Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

THÁNH TITÔ VÀ TIMÔTHÊ

1. Đôi hàng tiểu sử
Timôthê và Titô là hai môn đệ thân thiết và nổi tiếng của Phaolô nên Giáo Hội mừng lễ các ngài ngay sau khi mừng lễ thánh Phaolô trở lại. Thánh Timôthê sinh tại Lystra, đã được thánh Phaolô dạy cho biết Chúa và rửa tội cho. Sau khi được rửa tội Timôthê luôn theo bên cạnh thánh Phaolô và cộng tác với ngài trong việc truyền giáo. Mặc dầu còn trẻ ngài sẵn sàng hy sinh từ bỏ tất cả danh vọng ở đời hiến thân phục vụ Chúa, đem ơn cứu rỗi đến mọi người.
Thánh Titô là con một gia đình ngoại giáo, được thánh Phaolô dạy đạo, rửa tội và được gọi là “người con chân thành” và trao cho nhiều trách nhiệm quan trọng. Theo truyền thuyết thánh tông đồ đã đặt ngài làm Giám Mục giáo đoàn Kêta và luôn khuyên bảo ngài sống xứng đáng làm người đứng đầu trong cộng đoàn, đồng thời đối xử thế nào cho thích hợp với mỗi hạng người.
2. Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng:
- Theo tường thuật của Thánh Luca, Chúa Giêsu đã sai đi rao giảng không phải chỉ nhóm tông đồ mà còn cả nhóm môn đệ nữa. Luca muốn nhấn mạnh rằng không riêng gì các tông đồ, mà tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Ý này lại được làm rõ thêm với con số 72. Đây là số dân của loài người mà St 10 đã liệt kê.
Sách Giáo Lý mới nói: “Được tái sinh làm con Thiên Chúa, những người đã được rửa tội có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Hội Thánh” (x.LG 10), tham dự vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của Dân Thiên Chúa (x.LG 17; AG 7,23).

Đây là chính việc của Chúa nên Chúa hứa luôn đồng hành với những ai dám hy sinh vì Ngài.
Trong cuốn ký sự ghi lại những cuộc du hành Marcô Pôlô nhà hàng hải lừng danh của Italia vào thế kỷ thứ XVI, có thuật lại cuộc gặp gỡ của ông với một số nhà truyền giáo tại Biển Đen. Các nhà truyền giáo cho biết họ đang trực chỉ đến vùng Tarta. Nhìn chiếc thuyền quá đơn sơ của các Tu Sỹ, Marcô Pôlô mới buột miệng đưa ra câu nhận xét sau:
- Có lẽ các Ngài chưa lường hết được những hiểm nguy trên biển cả. Với một cuộc hành trình cam go như thế này mà các Ngài lại không mang theo gì hết. Xin các Ngài cho biết đã chuẩn bị những gì?
Các nhà truyền giáo mỉm cười đáp:
- Chúng tôi được trang bị bằng đức tin, đức cậy, đức mến, và Chúa chính là Đấng dẫn đường, chỉ lối cho chúng tôi. Chúng tôi nghĩ như thế cũng đầy đủ cho chúng tôi rồi!
Rồi chúng ta còn phải nhớ việc hữu hiệu nhất không phải là những lời nói xuông mà chính là cuộc sống và những việc làm.
Có lần những nhà truyền giáo Công giáo hỏi ý kiến ông Gandhi về việc họ phải làm gì để các người theo đạo Hinđu chấp nhận bài giảng trên núi của Đức Giêsu. Ông Ganđhi trả lời: "Các ông hãy nghĩ về bí quyết của những bông hoa hồng. Mọi người đều yêu thích chúng, vì ngoài vẻ đẹp và màu sắc sặc sỡ, hoa còn tỏa ra mùi thơm thoang thoảng như diệu kỳ của nó. Vậy các ông hãy "tỏa hương thơm!"
Thánh Phaolô luôn khuyên bảo Titô phải sống xứng đáng làm người đứng đầu trong cộng đoàn, đồng thời đối xử thế nào cho thích hợp với mỗi hạng người.
Linh mục Natarinô Rochky, một thừa sai người Italia làm việc truyền giáo lâu năm ở Nhật Bản, đặc biệt là Ngài làm Cha sở họ đạo Elsaye. Cách thủ đô Tôkyô khoảng 100 km. Ngài kể lại câu chuyện sau đây:
"Có một giáo sư đại học trẻ tuổi người Nhật xin gặp tôi mỗi tuần 2 buổi tối để thảo luận về các vấn đề tôn giáo và Phúc Âm, mặc dù ông chưa phải là tín hữu Công giáo. Những thảo luận như vậy kéo dài hơn một năm trời. Vị giáo sư này trình bày cho tôi những nghi ngờ, thắc mắc về đạo, đồng thời ông cũng xin tôi giải thích thêm về Phúc Âm, về Giáo hội và về luân lý của đạo công giáo.
Sau hơn một năm, tôi cảm thấy vị giáo sư thông minh đó có vẻ sẵn sàng đón nhận Bí Tích Thanh Tẩy, nên tôi hỏi ông có muốn được rửa tội và gia nhập vào Hội thánh Công Giáo hay không. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông từ chối cách lịch sự. Và từ đó, tôi không thấy không lui tới với tôi nữa... Bẵng đi hơn 10 tháng, khi tôi hầu như đã quên đi vị giáo sư đó, thì một hôm. Ông trở lại gặp tôi và nói:
- Thưa Cha, Cha đã thuyết phục được con. Bây giờ con sẵn sàng đón nhận Bí Tích Rửa tội và con cũng đã chuẩn bị cho vợ con cũng như hai đứa con của con.
Nghe đến đây, tôi rất ngạc nhiên. Tôi hỏi ông điều gì đã khiến ông thay đổi ý kiến như thế. Ông ta đáp:
Trong những tháng qua, con đã âm thầm quan sát xem Cha đã sống như thế nào. Cha đã từng nói với con rằng Cha thường dâng thánh lễ một mình trong nhà thời mỗi ngày lúc 7 giờ sáng. Đó cũng là giờ con ra ga xe lửa để đến Tôkyô dạy học, vì thế con vẫn có dịp đi qua Nhà thờ của Cha. Con dừng lại một lát nhìn Cha qua cửa sổ, xem Cha làm gì trong đó. Bao giờ con cũng thấy Cha trong Nhà thờ và cầu nguyện thật sốt sắng. Ngoài ra, con cũng dò hỏi nhiều người về cách sống của Cha. Qua các cuộc điều tra đó, con thấy quả thật Cha đã tin và đã sống những điều Cha đã san sẻ cho con về đạo. Xét về mặt kiến thức thì con đã xác tín về sự thật Phúc Âm, nhưng con muốn xem Cha có sống Phúc Âm thực sự hay không".
Cha Rochky không những đã truyền giáo bằng lời nói, giảng dạy, nhưng còn bằng cuộc sống thường nhật của mình nữa!

Là những con cái của Chúa, chúng ta có thể đem đến cho trần gian hương thơm ngào ngạt của Chúa qua nếp sống hằng ngày của chúng ta mà không cần nói một lời nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét