Lời Chúa : Ga
21,15-19
Chúa Giêsu hỏi Phêrô:
“Con có yêu mến Thầy không?"(Ga 21,15)
Sau mỗi lần Phêrô tuyên xưng lòng mến, Chúa Giêsu trao cho Phêrô
một nhiệm vụ. Chung qui lại là: "Hãy chăn dắt các chiên của Thầy”(Ga
21,16).
Câu chuyện thật cảm động bên bờ biển Galilê hôm nay đã cho chúng
ta thấy thật rõ điều đó.
"Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”.
Phêrô nói lên điều này với tất cả kinh nghiệm đau xót nơi chính
bản thân mình. Làm sao ông quên được những điều Thầy đã báo trước với ông, về
việc chính ông sẽ chối Thầy mình trước khi gà chưa kịp gáy lần thứ ba, chối tới
ba lần, làm sao ông có thể quên được.
Chúa biết...Biết tất cả mọi sự (Ga 21,17).
Phêrô hơi buồn vì Chúa hỏi ông đến lần thứ ba.
Tại sao Chúa phải làm thế?
Chẳng phải là Chúa không biết lòng mến của ông đối với Ngài. Và
có lẽ cũng chẳng phải là để đền bù lại ba lần ông đã chối Chúa. Chẳng lẽ Chúa
mà lại hẹp hòi đến như vậy sao? Ngài chẳng cần phải như vậy. Nhưng sở dĩ Ngài
làm thế là vì Ngài muốn ông xác tín một cách dứt khoát về giá trị con đường yêu
thương mà Chúa đã đi, để rồi khi lãnh trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên của Chúa,
ông cũng phải dẫn dắt họ đi trên con đường đó. Dứt khoát là không có con đường
nào khác ngoài con đường đó. Đừng đi tìm bất cứ một con đường nào khác con
đường đó.
Chúa nói với Phêrô "Hãy theo Thầy" (Ga 21,19).
Theo Chúa không phải chỉ là đi trên những con đường cát bụi mà
có lần Chúa đã đi qua, nhưng là phải sống chính cuộc sống mà Chúa đã sống.
Câu chuyện truyền kỳ về những ngày chót của cuộc đời ông chắc
chắn cũng chứa đựng ít nhiều sự thật. Ông đến Rôma trong thời kỳ bắt đạo. Lúc
cơn bách đạo dâng cao, ông đã sợ hãi và muốn lẩn trốn nhưng vừa ra khỏi thành
thì ông gặp một người vai mang Thập Giá đang đi hướng về phía thành.
Ông hỏi:"Quo vadis: Người đi đâu đó?"
Người ấy trả lời: "Ta đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh
một lần nữa".
Phêrô đã hiểu ngay. Lần này thì Chúa không cần phải cắt nghĩa
dài dòng nữa. Phêrô quay đầu trở lại. Ông vào Rôma và tự nộp mình để rồi chịu
tử đạo tại đó. Truyền thống kể rằng, ông cảm thấy không xứng đáng được đóng
đinh cùng một cách thức như Thầy, nên ông xin được chết trên Thập Giá trong tư
thế đầu lộn ngược xuống đất.
Với tư thế đó, ông sẽ phải chịu đau đớn nhiều hơn. Nhưng Phêrô
đã muốn như thế để nói lên tấm lòng của ông đối với Thầy chí thánh.
Rõ ràng ông thực hiện trọn vẹn lời của Chúa: “Khi về già, ngươi
sẽ dang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho và lôi ngươi đi đến nơi ngươi không
muốn" (Ga 21,18-19).
Phêrô nằm trên Thánh Giá. Giống như Chúa Giêsu, như con chiên
hiền lành, không một tiếng than, không một lời trách. Ông nằm trên đó như một
lễ tế dâng lên Thầy chí thánh với tất cả lòng yêu thương: Yêu thương thì sẵn
sàng hy sinh. Yêu thương thì sẵn sàng quên mình.
Phêrô đã chết nhưng cái chết của ông không vô ích. Ông đã chết
không như một thất bại nhưng như một anh hùng chiến thắng. Sự can đảm của ông
chẳng khác gì một ngọn lửa hồng rực sáng, sáng lên thật nhanh, thật mạnh nơi
tâm hồn những tín hữu đầu tiên để họ cùng ông viết lên những trang sử hào hùng
cho tòa nhà Giáo Hội, mà chính Phêrô là nền móng.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta cũng được sống can đảm
như thế, để chúng ta xứng đáng với sự cứu chuộc của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta.
Cầu nguyện : Lạy
Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng chúng con ít khi nghĩ đến những
hạt giống đã âm thầm chịu nát tan để trao cho đời cây lúa trĩu hạt.
Có bao điều tốt đẹp
chúng con được hưởng hôm nay là do sự hy sinh quên mình của người đi trước, của
các nhà nghiên cứu, các người rao giảng, của ông bà, cha mẹ, thầy cô,của những
người đã nằm xuống cho quê hương dân tộc.
Ðã có những con người sống như hạt lúa, để từ cái chết của họ vọt lên sự sống cho tha nhân.
Ðã có những con người sống như hạt lúa, để từ cái chết của họ vọt lên sự sống cho tha nhân.
Xin cho chúng con đừng
tự khép mình trong lớp vỏ nhưng dám đi ra để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây
lúa nhỏ. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét