Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

VỌNG PHỤC SINH


Lời Chúa: Ga 20,1-9
"Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng:
theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết."
(Ga 20,9)
 Đây không phải là lúc chúng ta làm sống lại những kỷ niệm của quá khứ mà là chúng ta sống Mầu Nhiệm hiệp thông với Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta cách trọn vẹn nhất.
Trong nghi thức Phụng vụ Vọng Phục Sinh đêm nay, Giáo Hội hướng chúng ta về Lửa và Ánh sáng. Lửa và ánh sáng là hai yếu tố rất quan trọng và rất cần thiết trong cuộc sống của chúng ta.
Cách đây hơn 8.000 năm, con người chưa khám phá ra lửa. Không có lửa, cuộc sống con người thật tăm tối và bấp bênh.
Nếu không có lửa không biết cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao.
Bên cạnh ngọn lửa, trong đêm cực thánh này Giáo Hội còn đề cao Ánh sáng.
Không có Ánh sáng, thế giới sẽ sống trong tăm tối. Ánh sáng giữ một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển của tất cả các tạo vật có sự sống trên trái đất này.
Bài Sách Thánh thứ 1 trong sách Sáng thế Ký đã đặt ánh sáng là yếu tố đầu tiên được Thiên Chúa tạo dựng nên trong chương trình sáng tạo của Người. Ánh sáng được tạo dựng nên trước tất cả mọi tạo vật khác kể cả con người. Không có lửa và ánh sáng, giá lạnh và bóng tối sẽ ập xuống và tiêu diệt tất cả các mầm sống trên hành tinh trái đất này. Chúng ta không thể tưởng tượng được một cuộc sống mà không có lửa và ánh sáng.
Vậy thì khi Giáo Hội đem Lửa vá Ánh sáng vào đêm Vọng Phục Sinh mừng Chúa sống lại,  Giáo Hội muốn cho chúng ta nhận ra sự thật này: Sự sống, nhất là sự sống đời đời của chúng ta lệ thuộc vào Thiên Chúa. Nếu con người không thể sống mà không có lửa và ánh sáng thì cuộc sống siêu nhiên của chúng ta cũng không thể có và không thể tồn tại nếu không biết lệ thuộc vào Thiên Chúa.
Nhiều người ngày hôm nay đã quên hay cố tình quên đi sự thật đó.
Vũ trụ này đã không phải tự nhiên mà có. Khoa học đã cho chúng ta thấy điều đó. Vũ trụ này đã có một sự khởi đầu.
Con người cũng không phải tự nhiên mà có. Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người chúng ta, tạo dựng nên từ tro bụi.
Chính Thiên Chúa cho con người sự sống và chính Người gìn giữ sự sống của con người.
Từ bụi đất Chúa đã làm nên chúng ta và vì yêu thương, Thiên Chúa cho chúng ta được chia sẻ sự sống của Người.
Tội lỗi đã làm cho sự sống của Chúa nơi chúng ta bị mất đi. Dù chúng ta có phản bội, tình yêu của Người  vẫn tồn tại.
Một lần nữa, Thiên Chúa lại cho chúng ta thấy Tình yêu của Người. Người đã sai Con của Người xuống cõi trần ai làm người và chịu chết để chuộc tội cho chúng ta.
Bằng sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, Người  muốn cho chúng ta được quyền chia sẻ lại sự sống của Người nếu chúng ta biết chết đi cho con người tội lỗi của mình, để phục sinh lại trong con người mới với Đức Kitô.
Chính sự Phục Sinh của Đức Kitô bảo đảm sự sống đời đời cho chúng ta.
Hãy sống lại với Chúa Giêsu trong con người mới: Con người thánh thiện, nhân từ, đầy lòng yêu thương, để xứng đáng với ơn Chúa cứu chuộc và Tình thương của Người.
Hãy tin tưởng vào Chúa và hãy thanh thản bước đi an bình giữa một thế giới đầy dẫy những cạm bẫy và bất trắc này, vì Chúa Phục Sinh đang đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống này. Amen.

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Lời Chúa: Ga 18,1-19,42
"Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực"
(Ga 19,35
)
Hôm nay, chúng ta tưởng nhớ đến cái chết của Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta.
Chúa đã chết... Chết như nhiều người đã chết.
Và gần 2000 năm trước Chúa Giêsu cũng đã chết.
Ngài đã chết, một cái chết mà Ngài đã báo trước: "Con Người sẽ bị nộp cho các Thượng tế và Kinh sĩ. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, sẽ đánh đòn và giết chết Người" (Mc 10,33-34).
Một cái chết đau thương đến cực độ, cô đơn đến cực độ, nhục nhã đến cực độ.
Một cái chết không có vòng hoa, chẳng có vòng cườm, và cũng chẳng có ai để tang.
Một cái chết không kèn, không trống, không người đốt cho một nén nhang, cũng chẳng ai thắp cho một ngọn đèn.
Vậy mà ngày hôm nay, hay nói đúng hơn, suốt hơn hai mươi thế kỷ nay, biết bao nhiêu con người đã, đang và vẫn còn phải ngậm ngùi, rơi lệ, không cầm được sự xúc động mỗi khi tưởng nhớ đến cái chết này.
Tại sao? Tại sao thế? Vì đó là một cái chết đẹp, đẹp tuyệt vời. Không đẹp ở hình thức bên ngoài nhưng đẹp ở nội dung, ở ý nghĩa. Bởi vì đây là một cái chết của Con Một Thiên Chúa - đã tự nguyện hy sinh để chuộc tội cho cả loài người. 
Với mẹ Têrêsa, cái chết của mẹ đã đẹp vì được cả thế giới tiếc thương. Cái chết của một con người đã dám dấn thân và trung thành với lý tưởng phục vụ trong yêu thương cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời - như lời mẹ đã từng hóm hỉnh tuyên bố sau một lần chết hụt như sau: "Tôi đã đến cổng Thiên Đàng nhưng thánh Phêrô bảo tôi: Trở lại đi con. Ở đây đâu có người nghèo khổ nào để con chăm sóc đâu, - thế là tôi trở lại - Đối với tôi, điều hạnh phúc nhất là có thể giúp cho người ta chết một cái chết xứng đáng với phẩm giá một con người".
Còn cái chết của Chúa? Đây không phải chỉ là cái chết của một con người, nhưng là cái chết của Người Con Một, Người Con Duy Nhất của Thiên Chúa, một cái chết:  Không chỉ đơn giản như một sự lìa đời nhưng là một cái chết để nói lên sự trung thành tuyệt đối với ý muốn của Thiên Chúa, là thái độ yêu thương của một người con sẵn sàng làm mọi sự Cha muốn - cũng như sẵn sàng trả giá cho sự vâng phục đó bằng một lòng trung thành không có gì lay chuyển nổi - cho dù có phải hy sinh, tủi nhục, đau khổ, bị bỏ rơi và nhất là phải chết trên Thập Giá.  Chúa đã chết.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Chúng con cám ơn Chúa đã chết vì yêu thương chúng con.

Xin cho chúng con biết sống xứng đáng với tình thương của Chúa và mãi trung thành với hồng ân cao quí Chúa đã dành cho chúng con. Amen.

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Lời Chúa: Ga 13,1-15
"Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em,
thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau."
(Ga 13,14)
Hôm nay là ngày Thứ năm Tuần Thánh, ngày Chúa Giêsu ngồi thật gần các môn đệ của Ngài để mừng lễ Vượt Qua cổ xưa của người Do Thái.
Chúng ta tham dự vào bữa tiệc hôm nay để tưởng niệm đến cái chết và sự Phục Sinh của Chúa. Giáo Hội còn muốn chúng ta nhớ lại giới luật yêu thương mà Chúa Giêsu đã đặc biệt trối lại như một lệnh truyền: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13,34). Đây là giới răn, là lệnh truyền chính Chúa nói ra cũng như đã thực hành trong phòng tiệc ly.
Ngài cũng không quên cho các môn đệ của Ngài biết lý do tại sao Ngài lại để lại cho họ giới răn yêu thương đó. Đó chính là vì Ngài đã yêu thương mọi người trước. Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một điều hết sức lạ lùng.
Tiếc rằng, ngày hôm nay, nhiều người chưa thấy được điều đó. Thiên Chúa yêu thương con người. Ngài muốn được gần gũi với  con người: "Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20)
Khi Chúa Giêsu nói: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới: anh em hãy yêu thương nhau" (Ga 13,34). Đây không phải là một điều luật được áp đặt lên trên chúng ta từ bên ngoài, nhưng đây là phương thức giúp cho cuộc sống của chúng ta được tốt đẹp hơn, hài hòa hơn.
 Một điểm khác cần được đề cập tới trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay: Đó là việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Chỉ có một mình Thánh Gioan ghi lại cảnh này: Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ của Ngài.
 Điều quan trọng không phải là rửa chân, nhưng là phục vụ các môn đệ và phá đổ đi cái tâm thức huênh hoang tự phụ đang còn bao trùm lên tâm trí của họ. Chúng ta hiểu tại sao mắt của họ như nói lên một nỗi bối rối, bởi lẽ trong họ một tấm kịch đang diễn ra”
Quả thực, Đức Giêsu đã tự hạ, đã bước xuống chỗ thấp nhất. Tất cả đều trái ngược với những ý nghĩ mà xưa nay các ông có về Đấng Messia, đến nỗi các ông ấy cảm thấy như bị thách đố. Thánh Gioan đã chẳng mưu tính với anh mình là Giacôbê để vận động cho hai người ngồi hai bên tả bên hữu Đức Giêsu trong ngày Ngài được quang vinh hay sao? Thế mà bây giờ Đấng là “Chúa và Thầy” của các ông ấy lại ăn mặc như một nô lệ và đang phục vụ dưới chân các ông! Và còn kinh khủng hơn khi Ngài còn coi việc đó như một quy luật và bảo họ phải theo: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để như Thầy đã làm như thế nào thì anh em cũng làm y như vậy” (13,15). Việc làm của Chúa quả thực là khó hiểu. Mãi “sau này” Gioan mới hiểu được điều đó (13,7). và ông đã phải viết lên “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).
Vâng! Để giải cứu con người, Thiên Chúa đã hạ mình như thế. Từ đây tất cả mọi sự đều thay đổi ý nghĩa: tự hạ trở thành “nâng cao”. Bước xuống chỗ thấp nhất là leo lên chỗ cao nhất. Tự huỷ của một tên nô lệ chính là sự siêu tôn Con Người.

Đó là con đường Chúa đã đi. Những ai muốn đi theo Ngài không có quyền đi ra khỏi đường đó.

Thứ Tư Tuần Thánh

Lời Chúa: Mt 26,14-25
"Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy."
(Mt 26,21)
 Tin Mừng hôm nay cho ta thấy tấm lòng của Chúa Giêsu trước việc Giuđa phản bội.
Ngài đau buồn: “Kẻ giơ tay cùng chấm dĩa với Thầy, đó chính là kẻ nộp Thầy”(Mt 26,23).
Ngài tiếc xót: “Khốn cho kẻ nộp Con Người. Thà kẻ đó đừng sinh ra còn hơn”(Mt 26,24).
Phạm tội là cả một quá trình từ nhẹ tới nặng. từ một điếu thuốc đến tật nghiện ngập, con đường tưởng xa nhưng lại rất gần. Từ một ngụm rượu uống cho vui cho đến tật say sưa, con đường tưởng là xa nhưng lại rất gần.
Hãy cẩn trọng đề phòng! 
 Tự do là một món quà vô cùng quý giá Chúa ban, nhưng đồng thời cũng là một trách nhiệm nặng nề và là một con dao hai lưỡi nguy hiểm. Không biết sử dụng tự do Chúa ban một cách hợp tình hợp lý thì chúng ta sẽ không lường được những hậu quả của nó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa. Tương lai chúng con không hề định trước được. Chính chúng con là người quyết định số phận của chúng con. Xin Chúa làm chư Trái Tim chúng con và chúng con xin phó thác những suy nghĩ những việc làm chúng con. Xin thương xót chúng con mà ban Thánh Linh của Ngài chiếm hữu lấy con hộ giúp chúng con cẩn trọng trong việc sử dụng tự do Chúa ban cho mình. Amen

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

THỨ BA TUẦN THÁNH

Lời Chúa: Ga 13,21-33.36-38
"Con liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần." (Ga 13,38)
Suy niệm:
Bài trích Phúc Âm hôm nay là một phần của bữa tiệc ly. Không phải Chúa Giêsu muốn Giuđa phạm tội, cũng không phải Ngài thờ ơ bỏ mặc hắn chìm trong tội lỗi. Ngài đã nhiều lần nhiều cách đánh thức lương tâm hắn. Ngài chỉ làm được đến thế thôi, vì Ngài phải tôn trọng tự do của hắn. Cách Chúa đối xử với những người tội lỗi cũng như thế.
Chúa Giêsu lấy làm vinh dự được thi hành ý muốn của Chúa Cha. Do tình yêu, người ta cũng lấy làm vinh dự được chiều ý người mình yêu. Thánh Phaolô nói “Vinh dự của chúng ta là Thánh Giá Đức Kitô”. Các tông đồ sau khi bị bắt nhốt vào trong tù và bị đánh đòn, đã “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì Danh Chúa Giêsu” (Cv 5,41). Nếu ta không lấy làm vinh dự khi làm theo ý Chúa và chịu khổ vì Chúa, đó là dấu ta chưa yêu Chúa. Cũng như Phêrô, tôi rất dễ nói những lời hăng hái bày tỏ lòng yêu mến Chúa. Thí dụ lúc cầu nguyện, trong những cuộc tĩnh tâm… Nhưng thực tế là tôi đã chối Chúa không chỉ 3 lần.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Mùa Chay với những ngày tĩnh tâm là một chặng dừng cần thiết, là cuộc hành trình nội tâm của mỗi người chúng con. Một cuộc đổi đời toàn bộ để thoát ra khỏi bóng tối của tội lỗi, khỏi mọi ràng buộc của đam mê bất chính, để thay hình đổi dạng nên mới và tốt đẹp hơn. Xin cho chúng con biết cúi mình xuống trong chân thành, khiêm hạ để có thể mở rộng tâm hồn đón nhận ân sủng Chúa ban. Chúa không bao giờ thay đổi tình yêu của Chúa đã dành cho chúng con. Như năm xưa Chúa đã mở cho Giuđa con đường trở về, thế nhưng vì cứng lòng, vì thiếu niềm tin vào sự tha thứ của Chúa. Giuđa đã tuyệt vọng, đã chết trong cô đơn và thất vọng.
Lạy Chúa. Chúa đã thấy mọi khó khăn, nhọc nhằn của kiếp người. Chúa cũng biết rằng với thân phận con người, vốn dĩ mỏng dòn yếu đuối và gây ra bao nhiêu tội ác đối với anh em đồng loại. Chúa dạy chúng con phải biết yêu thương, kiến tạo hoà thuận và bình an, nhưng chúng con đã không thể sống như thế, vì mỗi người chúng con còn cố chấp, còn đong đầy mối hiềm thù ghen ghét. Xin nhờ sức mạnh từ Thánh Thể Chúa mà chúng con lãnh nhận hằng ngày ban cho chúng con biết sống một cuộc đời như Chúa. Amen.

Thứ hai tuần Thánh

Lời Chúa:  Ga 12,1-11
"Các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu." (Ga 12,8)
Suy niệm: 
Trong 3 ngày đầu Tuần Thánh, các bài đọc thứ nhất đều trích từ sách tiên tri Isaia, viết về người tôi tớ Thiên Chúa, chịu đau khổ một cách nhẫn nhục để chuộc tội cho loài người. Còn các bài Phúc Âm thì thuật lại những việc xảy ra trong những ngày cuối cùng trước khi Chúa Giêsu bước vào cuộc thương khó.
Bài Phúc Âm thuật lại việc Chúa Giêsu được xức dầu tại Bêtania, “6 ngày trước Lễ Vượt Qua”, tức là 6 ngày trước khi Ngài chết.
1. Giá tiền của bình dầu thơm mà Maria đã đổ ra để xức chân Chúa Giêsu là 300 đồng, bằng lương 300 ngày công, nghĩa là gần suốt một năm. Mà gia đình Bêtania không khá giả gì. Maria yêu mến Chúa Giêsu “bằng mọi giá, chẳng tiếc bất cứ thứ gì cả. Trước đây, Maria cũng đã làm hài lòng Chúa khi bỏ hết mọi việc để ngồi bên chân Ngài và lắng nghe lời Ngài (Lc10,38-42). Lòng yêu mến Chúa của Maria không phải chỉ là tình cảm suông, cũng không chỉ thể hiện bằng lời nói, mà còn bằng thái độ không tiếc bất cứ thứ gì với Chúa, nhất là tiền bạc và thời gian.
2. Một bình dầu thơm được đánh giá 2 cách khác nhau: Maria dùng nó như phương tiên phục vụ Chúa, Giuđa coi đó là một giá trị vật chất đáng thèm muốn.
3. Giuđa nói: “sao không bán dầu thơm đó lấy 300 đồng mà cho người nghèo”. Nhiều khi người nghèo bị lấy làm chiêu bài để che đậy cho lòng tham, để tô vẽ bộ mặt đạo đức của kẻ giả hình.
4. “Người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh, còn Thầy thì anh em chẳng có mãi đâu”. Phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân đều là hai việc tốt. Tuy nhiên Chúa dạy ta hai điều:
a/ Phải biết cân nhắc khi nào thì ưu tiên cho việc nào;
b/ Đừng viện cớ phục vụ tha nhân mà bỏ bổn phận phục vụ Chúa.
5. Các thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô, đó là thái độ “giận cá chém thớt”, một thái độ mà nhiều khi nếu không để ý , chúng ta cũng dễ mắc phải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Năm xưa, gia đình Matta đã được diễm phúc đón rước Chúa viếng thăm. Ngày nay qua Bí tích Thánh Thể Chúa lại viếng thăm chúng con mỗi ngày. Chúa viếng thăm để gặp gỡ, để trao đổi, chia sẻ cảnh đời tha phương của chúng con.

Lạy Chúa, theo lẽ thường, không có tình yêu, người ta sẽ không đến với nhau, không ở lại với nhau. Không có trao đổi nên cũng không có chia sẻ và đỡ nâng nhau. Chúa cũng vì yêu nên đã lưu lại nơi trái đất này. Điều này cũng nói lên một tình yêu ban tặng nhưng không của Chúa dành cho chúng con. Đây là một vinh hạnh thật lớn lao và vô cùng qúy báu. Vì ai đâu ngờ, trái đất nhỏ bé so với vũ trụ bao la lại được vinh hạnh đón tiếp Chúa. Con người thụ tạo bé mọn lại được Thiên Chúa Đấng Tạo Thành viếng thăm. Amen

14 CHẶNG ĐƯỜNG THƯƠNG KHÓ


CUỘC CHỊU NẠN CHÚA GIÊSU KITÔ
14 CHẶNG ĐƯỜNG THƯƠNG KHÓ

NƠI THỨ NHẤT: CHÚA GIÊSU BỊ KẾT ÁN TỬ HÌNH
LỜI CHÚA
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan
Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Philatô nói với người Dothái: “Ðây là vua các người!” Họ liền la lớn: “Ðem đi! Ðem nó đi! Ðóng đinh nó vào thập giá!” Ông Philatô nói với họ: “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?” Các thượng tế đáp: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xêda”. Bấy giờ ông Philatô trao Ðức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá (Ga 19, 14-16).
Suy niệm :
Khung cảnh một phiên tòa xử người vô tội đang sống động trước mắt chúng ta. Một phiên tòa không có công lý. Người tố cáo bị xúi giục. Kẻ bị cáo không luật sư bàu chữa, không tự bàu chữa. Quan tòa tự bảo vệ danh lợi của mình bằng cách chấp nhận chân lý thuộc về số đông. Cuối cùng, bị cáo phải nhận án tử hình với tội danh gán ghép cho hợp luật. Sự gian dối áp đảo sự thật nhằm triệt hạ người công chính. Trần gian một lần nữa từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa, từ chối sự hiện diện của Lời Công Chính.
Cộng đoàn cùng đọc
 cầu nguyện : Lạy Chúa Giê-su, trong đời sống Giáo Xứ, xin cho chúng con biết quyết tâm loại trừ thói xét đoán, quyết tâm không kết tội anh em. Ngược lại xin cho chúng con biết yêu thương đùm bọc nhau, xây dựng nhau trong tinh thần sự thật, phát huy sự công chính và tình hiệp thông huynh đệ thánh thiện. A men.

NƠI THỨ HAI: CHÚA GIÊSU VÁC THÁNH GIÁ
LỜI CHÚA
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan:
“Bấy giờ ông Philatô trao Ðức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá. Vậy họ điệu Ðức Giêsu đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha” (Ga 19, 16-17).
Suy niệm:
Cây Thập Giá không dựng sẵn trên núi sọ, nhưng chính Chúa phải vác lên. Như thế là tội nhân phải vác tội mình mà bước đi trước mắt những người tố cáo, để được nghe thêm những lời nguyền rủa, mắng nhiếc, như lời đáp trả, như quà tặng cho người đã mang Lời Yêu Thương, Lời Chân Lý xuống cho con người.
Và trong đám đông ấy, có ai hiểu được là Chúa Giê-su vô tội đang vác tội lỗi của họ trên vai, để đẹp ý Chúa Cha và xin Cha động lòng tha thứ.
Cộng đoàn cùng đọc
 cầu nguyện : Lạy Chúa, trong đời sống cộng đoàn, có thể người này trở nên gánh nặng cho người kia, xin cho chúng con biết bớt đi những gánh nặng cho nhau, bằng cách nhận phần mình vác nặng hơn một chút, vì yêu mến và kết hiệp với Thánh Giá Chúa. Amen.

NƠI THỨ BA: CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ NHẤT
LỜI CHÚA
Lời Chúa trong sách tiên tri Isaia:
“Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,4-5).
Suy niệm :
Thánh giá nặng vì tội lỗi nặng. Tội lỗi nặng vì sự vô tâm của con người, và còn vì lòng dạ con người thay đổi. Lời tung hô trên môi, nay đổi thành lời vu oan trước tòa án, lời khẩn thiết xin chữa lành bệnh tật, nay thành lời nhục mạ, nguyền rủa không tiếc lời. Nỗi buồn rất con người của một Thiên Chúa làm người về sự bất trung, sự thay lòng đổi dạ của con người, đã khiến người lao đao té ngã.
Cộng đoàn cùng đọc
cầu nguyện : Lạy Chúa Giê-su, đôi khi Thập Giá đời thường của chúng con trở nên nặng hơn vì sự vô tâm của anh em, và còn nặng hơn nữa vì chất chồng thêm những lời nguyền rủa, làm cho chúng con té ngã trong đời. Xin cho chúng con biết cảm thông, nâng đỡ, ủi an nhau để giúp nhau vững bước vác Thánh Giá theo chân Chúa. Amen.

NƠI THỨ TƯ: CHÚA GIÊSU GẶP ĐỨC MẸ
LỜI CHÚA
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Luca:
Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra” (Lc 2,34-35). 
Suy niệm :
“Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”. Lời này có trái ngược với lời khen tặng mẹ: “Phúc thay lòng dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú”.  Có lẽ nào “lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn” lại là hạnh phúc của Mẹ đấy sao? Mẹ vẫn lặng thinh, nghẹn ngào, thinh lặng của niềm tin tuyệt đối, nghẹn ngào của niềm hiệp thông “cho đi không đòi lại” như Mẹ đã từng thưa: “Xin hãy thành sự ý định của Ngài nơi tôi”. Điều Mẹ đã xin, nay Mẹ đã hiểu, đây là sự viên thành ý định của Thiên Chúa. Lặng lẽ, dâng trao, dù đớn đau như gươm đâm thấu.
Cộng đoàn cùng đọc
cầu nguyện : Lạy Mẹ Maria, Mẹ có mặt trong lịch sử cứu độ, và Mẹ cũng chính là người chịu đựng lịch sử của người cứu độ, chính là con Mẹ. Nỗi đau của lòng Mẹ, phản ảnh nỗi đau của Chúa Cha khi trao ban chính con một mình. Xin cho chúng con biết nhờ Mẹ, noi gương Mẹ mà thầm lặng hiệp thông, chia sẻ nỗi đau của anh em
 Amen.

NƠI THỨ NĂM: ÔNG SIMON VÁC ĐỠ THẬP GIÁ CHÚA GIÊSU
LỜI CHÚA
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Máccô:
Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Simon, gốc Kyrênê. Ông là thân phụ hai ông Alêxanđê và Ruphô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Ðức Giêsu. Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôngôtha, nghĩa là Ðồi Sọ. (Mc 15, 21-22).
Suy niệm :
Có rất đông người theo Chúa trên đường vác thánh giá. Họ đi xem một cuộc thi hành án? Họ cười nói thản nhiên trước một con người đang đau khổ. Cũng có thể họ vui mừng vì đã loại trừ được một con người nguy hiểm cho họ, cho đất nước họ. Họ không chút chạnh lòng thương. Đôi khi cảnh khóc, cười, lại diễn cùng một lúc. Chúa Giê-su đã rất mệt, nhưng hẳn là không thể nhờ những người bỉu môi cười kia giúp vác đỡ người một đoạn. Một người không đi trong đám đông ấy, tên là “chạnh lòng thương” đã giúp vác đỡ thánh giá Chúa.
Cộng đoàn cùng đọc
cầu nguyện : Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con không là người dửng dưng trước những gánh nặng của anh em trong giáo xứ chúng con, nhưng ngược lại, cho chúng con biết chạnh lòng thương trước những gánh khổ của anh em trong cuộc đời, để cùng sẻ chia gánh nặng ấy. A men.

NƠI THỨ SÁU: BÀ VERONICA LAU MẶT CHO CHÚA
LỜI CHÚA
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu:
Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?” Ðể đáp lại, Ðức Vua sẽ bảo họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 37-40).
Suy niệm :
Một người phụ nữ tưởng như vô danh tiểu tốt,  trong đám người theo Chúa Giê-su trên đường thương khó, đã nhìn thấy khuôn mặt Chúa Giê-su đẫm mồ hôi máu. Bà lấy khăn mà lau mặt Chúa. Bà đại diện cho một lương dân, sống ngay lành theo sự soi dẫn của tiếng lương tâm ngay lành. Bà xứng đáng được Chúa Giê-su in hình mặt người vào trong khăn, như một lưu dấu của Thiên Chúa chúc lành.
Cộng đoàn cùng đọc
cầu nguyện : Lạy Chúa, lòng yêu thương tha nhân chính là nét đẹp giống Chúa, và cũng chính là con đường tìm gặp được Thiên Chúa. Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng con biết thương yêu nhau, để nên một lời chứng hùng hồn cho đạo tình yêu mà chúng con đã lãnh nhận, đồng thời giới thiệu Chúa Ki-tô cho mọi người. A men.

NƠI THỨ BẢY: CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ HAI
LỜI CHÚA
Lời Chúa trong sách Thánh Vịnh:
“Chúng bủa vây tôi như thể bầy ong, chúng như lửa bụi gai cháy bừng bừng, nhờ danh Chúa, tôi đã diệt trừ chúng. Chúng xô đẩy tôi, xô cho ngã, nhưng Chúa đã phù trợ thân này” (Tv 118, 12-13).
Suy niệm :
Thánh giá trở nên nặng nề hơn nữa, khi con người không còn đủ sức để cố gắng. Sức cố gắng lại là “sức của một sự tiếp sức” của ý chí, của tình yêu, của nâng đỡ khích lệ, của cảm thông. Nếu đã có tiếp sức của một Simon, người đi làm về, chạnh lòng thương vác đỡ cho một đoạn, nếu đã có một Veronica vô danh lại trao khăn lau mồ hôi máu thật cảm động, thì thử hỏi, tại sao không thấy một Phê-rô, một Gia-cô-bê, một Gioan hay một môn sinh nào khác xuất hiện giữa cơn khốn cùng. Sức nặng của sự bội tình làm Chúa Giê-su ngã xuống đất lần thứ hai, muốn đánh thức trái tim bội bạc của những môn đệ Người mến yêu.
Cộng đoàn cùng đọc
cầu nguyện : Lạy Chúa Giê-su, có biết bao tín hữu, và cả chúng con nữa, vẫn thường tìm cho mình sự yên thân trong khi giáo hội, giáo xứ phải đương đầu với những thách đố, khó khăn. Xin cho chúng con trung tín làm chứng nhân cho Chúa, và tiếp sức cho nhau để xây dựng nước Chúa. A men.


NƠI THỨ TÁM: CHÚA GIÊSU AN ỦI CÁC PHỤ NỮ THÀNH GIÊRUSALEM
LỜI CHÚA:
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Luca:
Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người.  Ðức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu của chị em. (Lc 23, 27- 28).
Suy niệm :
Một số phụ nữ thành Giê-ru-sa-lem theo Chúa trên đường Thánh Giá, tới phút này, không thể dửng dưng nữa, dường như họ cảm thấy tiếc nuối một con người đang cận kề với án tử. Tiếc nuối cách tự nhiên, hoặc là tiếc nuối vì những mối lợi ít ra qua những phép lạ người làm. Sự tiếc nuối bén nhạy của nữ tính. Nhưng Chúa Giê-su đã nhắc nhớ, thay vì khóc tiếc thương cho Người, thì hãy khóc lóc tiếc thương cho chính họ và con cháu họ vì những tội lỗi.
Cộng đoàn cùng đọc
cầu nguyện : Lạy Chúa Giê-su, chúng con vẫn thường có những xúc cảm đau buồn chóng vánh trong những giờ kinh, giờ ngắm, nhưng thiết tưởng, dối với Chúa, đó mới chỉ là cảm tính của sự hồi tâm. Xin cho chúng con biết thật lòng thống hối, là quyết tâm từ bỏ nếp sống tội lỗi, và đổi mới một cuộc sống trong Chúa. A men.

NƠI THỨ CHÍN: CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG LẦN THỨ BA 
LỜI CHÚA:
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu:
“Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).
Suy niệm :
Thập giá nặng nề trở nên nặng nề hơn nữa, khi gần đến nơi thi hành án tử. Chúa đã vác tội lỗi con người lên cao hơn, lên gần tới nơi chuộc tội. Toàn cảnh bi đát của tội lội nhân loại đang đè nặng và thách thức một tình yêu can đảm tới cùng. Chúa ngã xuống đất lần thứ ba, cho thấy tội nặng nề kinh khiếp, và cái giá phải trả là đắt giá thế nào. Cái giá phải trả ấy, là một tình yêu vô biên, để lay động người có tội biết rằng: chỉ được cứu nhờ tin vào tình yêu và ân sủng.
Cộng đoàn cùng đọc
cầu nguyện : Lạy Chúa Giê-su, thể xác và tinh thần của Chúa đã cạn kiệt, nhưng tình yêu của Chúa là vô biên. Chính tình yêu ấy là sức mạnh trên đường thương khó. Một tình yêu cứu chuộc những con người phản bội tình yêu Chúa. Xin cho chúng con biết mặc lấy trái tim yêu thương của Chúa mà sống trong cộng đoàn giáo xứ chúng con, để chúng con có sức mạnh tình yêu, trổ sinh lòng khoan dung, tha thứ cho anh em. A men.

NƠI THỨ MƯỜI: QUÂN DỮ LỘT ÁO CHÚA GIÊSU
LỜI CHÚA:
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan:
Ðóng đinh Ðức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới.  Vậy họ nói với nhau: “Ðừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được”. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, còn áo dài, cũng bắt thăm luôn. Ðó là những điều lính tráng đã làm. (Ga 19, 23-24).
Suy niệm :
Chúa đã đến núi sọ. Quân dữ lột áo Chúa ra. Nếu không có tội lỗi của Adam, thì mình trần thân trụi kia là một sự tốt lành thánh thiện. Nhưng vì tội lỗi của A dam, mà sự trần trụi ấy trở nên xấu hổ, nhục nhã biết chừng nào. Chúa chịu lột áo ra, để cho nhân loại thấy rằng, ngài không chỉ bằng lòng bỏ đi cái thân phận làm Thiên Chúa, mà còn bỏ đi cả cái phẩm giá tối thiểu của một con người. Một sự từ bỏ đến mức tự hủy, chỉ vì muốn đẹp lòng Chúa Cha, muốn động lòng thương xót của Chúa Cha
Cộng đoàn cùng đọc
cầu nguyện : Lạy Chúa Giê-su, trong cuộc sống cộng đoàn, chúng con đã đôi lần làm mất phẩm giá của anh em mình, cách vô tình hay hữu ý. Xin cho chúng con biết từ bỏ con người vốn kiêu ngạo hơn người của chúng con, để được khiêm tốn xây dựng cho nhau và gìn giữ phẩm giá của nhau trong tình yêu thương hiệp nhất. A men.

NƠI THỨ MƯỜI MỘT: CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH
LỜI CHÚA
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan:
Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha;  tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Ðức Giêsu thì ở giữa.  (Ga 19, 17-18).
Suy niệm :
Cây thập giá với hai thanh gỗ dọc ngang, đã trở thành cây Thánh Giá, và trở nên dấu chỉ cứu rỗi, bởi vì, chính Con Thiên Chúa đã vác và chịu đóng đinh vào cây thập giá ấy. Điểm gặp nhau của hai thanh gỗ không còn là một ngã tư góc vuông bình thường, mà chính là trái tim yêu thương của Con Thiên Chúa. Nơi trái tim nầy, là điểm gặp gỡ của trời cao với đất thấp, của người phương bắc với phương nam, điểm gặp gỡ đầy tình yêu thương, hiệp nhất và cứu chuộc.
Cộng đoàn cùng đọc
cầu nguyện : Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con yêu quí Thánh Giá Chúa, yêu mến sự từ bỏ chính mình, yêu mến sự vâng phục thánh ý Chúa, yêu mến sự đau khổ cho mình để anh em được hạnh phúc, và yêu mến thánh giá chỉ vì yêu mến Chúa, yêu mến giáo hội, giáo xứ và yêu mến công trình cứu chuộc. A men.

NƠI THỨ MƯỜI HAI: CHÚA GIÊSU CHẾT TRÊN THÁNH GIÁ
LỜI CHÚA:
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan:
Sau đó, Giêsu Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và tắt thở. (Ga 19,28-30).
Suy niệm :
Những lời cuối cùng của Chúa Giê-su trên Thánh Giá, là mạc khải về một tình yêu huyền nhiệm của Con Thiên Chúa đối với Chúa Cha: “Con phó linh hồn con trong tay Cha”. Và chỉ khi “phó linh hồn trong tay Cha” thì “mọi sự đã nên hoàn tất”.  Chỉ có Chúa Giê-su mới nói được hai từ “hoàn tất” hành trình đời người của mình, cũng là hành trình cứu chuộc. Vì cũng chỉ có Chúa Giê-su đã tuân phục trọn vẹn thánh ý của Cha và làm đẹp lòng Cha, qua hy lễ cứu chuộc trên thánh giá: hy lễ của tình yêu tuân phục và trao hiến.
Cộng đoàn cùng đọc
cầu nguyện : Lạy Chúa Giê-su, mỗi chúng con cũng đang phải hoàn tất hành trình đời người của mình, và chắc chắn chỉ được hoàn tất đúng nghĩa, khi biết hoàn toàn thuộc về Chúa, “phó thác linh hồn trong tay Thiên Chúa” để Ngài dẫn bước đường phải đi, việc phải làm, theo thánh ý Ngài mà thôi. Xin cho mỗi chúng con, cùng với cộng đoàn những người tin, hết lòng tin tưởng và phó thác cuộc đời trong tay Thiên Chúa. A men.


NƠI THỨ MƯỜI BA: THÁO XÁC CHÚA GIÊSU KHỎI THẬP GIÁ
LỜI CHÚA:
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu:
Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành Arimathê, tên là Giôxép, và cũng là môn đệ Đức Giêsu. Ông đến gặp ông Philatô để xin thi hài Đức Giêsu. Bấy giờ tổng trấn Philatô ra lệnh trao trả thi hài cho ông. (Mt 27,57- 58).
Suy niệm :
Vì áp ngày Sabat, nên Giuse Arimathia tháo xác Chúa Giêsu xuống và trao cho Mẹ Maria. Còn nỗi đau nào hơn nữa dành cho Mẹ khi Mẹ ôm xác đứa con yêu. Nhìn xác con, Mẹ như đứt từng khúc ruột. Lưỡi gươm vô hình như đâm nát bấy trái tim. Con đã chết, và Mẹ cũng đang chết với con. Con chết vì tội lỗi nhân loại, Mẹ cũng đang chết vì tội lỗi nhân loại cùng với con. “Con phó linh hồn trong tay Cha” và dường như “Con phó thân xác bất động này trong tay Mẹ”. Mẹ Maria, cách nào đó, đã là người của Thiên Chúa, đại diện cho Thiên Chúa mà đón nhận một lễ tế sinh.
Cộng đoàn cùng đọc
cầu nguyện : Lạy Mẹ Maria, chúng con tin rằng, trong Mẹ, có sức mạnh vô biên của Thiên Chúa, để có thể can đảm đối diện với một cảnh tượng hải hùng nhất trong đời người: ôm xác người con yêu, chiêm ngưỡng dung nhan của người cứu chuộc. Xin Mẹ giúp con chúng con can đảm đón nhận những khổ đau trong đời, đón nhận anh chị em đau khổ trong đời, và kết hiệp khổ đau ấy với lễ tế Chúa Giê-su, để nên phần rỗi cho chúng con. A men.

NƠI THỨ MƯỜI BỐN: TÁNG XÁC CHÚA GIÊSU TRONG HUYỆT ĐÁ
LỜI CHÚA:
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan:
Các ông lãnh thi hài Ðức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà cuốn, theo tục lệ chôn cất của người Do thái. Nơi Ðức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Ðức Giêsu ở đó. (Ga 19,40-42)
Suy niệm :
Táng xác Chúa Giê-su trong huyệt đá. Có vẻ như thảm kịch một đời người đã vĩnh viễn kéo màn, đóng lại, mất hút… Thất vọng bao trùm không gian, bao trùm những người tin vào một con người mang tên Giê-su ngắn số. Nhưng, không phải thế. Thân xác Chúa Giê-su đã chết, là thân xác mang hết tội lỗi con người. Người ta táng xác Chúa trong huyệt đá, cũng là mai táng là chôn vùi tất cả tội lỗi con người vào một quá khứ vĩnh viễn.
Như vậy, tín hiệu lạc quan đầu tiên từ mồ đá hẳn là: tội lỗi nhân loại đã được chôn vùi cùng thân xác tử nạn của Chúa Giê-su.
Và tín hiệu lạc quan tiếp theo chỉ có được khi vững tin vào lời kinh thánh “Người sẽ sống lại từ cõi chết”. Và biến niềm tin ấy thành niềm hy vọng “ai cùng chết với Chúa Ki-tô, sẽ được sống lại với Người”.
Cộng đoàn cùng đọc
cầu nguyện : Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì đã gánh tội lỗi của chúng con và mai táng trong mồ. Xin cho chúng con biết cùng với cộng đoàn Giáo xứ, sốt sắng cử hành hy lễ vượt qua trong thánh lễ mỗi ngày, và trong mọi biến cố cuộc đời, với niềm cậy trông bền vững, niềm xác tín mạnh mẽ vào ơn Phục Sinh với Chúa. A men.

LỜI NGUYỆN KẾT
Lạy Chúa Giêsu, chúng con vừa suy gẫm 14 chặng đàng Thánh Giá của Chúa, chúng con cảm nhận được tình yêu vô cùng của Chúa dành cho nhân loại và cho mỗi chúng con.
Xin cho chúng con biết sống mầu nhiệm tình yêu đó trong chính cộng đoàn Giáo Xứ chúng con hôm nay, để xây dựng giáo xứ nên một cộng đoàn thờ phượng Chúa, một cộng đoàn sống theo ý Chúa, và là một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất, xứng đáng giới thiệu tình yêu Chúa cho mọi người.

Lạy Mẹ Maria, chúng con xin dâng gia đình, giáo xứ và giáo phận cho Mẹ. Xin cho chúng con noi gương Mẹ chịu thương chịu khó với Chúa Giê-su, để biết chịu thươg chịu khó với nhau trong cộng đoàn giáo xứ, cùng xây dựng một Giáo Xứ bình an thánh thiện. Amen.

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

CHÚA NHẬT LỄ LÁ – NĂM B

Lời Chúa:  Mc 14,1 – 15,47
“Cha ơi, Cha làm được mọi sự,
xin cất chén này xa con. 
Nhưng xin đừng làm điều con muốn,
mà làm điều Cha muốn”
 (Mc 14,36)
 Tuần Thánh bắt đầu với Chúa nhật Lễ Lá và Phụng vụ Lễ Lá lại tiến hành với hai nhịp tương phản. Bắt đầu là cử hành việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong tư cách một vị vua, được dân chúng đón tiếp trọng thể, ngập tràn tiếng reo vui. Rồi ngay sau đó trong Thánh Lễ, thay cho bài Tin Mừng lại là bài tường thuật cuộc thương khó của Chúa, cuộc thương khó đầy máu và nước mắt. Hội Thánh có ý gì khi liên kết hai sự kiện tương phản này? Tại sao không đợi đến Thứ Sáu Tuần Thánh để công bố bài thương khó mà phải đọc ngay từ Chúa nhật Lễ Lá? Đã hẳn có nhiều ý nghĩa phong phú hàm chứa ở đây cần được khai triển. Một trong những nội dung đáng quan tâm là Hội Thánh muốn làm nổi bật đường lối cứu thế của Chúa Giêsu và mời gọi con cái mình bước theo Thầy.
Trong ngày Lễ Lá, hình ảnh Chúa Giêsu cỡi trên lưng lừa tiến vào Giêrusalem làm dội lại lời tiên tri Zacaria: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi. Người là Đấng chính trực, Đấng toàn thắng; khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ (9,9). Vào thời tiên tri Zacaria cũng như vào thời Chúa Giêsu, con ngựa mới là biểu tượng của sức mạnh, còn lừa là phương tiện của người nghèo. Vì thế hình ảnh Vua Giêsu ngồi trên lưng lừa diễn tả một vị vua hoàn toàn khác. Người là vua của hòa bình, vua của người nghèo, vị vua đơn sơ và khiêm tốn.
Cũng lúc ấy, chúng ta khám phá lý do tại sao Phụng vụ Lễ Lá được bắt đầu bằng việc tưởng niệm Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong vinh quang, rồi được tiếp nối bằng việc công bố bài thương khó. Để thấy rõ hơn chân dung của vị vua hòa bình. Để thấy rõ hơn ý nghĩa của “sự nhiệt thành”, không phải thứ nhiệt thành của bạo lực nhằm xây dựng một vương quốc trần thế, nhưng là sự nhiệt thành của Thập Giá, nhiệt thành của tình yêu tự hiến trọn vẹn.

Cầu nguyên; Lạy Đấng Mê-si-a hiền hòa cỡi trên lưng lừa con, ai có thể mở miệng tung hô và đón nhận Người cách nhiệt tình nhất nếu không phải là những người tội lỗi thấp hèn? Nếu con không biết tung hô lòng từ bi nhân hậu Chúa, biểu lộ cách rực rỡ nơi mầu nhiệm Thập Giá, thì y như Chúa nói: “sỏi đá cũng sẽ kêu lên!” Xin cho tâm hồn con không bị trai cứng còn hơn cả sỏi đá tới độ không biết mở miệng lớn tiếng ca tụng tình thương cứu độ Người đã thực hiện trên thập giá vì yêu con! Amen.