải biết rằng: chúng ta chẳng thiếu thốn chi hết, còn người nghèo thì thiếu thốn mọi thứ. Trong lúc ta ước mong được sung sướng thì họ chỉ cần cầu xin cho khỏi chết đói. Thật là buồn khi thấy giữa bao nhiêu ngôi nhà giàu có, giữa bao nhiêu trẻ em ăn mặc đẹp, lại có những người đàn bà và trẻ em không có gì để ăn cả...

Vâng! Chúng ta hãy biết chia sẻ vì “niềm vui nếu biết đem chia sẻ sẽ tăng lên gấp đôi và nỗi buồn nếu được chia sẻ sẽ vơi đi một nửa”. Amen.

Chúa nhật Tuần 4 Mùa vọng


Cầu nguyện : Lạy Chúa xin cho con đủ can đảm để tuyên xưng Chúa trong cuộc sống thường ngày trước mặt thế gian, xin ban thêm sức mạnh, nghị lực để con dám thực hành những điều Chúa đã dạy, xin ban thêm ơn để con dám sống như Chúa Giêsu đã sống. Amen!

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

NGÀY 19 THÁNG 12

Lời Chúa : Lc 1,5-25
Bà tự nhủ: "Chúa đã làm cho tôi như thế đó,
khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời." (Lc 1,25)

 Theo cái nhìn đức tin, và trong chương trình cứu độ của Chúa, thì mỗi người sinh ra đều có một ơn gọi, một sứ mệnh. - Không phải chỉ có các tổ phụ hay các đấng bậc có chức có vị trong Giáo Hội mới là những người có sứ mệnh nhưng là tất cả mọi người.
Tháng 7-1972 sau những tháng dài bị tra tấn trong trại lính, nơi ngài thi hành nghĩa vụ linh mục, cha Vania đã ngã gục dưới làn mưa đạn. Trong lá thư cuối cùng, ngài viết cho cha mẹ già có những dòng như sau:

NGÀY 18 THÁNG 12

Thánh Giuse
Lời Chúa : Mt 1,18-24
"Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy
và đón vợ về nhà." (Mt 1,24)

Ngay từ những giây phút đầu tiên của cuộc nhập thể, chúng ta đã thấy Thánh Giuse đã có mặt ở đó rồi.
Chúng ta thử hỏi lý do nào đã làm cho Giuse được Chúa ưu ái như thế?
 Đọc Tin Mừng hôm nay chúng ta có thể tìm ra câu trả lời. Trước hết Thánh Giuse được Kinh Thánh gọi là "người công chính". Danh hiệu "người công chính" theo Kinh Thánh phải được hiểu như thế nào?
 Hình ảnh người công chính xuất hiện đầu tiên trong Kinh Thánh là hình ảnh về một con người biết chu toàn mọi giới luật của Thiên Chúa. Nói một cách khác: đó là những người sống phù hợp với Luật. Chúng ta biết là luật có một vai trò rất quan trọng trong đời sống tôn giáo. Người nào chu toàn Luật một cách trọn vẹn thì người đó sẽ được kể là người công chính. Hình như đây cũng là qui luật chung cho tất cả những ai muốn trở thành người đáng kính trọng trong xã hội loài người.
 Thêm vào đó cũng theo Kinh Thánh thì người công chính còn là người đạo hạnh, là tôi tớ hoàn thiện và nhất nữa còn là bạn của Thiên Chúa. Đó là hình ảnh về một người công chính mà chúng ta có thể tìm thấy ở trong sách Stk 7,1;18,23, sách Châm Ngôn 12,10, sách Ez 18,5-26.
Chúng ta hãy nhớ lại một chút câu chuyện của Ađam và bà Evà. Lúc đầu mối liên hệ giữa Thiên Chúa và hai ông bà thật tốt đẹp. Nó chỉ xấu đi sau khi hai ông bà đã phạm tội. Kinh Thánh ghi lại: Cứ chiều chiều Thiên Chúa xuống bách bộ và đàm đạo với hai ông bà. Hỏi còn cảnh nào đẹp hơn thế, thân tình hơn thế. Chỉ tiếc rằng, những cảnh như thế không kéo dài mãi mãi.
Rồi sau đó đến tổ phụ Abraham, đến Moisen, đến các ngôn sứ.
Và sau cùng không một ai ngoại trừ Đức Mẹ Maria được gần gũi với Chúa...được Chúa đối xử thân tình như thánh Giuse. Giuse không chỉ là bạn mà Chúa còn chọn làm cha nuôi của Chúa Cứu Thế.
 Bên cạnh hình ảnh một Giuse là người công chính tôi còn thấy ở nơi thánh Giuse một nhân đức rất đặc biệt này: Đó là lòng kính sợ Thiên Chúa cao độ.
Có thể nói tất cả các thánh đều là những người biết kính sợ Thiên Chúa. Sách Châm Ngôn gọi lòng kính sợ Thiên Chúa là cội nguồn mọi sự khôn ngoan.
Và tôi cũng có thể quả quyết với anh chị em là: mọi tội ác, thảm họa ở trên cõi đời này đều do sự thiếu lòng kính sợ Thiên Chúa mà ra.
Trở lại với đề tài của chúng ta... Chúng ta mở Kinh Thánh:
Abraham sẵn sàng tế lễ Isaac.

NGÀY 17 THÁNG 12

Lời Chúa : Mt 1,1-17
"Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria,
bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô." (Mt 1,16)

 Bắt đầu từ hôm nay 17-12 cho đến 24-12, Giáo Hội dành ra tuần bát nhật trong đó các bài đọc trong Thánh lễ được tuyển chọn cách đặc biệt để chuẩn bị gần cho Lễ Giáng Sinh và giới thiệu những nhân vật có liên hệ trực tiếp tới cuộc Giáng Sinh này
 Bài Tin Mừng hôm nay trình bày Đấng sắp sinh ra là Con Thiên Chúa nhập thế đi vào lịch sử loài người để cứu loài người.
Chúa đã thực hiện việc cứu chuộc loài người bằng những việc loài người không thể ngờ được. Chúa đã không cứu loài người từ trời cao. Dĩ nhiên là Người có thể và dư uy quyền để làm được việc đó. Để cứu loài người Chúa đã nhập thể và nhập thế để từ đó Chúa đưa loài người sa ngã đứng lên.
 Trong số các tổ tiên của Chúa Giêsu có những người tội lỗi, như “Ông Giuđa ăn ở với bà Tama” (câu 3), “vua Đavid lấy vợ ông Uria sinh ra vua Salômôn” (Mt 1,5b) v.v. Như thế kẻ lỡ phạm tội không hẳn là hoàn toàn biến mất mà kẻ tội lỗi vẫn có chỗ đứng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

THỨ TƯ TUẦN 3 MÙA VỌNG

Lời Chúa : Lc 7,18b-23
"Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi." (Lc 7,23)
 Vâng! Chính Gioan Tẩy Giả mà còn nuôi trong đầu hình ảnh về một Đấng Messia đầy uy quyền sẵn sàng xét xử và trừng trị kẻ gian ác, huống chi chúng ta. Xét cho kỹ thì có lẽ chúng ta cũng thích hình ảnh về một Thiên Chúa uy quyền, một Giáo Hội hiển hách hơn là một Thiên Chúa cúi xuống mà phục vụ cũng như một Giáo Hội nhiều khi bị lép vế. Chính vì thế mà chúng ta thích khoe với người khác về cách tổ chức, về những hoạt động, những thành tích v.v. của đạo. Chúng ta tưởng rằng, làm như thế thì người ta sẽ mến yêu và kính trọng Thiên Chúa và Giáo Hội của chúng ta hơn.
Nhưng Đức Giêsu thì lại không muốn thế: Thiên Chúa mà Ngài trình bày cho mọi người là một Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, tha thứ. Ngài muốn cho người ta thấy Ngài là Đấng cứu Nhân Độ Thế giàu lòng yêu thương. Mà quả thật, những hình ảnh loại này mới có sức cảm hóa và thuyết phục người ta.
Nói một cách cụ thể hơn, thay vì phô trương cho người ta thấy những nét huy hoàng của đạo, thay vì cãi nhau với người ta để tôn Giáo Hội lên, chúng ta hãy cho người ta thấy rằng, chúng ta và Giáo Hội chúng ta đang tha thiết muốn làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người bệnh được khoẻ, kẻ nghèo được ấm no, người khổ được an ủi v.v. Chúng ta có thể làm những việc đó qua dời sống của chúng ta.
Một nhà truyền giáo, lần đầu tiên đến Trung Hoa, giảng về Chúa Giêsu cho một nhóm dân bản địa. Khi ngài kết thúc, một người nói:
 Phải, chúng tôi đã biết ngài. Ngài đã sống ở đây.
Nghe thế, nhà truyền giáo liền nói:
Không, Đức Giêsu sống ở nước khác, cách đây gần 2000 năm rồi.
Nhưng những người đó vẫn khăng khăng bảo:
Chúng tôi đã thấy Chúa. Chúa đã sống trong làng này. Chúng tôi biết Ngài.
Rồi ông dẫn nhà truyền giáo đến nghĩa trang và chỉ cho nhà truyền giáo thấy ngôi mộ của một nhà truyền giáo khác, đã từng sống với họ, phục vụ họ và cuối cùng, an giấc nơi cộng đoàn của họ.
Mẹ Têrêsa đã có lần nói: "Hãy mở lòng, để Thiên Chúa làm thấm nhuần tấm lòng bạn bằng tình yêu thương. Chúa yêu thương bạn với tình yêu dịu hiền. Những gì Chúa ban tặng, không phải để bạn giữ lấy và khoá kỹ, nhưng để bạn cho đi."
Chính mẹ là người đã cho thế giới thấy rõ hình ảnh về Đấng Messia luôn quan tâm đến việc cứu giúp những kẻ khốn khổ. Tiếc thay là mẹ Têrêsa không còn nữa! Thế giới thì vẫn luôn cần có những người như mẹ. Ước gì Chúa ban cho Giáo Hội những Têrêsa Calcutta khác. Và ước gì mỗi người chúng ta cũng là một Têrêsa Calcutta cho thế giới hôm nay.
 “Hay là chúng tôi phải đợi một Đấng Messia khác?” (Lc 7,20) 
Ngày xưa, Gioan đã sai môn đệ ông hỏi Chúa như thế. Ngày hôm nay có lẽ cũng có nhiều người muốn hỏi Giáo Hội như vậy? Hay là chúng tôi còn phải đợi một Giáo Hội khác?
Vâng nếu Giáo Hội hôm nay không là một Giáo Hội cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ đi tìm Đấng cứu nhân độ thế ở chỗ khác. Nếu cộng đoàn của tôi không phải là một nơi cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ tìm đến những chỗ khác. Nếu tôi không phải là một người cứu nhân độ thế, thì dù tôi là Linh mục, tu sĩ hay Kitô hữu, tôi cũng chẳng có giá trị gì cho người mong đợi ở tôi và người ta sẽ đi tìm một người khác.
Cầu nguyện : Chúng ta xin cho chúng ta biết sống một cuộc sống như Chúa để thành chứng nhân cho Chúa trong thế giới hôm nay.

Lạy Chúa xin cho chúng con trở thành những cánh tay nối dài của Chúa. Amen.

THỨ BA TUẦN 3 MÙA VỌNG

Lời Chúa : Mt 21,28-32
"Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm
vào Nước Thiên Chúa trước các ông." (Mt 21,32)

 Theo dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy hai người con đại diện cho hai lớp người trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ:
 Một lớp người nhận ra mình tội lỗi và biết sửa lại lỗi lầm của mình,
 Lớp thứ hai thì tự mãn, nghĩ mình không có tội gì.
 Nghe Gioan rao giảng, những người tội lỗi và thu thuế đã nhận ra tội lỗi của mình và biết thống hối ăn năn; còn những người Pharisêu thì tỏ ra tự mãn, tự tin vào sự công chính của mình. Họ tưởng rằng, cứ giữ đúng luật bề ngoài là có quyền coi mình là người vô tội và họ cho mình quyền lên án, khinh chê kẻ khác. Chúa Giêsu đã lên án tội giả hình và tự mãn của họ.
Như vậy điều quan trọng không phải là phạm tội nhiều hay ít, mà là biết nhận ra tội lỗi của mình và sám hối ăn năn hay không. Lịch sử cứu độ là một tấm bi kịch giữa tội lỗi của con người và lòng thương yêu tha thứ không mệt mỏi của Thiên Chúa.
Thái độ tự mãn giống như những người Pharisêu ngày nay chưa phải là đã hết. Có nhiều người tưởng rằng, mình giữ được một mớ lề luật bề ngoài và làm được một số những việc lành phúc đức như đọc kinh xem lễ, hành hương, lần chuỗi v.v.. là đã đủ, đã hoàn hảo tốt lành rồi, không còn cần thêm gì nữa. Nghĩ như thế thì có khác chi những người Pharisêu xưa. Cuộc sống như thế mới là cuộc sống ở trong nhà thờ chứ chưa phải là cuộc sống ở giữa đời. Cuộc sống như thế chắc chắn không phải là cuộc sống Chúa mong muốn: "Tôi bảo thật cho các ông biết, những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Trời trước các ông vì họ đã tin". (Mt 21,31)
 Rồi khi suy gẫm bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta còn thấy Chúa muốn dạy chúng ta những bài học rất cụ thể cho cuộc sống mình:

THỨ HAI TUẦN 3 MÙA VỌNG

Lời Chúa : Mt 21,23-27
"Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có?" (Mt 21,25)
 Chúa Giêsu bị chất vấn:
 Ai chất vấn? “Các thượng tế và kỳ mục” (câu 23). Theo Mc 11,27 thì còn có cả các luật sĩ. Như thế, những người chất vấn Chúa Giêsu gồm đủ 3 thành phần của Thượng Hội Đồng Do Thái giáo, tức là những lãnh tụ cao cấp nhất của Đạo lúc đó.
 Chất vấn về điều gì? Về quyền của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã đuổi những người buôn bán (Mt 21, 12-13tt), sau đó đã chữa bệnh (Mt 21,14) và lại còn giảng dạy (Mt 21,23). Tất cả những việc đó Ngài lại làm ngay trong Đền thờ, tức là ở một nơi chính thức nhất, nơi mà người ta coi là lãnh địa riêng của những lãnh tụ tôn giáo Do Thái.
Ngài không phải là tư tế, không phải là kỳ mục và cũng chẳng phải là luật sĩ. Tại sao Ngài làm những việc đó, và làm ngay trong Đền thờ?
Động cơ của việc chất vấn: không phải chất vấn để tìm cho biết sự thật, mà chất vấn để bắt lỗi.
 Phản ứng của Chúa Giêsu:
Chúa Giêsu không trả lời mà hỏi ngược lại những kẻ chất vấn Ngài. Câu hỏi của Chúa Giêsu khiến các thượng tế và kỳ mục phải bối rối. Sự bối rối đó cho chúng ta thấy lòng dạ cố chấp không muốn tìm hiểu sự thật của họ. Sự thật về phép rửa của Gioan chỉ có thể thuộc một trong hai trường hợp: hoặc do Thiên Chúa hoặc do loài người. Trả lời bằng cách nào đây? Bằng cách nào cũng bị kẹt. Trả lời là do Thiên Chúa thì Chúa sẽ hỏi lại tại sao họ không tin Gioan. Còn nếu họ bảo là do người ta thì họ lại sợ dân chúng vì lúc đó dân chúng ai cũng tin Gioan là tiên tri, có nghĩa là người của Thiên Chúa. Chính vì thế mà họ không dám trả lời.
Rất nhiều khi vì thành kiến hoặc do tà tâm ác ý chi phối mà chúng ta cũng rơi vào thái độ hẹp hòi rồi từ đó chúng ta cũng phải đối diện với những sự thật khó xử như thế.
Vậy thì bài học hôm nay Chúa muốn dạy chúng ta là trong cuộc sống, chúng ta hãy cố gắng đối xử tốt với nhau, đừng lấy lời nói cay đắng, độc ác mà làm trò đùa châm chích ai bao giờ. Hơn nữa chúng ta cũng phải cố mà sống theo lẽ phải. Bởi chỉ có như thế, lương tâm chúng ta mới được vui và mới được Chúa chúc phúc.

Cầu nguyện : Chúng ta luôn biết nói lên những lời hay ý đẹp làm vui lòng mọi người để cuộc sống chung quanh chúng ta mỗi ngày được trở nên tốt đẹp và đầy tình người hơn. Amen.

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót


Đề tài 1. “Thiên Chúa hằng thương xót từ đời nọ đến đời kia”
 “Hãy có lòng thương xót như Cha của anh em là Đấng hay thương xót” (Lc 6,36)
 Trong khi cử hành Năm Thánh ngoại lệ để kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng Vatican II, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta nhớ lời của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII phát biểu vào ngày khai mạc Công đồng để xác định hướng đi của Công đồng: “Ngày nay, Hiền Thê của Chúa Kitô muốn sử dụng phương dược của lòng thương xót hơn là của sự nghiêm khắc… Hội Thánh Công giáo muốn thể hiện chính mình như một người mẹ đầy yêu thương của tất cả mọi người, một người mẹ từ ái, nhẫn nại, luôn được thôi thúc bởi lòng thương xót và nhân hậu đối với những người con đang xa rời mẹ”[1]. Muốn thế, Hội Thánh Hiền Thê phải chiêm ngắm và kết hợp thường xuyên với Đấng Phu Quân, là Dung mạo hữu hình của Thiên Chúa Toàn năng Giàu lòng Thương xót.

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

CHÚA NHẬT TUẦN 3 MÙA VONG NĂM C


 LỜI NGUYỆN CHUNG
 Anh chị em thân mến! Thánh Phaolô đã mời gọi: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa.” Trong niềm tin tưởng và hân hoan trông chờ Ngôi Lời Thiên Chúa đang ngự đến, cộng đoàn chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu xin:
1. Cầu cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các Đức Giám mục và hàng giáo sĩ. Xin Chúa là nguồn sức mạnh và chỗ nghỉ ngơi cho những ai vất vả mệt nhọc, ban cho các ngài luôn có đủ nghị lực và lòng nhiệt thành để hướng dẫn đàn chiên Chúa.
2. Cầu cho các dân tộc trên thế giới. Xin Chúa là nguồn vui và hạnh phúc của nhân loại, ban cho các dân tộc trên thế giới được vui sống trong bình an và tình huynh đệ, cho nhà cầm quyền các quốc gia biết tôn trọng sự thật và thực thi công lý.
3. Cầu cho mọi người trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Xin cho hương thơm của lòng thương xót lan tỏa đến tất cả các tín hữu cũng như những người đang còn xa cách, để mọi người nhận biết dấu chỉ của Nước Chúa đang ở giữa chúng ta.
4. Cầu cho cộng đoàn đang hân hoan chờ mong Chúa đến. Xin Chúa ban Thánh Thần cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, để Người liên kết và dẫn đường chỉ lối giúp chúng ta biết tìm đến nguồn an vui đích thực là Ðức Kitô, Ðấng cứu độ trần gian.
 Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã sai Con Một đến trần gian để giải thoát và ban ơn cứu độ cho nhân loại. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện, ban ơn thanh tẩy và thánh hóa tâm hồn, để chúng con xứng đáng đón mừng mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả của Con Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

THỨ BẢY TUẦN 2 MÙA VỌNG

Lời Chúa : Mt 17,10-13
"Nhưng Thầy nói cho anh em biết:
ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, 
lại còn xử với ông theo ý họ muốn." (Mt 17,12)

Lời Chúa chúng ta vừa nghe, mở ra cho chúng ta một cách nhìn và đánh giá mới về các biến cố. Hãy biết nhìn các biến cố theo tinh thần của Chúa muốn.
Gioan Tiền Hô tuy không mang tên là Êlia, nhưng ông lại là hiện thân của Êlia. Ông xuất hiện trong vai trò của Êlia. Ông đã sống và đã nói lên tinh thần của Êlia.
Như vậy có thể nói: Gioan Tiền Hô là Êlia mới. Và nếu Êlia xuất hiện, thì Đấng Thiên Sai và “Ngày của Giavê” mà dân Chúa hằng mong đợi cũng đã bắt đầu. Chính bản thân của Gioan Tiền Hô đã là một dấu chỉ, là một thời điểm.
Vâng! Đấng mà Gioan loan báo: Ngài đã đến rồi. Đó là Đức Giêsu Kitô Chúa của chúng ta.
Chúng ta đã biết rõ nơi Ngài đã sinh, những nơi Ngài đã sống.
Chúng ta đã biết những lời Ngài đã dạy dỗ chúng ta.
Chúng ta đã biết những việc Ngài đã làm, những đau khổ Ngài đã chịu.
Chúng ta đã biết cái chết đau thương của Ngài ở trên cây Thánh Giá.
Chúng ta đã biết sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài.

THỨ SÁU TUẦN 2 MÙA VỌNG

Lời Chúa : Mt 11,16-19
"Tụi tôi thổi sáo cho các anh,
mà các anh không nhảy múa." (Mt 11,17)

 Tin Mừng hôm nay. Nhiều người có lối sống đạo ngược đời: chỉ muốn Chúa theo ý mình chứ không để ý đến việc tìm theo ý Chúa.
Nếu quả thực chúng ta cũng sống như thế thì đâu còn là theo đạo hay đi đạo của Chúa nữa. 
 Ngày xưa người ta gọi những người đi theo Chúa là Kitô-hữu. Kitô-hữu là người có Chúa Kitô trong mình. Có Chúa Kitô cũng có nghĩa là luôn biết sống theo Ngài. Nhưng việc sống cho Chúa và sống như Chúa quả không phải là việc dễ dàng.
Đại văn hào Rabbindranath Tagore mặc dù không phải là người Công giáo nhưng ông rất yêu mến Chúa Giêsu. Đây là câu chuyện ông viết ra để cho người ta biết khi theo Chúa thì người ta phải sống như thế nào.

THỨ NĂM TUẦN 2 MÙA VỌNG

Lời Chúa : Mt 11,11-15
"Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ,
chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả." (Mt 11,11)


 Vâng! Quả là bài Tin Mừng hôm nay nói đến một con người đặc biệt, có sứ mệnh cũng đặc biệt. Con người đó là Gioan Tẩy Giả. Chúa Giêsu ca tụng ông vì ông có một số đức tính cao cả mà ít ai có được như ông.
Trước hết, ông là một người quả cảm không bao giờ chịu lùi bước và chịu thua sự dữ: "Các người đi ra sa mạc để coi cái gì? Cây sậy rung trước gió ư?"(Mt 11,7)Gioan không phải là cây sậy. Gioan đã dám đương đầu với sự xấu. Gioan không nể vua Hêrôđê khi khuyến cáo vua không được lấy vợ của người anh cùng cha khác mẹ với mình..
Thứ đến là ông dám hy sinh vì sứ mạng.
Một nông dân đi xe ngựa ra phố. Đến một cửa tiệm, ông dừng xe vào mua đồ. Ông vừa tới cửa thì con ngựa hí lên và bỏ chạy. Ông vội vàng chạy ra xiết chặt dây cương.
Con ngựa càng hoảng sợ hơn và chạy tứ tung trên đường, kéo theo người nông dân tội nghiệp. Dân chúng đổ xô ra xem, đến khi ghìm được ngựa thì người nông dân bê bết máu và thoi thóp thở. Một người nói:
- Sao mà ông dại dột hy sinh đời mình vì con ngựa và chiếc xe như thế?
Ông thều thào:
- Cứ nhìn vào trong xe thì biết!
Họ nhìn vào và thấy đứa con nhỏ của ông còn đang ngủ.
Người nông dân hy sinh vì đứa con. Gioan Tẩy Giả hy sinh vì sứ mạng. Vì sứ mạng, Gioan từ bỏ mọi sự để sống cuộc sống nghèo khó. Cuộc sống của ông rất đơn giản và đạm bạc: thức ăn là những thứ tìm được ở rừng, đồ mặc thì làm bằng những tấm da thú; dép ông mang ở dưới chân cũng như vậy.
Và sau cùng, ông dám lãnh nhận một sứ mệnh mà ông biết là rất khó khăn: "Các ngươi lên rừng xem gì? Xem một tiên tri ư? Ta bảo các ngươi: còn hơn cả một tiên tri nữa."(Mt 11,9) Về ông đã có lời chép: "Này Ta sai sứ thần đi trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi".
Vâng! Gioan quả xứng đáng với lời ca tụng của Chúa..
 Thế nhưng Chúa lại nói thêm: "Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông" (Mt 11,11).
Gioan cao trọng nhưng chỉ cao trọng hơn những người ở trần gian. Còn một thực tại khác cao trọng hơn. Đó là Nước Trời và những người được ở trong Nước đó. Sở dĩ Nước Trời có giá trị lớn lao như vậy vì có sự hiện diện của Chúa. Cho nên những người ở trong Nước đó dù có nhỏ cũng còn cao trọng hơn Gioan.
Nhưng ai là người xứng đáng được ở trong Nước đó? Chúa Giêsu đã chẳng dấu diếm gì những điều Ngài đòi hỏi: “Nước Trời phải dùng sức mạnh mới chiếm được”(Mt 11,12).

THỨ TƯ TUẦN 2 MÙA VỌNG

Lời Chúa : Mt 11,28-30
"Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, 
hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng"
(Mt 11,28).

Vào thời Chúa Giêsu, đời sống của những người Do Thái rất nặng nề. Họ bị đặt dưới ách thống trị của những tập tục của tiền nhân và một hệ thống luật pháp đã bị làm biến chất không còn sức sống. Chúng ta hãy nghe một câu chuyện được ghi lại trong sách Korah:
Người láng giềng tôi là một bà góa. Bà có hai cô con gái và một mảnh ruộng. Khi bà bắt đầu cày thì Môisen (ý nói luật pháp Môisen) bảo bà: “Ngươi không được cày bò và lừa chung với nhau.
Khi bà bắt đầu gieo thì ông phán: “Ngươi không được gieo trong ruộng ngươi hai thứ giống.”
Khi bà bắt đầu thu hoạch ông bảo: “Ngươi không được mót lúa sót hay lấy lại những gì ngươi bảo quản.”
Bà bắt đầu đập lúa thì ông bảo: “Hãy giao cho ta của lễ phần mười lần thứ nhì”. Bà thuận và dâng hết cho ông.

THỨ BA TUẦN 2 MÙA VỌNG

Lời Chúa : Mt 18,12-14
"Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, 
không muốn cho một ai phải hư mất." (Mt 18,14)

Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu hết sức quảng đại.
Truyền thống Do Thái kể rằng: Để dạy cho Môisê bài học về sự yêu thương mà ông sẽ phải đem ra áp dụng với đoàn dân Chúa trao sau này, thì một hôm lúc ông còn đang lẩn trốn trong sa mạc, Chúa đã cho ông gặp một người chăn chiên. Ông đã sống trọn ngày với người chăn chiên này và giúp anh ta vắt sữa. Chiều đến, ông thấy anh ta đổ thứ sữa tốt ấy vào trong một cái bát lớn, đặt nó trên một hòn đá cách đó không xa. Môisê hỏi thì anh trả lời:
- Đó là sữa dành cho Thiên Chúa. Người chăn chiên trả lời.
Môisen tự cho mình có bổn phận phải giải thích cho thanh niên biết rằng, Thiên Chúa là Thần Linh. Người không uống sữa. Người thanh niên không muốn tin điều này cho nên sau một hồi tranh luận, Môisen gợi ý để cho anh đến núp sau bụi cây và rình xem Thiên Chúa có đến uống sữa của anh ta không... Đêm đó, người chăn chiên núp sau một bụi cây, dưới ánh trăng, anh nhìn thấy một chú chồn tơ đến liếm một cách thèm thuồng bát sữa của anh. Xong chú chồn chạy biến vào sa mạc.

ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM

Ngày 08/12: ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM
Hôm nay chúng ta cử hành đại lễ kính Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội. Mầu nhiệm này đã được Đức Pio IX định tín ngày 8/12/1854 tức trước khi Đức Maria hiện ra tại Lộ Đức 4 năm.
Ngay từ thời nguyên thủy, Kitô giáo đã tin Đức Maria được ơn Vô nhiễm nguyên tội nghĩa là Đức Maria không bị vướng mắc vào một tội lỗi nào cả từ khi thụ thai trong lòng mẹ. Nói một cách khác, Đức Maria được sinh ra trong tình trạng không mắc tội tổ tông truyền và giữ được tình trạng vô tội đó suốt cả cuộc đời của mình.
Giáo huấn của Giáo hội về mầu nhiệm Vô nhiễm nguyên tội của Đức Mẹ rất phù hợp với giáo huấn của Thánh Kinh. Chẳng hạn trong bài đọc I hôm nay, Thiên Chúa nói với Satan: "Ta sẽ đặt một mối hiềm thù giữa mi và người phụ nữ, giữa giòng dõi mi và dòng dõi người nữ."
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thiên sứ nói với Đức Maria: "Hãy vui mừng vì cô được Chúa trời chúc phúc. Thiên Chúa ở cùng cô và cô có phúc hơn mọi người phụ nữ"
Câu này nói về chính mầu nhiệm ấy. Đức Maria phải được coi là người khác biệt với hết mọi người phụ nữ khác. Đức Maria cao trọng hơn hết mọi người phụ nữ.
Như vậy sự việc Thiên Chúa gìn giữ Đức Maria không mắc tôi lỗi nào, không có gì đáng ngạc nhiên vì Ngài đã được Thiên Chúa chọn làm mẹ của Con Thiên Chúa. Con của Thiên Chúa phải được sinh ra từ một người mẹ hoàn toàn vô tội chẳng phải là một việc xứng hợp sao?
Người công giáo của chúng ta luôn luôn có lòng sùng kính đặc biệt với Đức Maria dưới danh hiệu Vô nhiễm nguyên tội. Và vì thế mà ngày hôm nay chúng ta mừng trọng thể lễ Đức Maria Vô Nhiễm nguyên tội với một niềm vui đặc biệt và với một lòng biết ơn sâu xa.
Trong cuốn "Tiểu Sử Ðời Sống Của Thánh Don Boscô" có thuật lại một sự việc sau đây:
Hôm ấy là ngày 8 tháng 12 năm 1841, ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Cha Don Boscô vị tân Linh Mục đang mặc áo sửa soạn dâng Thánh Lễ, bỗng từ trong phòng áo Cha nghe tiếng ồn ào từ phía ngoài cửa. Cha bước ra và gặp thấy Ông Từ coi phòng áo nhà thờ đang cầm chổi lông gà đánh đuổi một cậu bé nghèo ăn mặc rách rưới, chỉ vì cậu dám bén mảng đến phòng áo và lại không biết giúp lễ. Cha Don Boscô tỏ vẻ không bằng lòng và bảo ông Từ phải đi tìm cậu bé đem trở lại phòng áo cho Cha. Cha lại còn quả quyết rằng đó là bạn thân của Cha.
Một lúc sau, ông Từ trở lại phòng áo, dẫn theo cậu bé bị đánh đuổi. Cha bảo cậu ngồi đợi một chút, sau lễ ngài sẽ nói với cậu về một điều mà cậu sẽ rất vui thích. Có lẽ đó chỉ là cách Cha muốn bù đắp lại sự tàn nhẫn của ông Từ hoặc xóa bỏ đi những mặc cảm và ấn tượng xấu đã gây nên trong tâm hồn cậu.
Nhưng đường lối của Chúa còn đi xa hơn nữa, vì chính trong ngày lễ Kính Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đó, Thiên Chúa muốn ngài khởi công một sứ mệnh Tông Ðồ cao cả vẫn còn hiện hữu cho tới ngày nay. Ðiều gì đã xảy ra trong cuộc gặp gỡ đó? Như lời đã hứa, sau lễ Cha bắt đầu cuộc đối thoại thân mật với cậu bé, đó là cậu Bartolômêo Galendy. Don Boscô bắt đầu bằng những câu hỏi thân mật từ gia đình cậu, cha mẹ cậu.
Cậu đáp lại là cả hai đều đã qua đời.
Cha hỏi tiếp về tuổi của cậu, về công ăn việc làm và nơi ăn chốn ở của cậu.
Với những câu hỏi đó, cậu chỉ đáp lại bằng tiếng "không" hơi cọc cằn.
Tuy nhiên, Cha vẫn không nản lòng. Sau cùng Cha hỏi:
- Con có biết huýt sáo không?
Mắt cậu sáng lên và cậu bắt đầu mỉm cười gật đầu. Ðó là điều duy nhất Cha mong ước. Cậu đã bị chinh phục và đã trở nên bạn thân của Cha. Từ đó, cha bắt đầu đối thoại bằng những câu hỏi về đời sống người công giáo của cậu. Ðáng thương thay, mặc dù cậu đã lên 16 tuổi nhưng mới chỉ được xưng tội lần đầu mà thôi. Còn về giáo lý thật không biết gì hết, vì không được ai chỉ bảo cho. Ngay cả đến việc làm dấu Thánh Giá và đọc một kinh Kính Mừng cậu cũng không biết. Và cha Don Boscô quì gối đọc kinh Kính Mừng phó thác cho Mẹ Maria và nhân danh Mẹ bắt đầu sứ mệnh Tông Ðồ của Cha, cầu xin Mẹ giúp Cha cứu rỗi linh hồn cậu bé này.
Trước khi cho cậu ra về, Cha tặng cậu một mẩu ảnh Ðức Mẹ và cậu hứa sẽ trở lại tuần tới đem theo chúng bạn của cậu để cùng được học giáo lý nữa.
Thời gian trôi qua, nhân dịp toàn thể Dòng Con Cái Don Boscô mừng kỷ niệm một trăm năm mươi năm cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Don Boscô và cậu bé Bartolômêo Galendy, ngày khởi đầu sinh hoạt "Khánh Lễ Viện" mà Don Boscô là Vị Sáng Lập và cậu bé Bartolômêo là viên đá đầu tiên. Nơi cậu Bartolômêo, Don Boscô đã nhìn thấy trước hàng ngàn thanh thiếu niên bị bỏ rơi cần được nhận biết tình thương của Chúa và ngài đã hiến trọn đời mình để giáo dục niềm tin trong tâm hồn các em. Hơn nữa, ngài còn đào luyện các em trở thành tông đồ giữa chúng bạn, dẫn đưa chúng bạn về với Chúa qua đời sống bí tích và việc học hỏi giáo lý. Một trăm năm mươi năm đã qua và sứ mệnh tông đồ của Don Boscô đã được các con thiêng liêng của ngài tiếp tục tới ngày nay trên khắp Năm Châu. Hàng ngàn hàng triệu thanh thiếu niên qua nhiều năm đã nhận biết, yêu mến Chúa và dấn thân để Chúa cũng được nhận biết, yêu mến và tôn thờ.

Cầu nguyện : Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, một tấm gương tinh tuyền và tràn đầy ơn thánh Chúa. Cám ơn Chúa đã làm phong phú Giáo Hội Chúa với ơn đặc sủng của Tu Hội Salésien. Xin Chúa chúc lành cho sứ mệnh tông đồ mà ngài đã hiến thân phục vụ đến hơi thở cuối cùng, để giới trẻ qua mọi thời đại và trong mọi môi trường văn hóa tìm được thầy chỉ dẫn, nhận được sự hiểu biết tình thương của Chúa và trở nên vị tông đồ khác giữa giới trẻ, dẫn đưa chúng bạn gặp gỡ Chúa, xa tránh tội lỗi và gìn giữ luôn mãi vẻ đẹp trong sáng của tâm hồn là bí quyết niềm an vui và hạnh phúc thật. Amen.

THỨ HAI TUẦN 2 MÙA VỌNG

Lời Chúa : Lc 5,17-26
"Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa." (Lc 5,26)
 Chúa Giêsu tha tội trước khi chữa cho người bại liệt được khỏi vì theo Chúa tội lỗi cũng là một thứ bệnh. Hơn nữa, nó còn là một thứ bệnh nguy hiểm, nhiều khi còn nguy hiểm hơn cả bệnh phần xác. Lý do vì tội làm cho con người phải xa lìa Thiên Chúa nên không thể có hạnh phúc.
 Tin Mừng thuật lại: khi Chúa Giêsu thấy lòng tin của họ (nghĩa là lòng tin của những người đưa người bất toại đến với Chúa), Người đã làm phép lạ. Không có chi tiết cụ thể nào đề cập đến lòng tin của người bại liệt mà chỉ thấy nói đến lòng tin của những người bạn của anh ta. Họ đã khắc phục những trở ngại tưởng chừng như không thể vượt qua. Họ đã gan lì, đã thắng vượt mọi trở ngại bằng sự quyết tâm. Điều quan trọng là làm sao cho người bạn của họ được gặp Đức Giêsu. Họ đã sử dụng mọi phương tiện có trong tầm tay để cuộc gặp gỡ ấy được diễn ra.
Vâng, đó là lòng bác ái hết sức đặc biệt, một tình thương rất sáng ngời, những việc làm có sức lay động được cả trái tim của Chúa. Và kết quả tốt đẹp như thế nào thì Tin Mừng đã cho chúng ta hay.

Chúa nhật thứ2 Mùa vọng năm C